Hàng hóa Trung Cộng có thể xâm nhập mọi thị trường, từ thị trường dễ tính như Việt Nam cho đến những thị trường khó tính như Mỹ và EU cũng đều không thoát khỏi làn sóng hàng Tàu. Nơi thị trường khó tính hàng Tàu cũng chiếm lĩnh thị trường đó về lợi thế giá, ngay cả thị trường tiêu thụ hàng kém chất lượng như Việt Nam thì hàng Tàu vẫn có giá rẻ hơn.
Với thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản vv… thì khi hàng Tàu vào đấy không cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa địa phương. Tại Nhật, hàng Nhật nằm ở phân khúc cao hơn hàng Tàu, tại Mỹ thì hàng Mỹ vẫn ở phân Khúc cao hơn hàng Tàu, tạị EU thì hàng EU cũng ở phân khúc cao hơn hàng Tàu chính vì vậy hàng Tàu tràn vào thị trường đó không giết chết hàng hóa của địa phương đó sản xuất. Nhưng riêng Việt Nam lại khác, bài học nông sản Tàu tràn ngập thị trường Việt Nam với giá rẻ bèo khiến nhà nông Việt Nam điêu đứng phải kêu gọi xã hội giải cứu từ năm này sang năm khác là một bài học nhãn tiền.
Hiệp định RCEP có sự tham gia của Úc, New Zealand, Nhật Bản, Singapore, và cả 4 thị trường này đều là những thị trường khó tính, chính vì vậy sân chơi này có lợi cho họ nhiều hơn. Hàng của những quốc gia này không đấu tay đôi với hàng Tàu. Tại các nước nghèo, tầng lớp thích dùng hàng hóa Úc, New Zealand, Nhật Bản thì họ không màng đến hàng China cùng loại, chính vì vậy hàng rào thuế quan trong khối RCEP bị dỡ bỏ thì hàng hóa cao cấp đến từ những quốc gia này có giá mềm hơn và nhờ đó các nước này mở rộng thị trường tiêu thụ trong khối.
Lẽ ra trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có cả Ấn Độ, nhưng vào ngày 14/11/2019 Ấn Độ tuyên bố rút khỏi RCEP sau khi đã cân nhắc thiệt hơn. Nguyên nhân do đâu dẫn tới việc Ấn Độ rút lui? Theo báo The Indian Express thì do xã hội dân sự ở Ấn Độ và phe chính trị đối lập đã lên tiếng ngăn cản việc này. Lãnh đạo trong Quốc Hội Ấn Jairam Ramesh đã nói rằng “động thái này sẽ là “hành động tự sát” đối với Ấn Độ”. Còn bà Chủ tịch Quốc hội Sonia Gandhi thì cho rằng việc tham gia RCEP sẽ giáng một “đòn giáng mạnh” vào nền kinh tế của đất nước. Bà Sonia dự đoán rằng động thái này sẽ dẫn đến “khó khăn không kể xiết cho nông dân, chủ cửa hàng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Như đã nói, thị trường Ấn Độ không phải là thị trường khó tính, và hàng hóa “made in India” hoàn toàn không ở phân khúc cao hơn hàng Tàu nên khi mở cửa hàng Ấn và hàng Tàu sẽ đấu đầu trực tiếp. Mà khi đã đấu trực tiếp thì ắt phải có kẻ vinh quang người gục ngã. Chính hàng Tàu đã đánh chết hàng Việt ngay trên đất Việt là một bài học xương máu. Ai cũng biết, hiện nay, Việt Nam không thể tự chủ được nguyên liệu mà phải phụ thuộc hoàn toàn vào Tàu Cộng. Chính vì vậy mà cán cân thương mại giữa Việt Nam với Trung Cộng cứ bị nới rộng hàng năm. Năm 2019, Việt Nam nhập siêu từ Trung Cộng 34 tỷ USD, mặc dù bị dịch Covid-19 nhưng tính trong 10 tháng đầu năm 2020 Việt Nam đã thâm hụt thương mại với Trung Cộng đến 27,7 tỷ USD. Trò chơi thương mại giữa Việt Nam với Trung Cộng xem như đã rõ, Việt Nam bị “ông bạn vàng” đánh gục từ trước khi tham gia RCEP rất lâu rồi.
Trở lại câu chuyện Ấn Độ, nước này chưa mở toang cửa cho Tàu vào như Việt Nam mặc dù họ là 2 quốc gia láng giềng. Ấy vậy mà năm 2019 Ấn đã bị thâm hụt thương mại với Tàu lên đến 50 tỷ USD. Vậy nếu Ấn tham gia vào RCEP thì sao? Khi đó hàng rào thuế bị tháo giỡ thì xem như thành trì bảo vệ hàng Ấn bị phá, lúc đó thâm hụt thương mại 2 chiều không dừng lại ở 50 tỷ mà chắc chắn bị đẩy cao hơn và kèm theo đó là, nền sản xuất của Ấn có thể bị bóp chết bởi hàng Tàu tương tự như Việt Nam.
Không biết trong vấn đề này người Ấn họ tự tính toán cho bài toán riêng mà rút khỏi RCEP hay họ rút kinh nghiệm từ Việt Nam? Không biết, chỉ biết người ấn họ làm thế là sáng suốt. Bởi đơn giản không thể để 1,37 tỷ dân Ấn làm thị trường tiêu thụ béo bở cho Tàu, điều đó chẳng khác nào vỗ béo kẻ thù. Hơn nữa, với việc làm này họ sẽ bảo vệ được nền sản xuất của họ. Sân chơi còn nhiều, còn đó Mỹ và EU đó, Ấn có nhiều đường lựa chọn cho sân chơi khác. Họ từ chối RCEP cho thấy họ sáng suốt, bởi đơn giản họ có đối lập và một xã hội dân sự tốt. Chính lực lượng này là đối trọng để ngăn chặn đường lối sai lầm của đảng cầm quyền. Đó là cái lợi của dân chủ./.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
https://vnexpress.net/an-do-rut-khoi-hiep-dinh-rcep…
https://indianexpress.com/…/why-india-has-said-no-to…/
https://infographics.vn/thuong-mai-song-phuong…/7769.vna
https://thegioihoinhap.vn/…/nam-2019-viet-nam-tiep-tuc…/
https://petrotimes.vn/vao-rcep-viet-nam-co-lo-tang-nhap…
https://tuoitre.vn/rcep-thanh-hinh-au-my-lo-lang…
#RCEP #ẤnĐộ