Phạm Minh-Tâm
Thời-điểm này cơn đại-dịch còn đang phát-tác cùng với nhiều biến-động xẩy ra khắp thế-giới, nhất là tình-trạng hỗn quân hỗn quan tại Mỹ trong những ngày cuối của cuộc chạy đua quyền-lực vào Bạch-cung….tất cả đã gợi cho người viết ý-hướng tưởng-niệm cố Tổng-thống Ngô-Đình Diệm năm nay không bằng những lời ca-tụng dư-thừa hay kể công kể trạng vì “hữu xạ tự nhiên hương”, mà bằng các cố gắng nhận-diện những oan-khiên người ta đã hè-hụi cùng nhau trút trả cho ông sau chín năm “hồi-sinh nửa mảnh giang-san”.
Nhớ lại trong ngày Quốc-khánh 26-10-1963, khi Tổng-thống Ngô-Đình Diệm đứng đọc diễn-văn trước một cử-toạ toàn những khuôn mặt quá quen thuộc của các Tổng, Bộ-trưởng trong Chính-phủ, các tướng tá trong Quân-lực, các đại-diện tôn-giáo, các quốc-khách trong Ngoại-giao đoàn…thì chắc-chắn ông không dám nghĩ rằng lẫn trong đó có một đám lang sói biến hình đang trà-trộn trong các thành-phần đẹp-đẽ kia nhìn ông trong tâm-trạng chờ con mồi sắp sa bẫy. Và chỉ mấy ngày sau, cái bẫy chính-trị tồi-tệ đã sập xuống đời Tổng-thống Ngô-Đình Diệm, xuống toàn-bộ nền Đệ-nhất Cộng-hoà, xuống Miền Nam và di-lụy cho cả Miền Nam từ-từ đi vào hố-thẳm 30-4-1975.
Trong lời hiệu-triệu quốc-dân vào ngày Quốc-khánh cuối cùng này, tôi nhớ nhất là thành-ngữ “thắt lưng buộc bụng” Tổng-thống Ngô-Đình Diệm dùng kêu gọi đồng-bào chịu khó cùng ông tiếp-tục xây-dựng Đất Nước và chống cộng-sản không cần viện-trợ của Mỹ nếu họ muốn cắt.
Và đúng ra cá-tính cương-trực này của Tổng-thống Ngô-Đình Diệm khi chọn lựa chính-nghĩa của hai chữ “độc-lập” và “tự-chủ” thì phải là niềm tự-hào của của bất kỳ người Việt-Nam nào còn trung-thực với lịch-sử trường-kỳ đấu-tranh chống ngoại-thuộc đã ăn rất sâu trong tâm-thức. Hoặc ít ra, sau khi Việt-Nam vừa thoát ra khỏi thời-kỳ Pháp-thuộc gần một thế-kỷ, lại có được một nhà lãnh-đạo đầy tâm-huyết với đất nước và dân-tộc như Tổng-thống Ngô-Đình Diệm, cương-quyết không muốn lại bị lệ-thuộc vào Hoa-kỳ dưới bất cứ hình-thức nào. Cho nên, nếu không đươc đáp trả bằng hai chữ “hy-sinh” khí-thế của một hội-nghị Diên-hồng xa-xưa thì cũng đâu đến nỗi phải trả giá bằng hình-ảnh để đời là sau cái chết thảm-khốc từ các bàn tay bạo-tặc lại còn bị để nằm trơ thân giữa cái nơi mang danh là Bộ Tổng-tham-mưu Quân-lực Việt-Nam Cộng-hoà mà trước đó vài ngày ông vẫn còn là Tổng-tư-lệnh.
Có thể giữa sự cao-khiết và niềm tự-hào về chính-nghĩa dân-tộc nơi Tổng-thống Ngô-Đình Diệm với sự quyết-đoán dựa vào quyền-lực nước mạnh của Hoa-kỳ đã không có điểm dung-hoà. Ngược lại, không chừng với những chính-khách Mỹ đang muốn lật đổ ông thì họ còn cho đó là thái-độ ngạo-mạn phải trừng-trị cũng nên. Và họ đã tìm ra được một số kẻ theo nghĩa đúng người đúng việc lúc nào cũng sẵn-sàng chờ lệnh để ra tay thô-bạo và rừng-rú cho kế-hoạch họ bày ra.
Song cho đến nay, đã có nhiều tài-liệu cùng các hồi-ký chính-trị (the Political Memoirs) của các chính-khách Hoa-kỳ liên-hệ đến thời-điểm 1963 được bạch-hoá thì vào thời Tổng-thống John F. Kennedy, chính-sách của Hoa-kỳ về Việt-Nam đã chia hai, phe ủng-hộ và phe muốn lật đổ Đệ-nhất Cộng-hoà, nhưng không có chủ-trương đuổi tận giết tiệt. Còn kết-quả như đã xẩy ra là hành-động của số nhỏ cá-nhân tướng tá Việt-Nam sẵn tâm-địa phản-phúc; nhiều “chính-khách” xôi thịt lúc nào cũng ghen ăn tức ở; không loại trừ cả thế-lực đen tối từ Miền Bắc hợp-tác với một số nhân-sự, như nhà sư Thích Trí-quang xác-nhận với ký-giả Marguerite Higgins…chúng tôi chỉ có thể dàn xếp được với Miền Bắc sau khi đã lật đổ được Diệm và Nhu. (Marguerite Higgins, Our Vietnam Nightmare, 1965, p.28).
Đại-sứ Mỹ Henry Cabot Lodge và Lucien Conein, một viên-chức C.I.A đã giao nhiệm-vụ và trực-tiếp điều-khiển cái tập-hợp nhân-sự nêu trên thực-hiện kế-hoạch. Theo trang www.vietnamwar.net, công việc cụ-thể của Lucien Conein là giữ liên-lạc từ C.I.A với các tướng lãnh Việt-Nam…Mật-danh Conein dùng năm 1962 và 1963 tại Việt-Nam là Lulu hoặc Black Luigi…Vào thời-điểm năm 1963, Conein giữ vai trò chính trong cuộc đảo-chính quân-sự chống lại Ngô-Đình Diệm…Conein đã cho các tướng lãnh biết rằng Hoa-kỳ sẽ ủng-hộ một sự thay đổi trong chính-phủ. Cuộc đảo-chính diễn ra vào ngày 1 tháng 11 năm 1963 là việc ám-sát ông Diệm…(his actual job was to maintain C.I.A contacts with Vietnamese generals…. Conein’s codename in 1962 and 1963 was Lulu or Black Luigi…. His chief role in Vietnam at that time was in the military coup against Ngo Dinh Diem in 1963… Conein worked with the generals to let them know that the United States would look favorably on a change in government. The coup, as well as Diem’s assassination, took place on November1, 1963 )
Vào thời gian cuộc bạo-loạn 01-11-1963 xẩy ra, bản thân người viết mới vừa xong chương-trình Trung-học, chưa có được bao nhiêu nhận-định về chính-trị, về thời-cuộc. Song cứ mỗi khi nghĩ đến cảnh các tướng tá trong quân-đội Quốc-gia “hồ hởi” xúm nhau lại trong Bộ Tổng-tham-mưu Quân-lực Việt-Nam Cộng-hòa, dưới sự giám-sát của Lucien Conein “làm cách-mạng”, tôi lại nghe như đâu đây có giọng sang-sảng của Đức Trần Hưng Đạo mắng chửi …Nay các ngươi trông thấy chủ nhục mà không biết lo, trông thấy quốc-sỉ mà không biết thẹn, thân làm tướng phải hầu giặc mà không biết tức…Và những gì cho đến nay vẫn còn đậm nét là hình ảnh một Sài-gòn hỗn-loạn với từng sự việc đầy bạo-lực và khủng-bố. Nơi này, một căn nhà bị mang danh là của phe đảng Cần-lao đang bị nhóm người mang gậy gộc kéo đến đập phá tan-hoang, không loại trừ cả những kẻ gian manh lợi dụng để hôi của. Góc phố kia một chiếc xe hơi đang chạy thì bị chặn lại, vì bị quy cho là tay sai Diệm Nhu nên người trong xe bị đuổi ra và xe bị đốt…Người đi đường chỉ dám liếc nhanh rồi tránh xa vì lúc đó người ta muốn chụp cho ai cái mũ “Cần Lao” hay “tay sai Diệm Nhu” là điều dễ-dàng.
Nỗi sợ-hãi này có lẽ cũng căng-thẳng không kém cảnh quân hồi vô phèng của thời-gian đầu sau ngày 30-4-1975, với các nhóm người không biết từ đâu nhảy ra, cứ có khẩu súng AK và dải vải đỏ thắt ở cánh tay là mang danh “cách mạng 30”, hung-hăng đi lục xét nhà này nhà khác…Giờ này tôi vẫn chưa hết hoài-nghi là họ có học chung một bài-bản không mà sao giống nhau thế…
Ngày 06-5-1957, các ông Nghiêm Xuân Thiện, Hoàng Cơ Thụy, Phan Quang Đán và một số chính-khách đối-lập với chính-quyền mở cuộc họp báo, thành-lập khối Liên-minh Dân-chủ, chính-thức xác-định chủ-trương bất-đồng chính-kiến với chính-quyền. Báo Thời Luận của ông Nghiêm Xuân Thiện trở thành tiếng nói đối-lập mạnh-mẽ. Nền chính-trị Miền Nam bắt đầu lao-xao từ đây. Và nền Đệ nhất Cộng-hoà cũng từ đây có chỗ hở cho ngoại-lai đột-nhập.
Hai chữ “đối lập” trong sinh-hoạt chính-trị của các nước Tây-phương mang nghĩa chính-xác và trong sáng chỉ là không cùng quan-điểm với nhau vì bất-đồng nhưng không bất-hoà. Cho nên, đôi khi những bất-đồng sẽ bổ-túc cho nhau mà chính-sách cai-trị phong-phú thêm. Còn “đối-lập” ở Việt-Nam luôn đồng-nghĩa với một tiến-trình mưu-sự cướp chính-quyền khi có cơ-hội, kể cả cơ-hội được ngoại-bang đỡ đầu hay giúp sức.
Tháng 3-1960, một số chính-khách tên tuổi miền Nam, chủ-xướng là ông Trần Văn Văn, thành-lập Khối Tự Do Tiến Bộ. Ông Trần Văn Văn và nhóm chính-khách đã nhờ qua một người Mỹ giúp họ phổ-biến ra dư-luận thế-giới bản điều-trần của nhóm. Dư-luận nhận-diện nhóm này là hậu-thân của khối Liên-minh Dân-chủ.
Ngày 26-4-1960, mười tám nhân-vật tên tuổi từ nhiều khuynh-hướng chính-trị khác nhau và gần hết từng là Tổng-trưởng, Bộ-trưởng của Chính-phủ, gồm các ông Phan Huy Quát, Trần Văn Hương, Trần Văn Đỗ, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Văn, Lê Ngọc Chấn, Nguyễn Lưu Viên, Huỳnh Kim Hữu, Trần văn Lý, Nguyễn Tiến Hỷ, Lê Quang Luật, Lương Trọng Tường, Nguyễn Tăng Nguyên, Phạm Hữu Chương, Trần Lê Chất, Tạ Chương Phùng, Trần Văn Tuyên và linh-mục Hồ Văn Vui… họp nhau ở nhà hàng khách-sạn Caravelle ra tuyên-cáo chỉ-trích nền Đệ-nhất Cộng-hòa là độc-tài, đồng-thời đòi buộc Tổng-thống Ngô-Đình Diệm thay đổi chính-sách, chấm dứt việc thành-lập các Khu Trù-mật. Vì vậy họ có tên là nhóm Caravelle.
***
Đường dẫn thuưmời tham dự Lễ Tưởng Niệm Cố TT Ngô Đình Diệm của Cộng Đồng Người Việt Tự Do Tiểu Bang Victoria – Úc Châu:
file:///F:/KHOI%20TUYEN%20VAN/L%C3%8A%20T%C6%AF%E1%BB%A0NG%20NI%E1%BB%86M%20L%E1%BA%A6N%20TH%E1%BB%A8%2058%20C%E1%BB%90%20TT%20NG%C3%94%20%C4%90%C3%8CNH%20DI%C3%8AM%20-2020.pdf