Phạm Minh-Tâm
Tuần qua, khi đang bần-thần nhìn hàng mấy trăm cái e-mail “xâm-nhập gia-cư bất hợp-pháp”, thì thấy một e-mail mang tựa đề rất bắt mắt là “khủng khiếp quá” với mẩu tin…Mời quý vị vào coi video “Chalotte Uprising” để thấy một nhóm trẻ, hầu hết Việt-Nam kéo đến nhà ông Tony Phạm, người mới được Tổng-thống Trump bổ nhiệm quyền giám đốc ICE, để làm giặc, la lối khủng bố tinh thần gia đình ông…Không thể tưởng tượng nổi cảnh mất an ninh này…Cuối cùng là lời kêu gọi…chúng ta phải đứng lên, không thì nước Mỹ này nhiều cơ hội bị cộng sản chi phối…Quả là “khủng khiếp” thật…
Rồi sau khi nhẫn-nại xoá sạch hết các e-mail “rác” xong, người viết đã không còn thấy khủng-khiếp nữa mà là thắc-mắc. Lời kêu gọi… chúng ta phải đứng lên… bằng tiếng Việt, của một người Việt gửi đi thì không biết họ có gom mình trong cái cõi “chúng ta” này hay không đây? Bởi vì, tình-trạng nước Mỹ rơi vào nhiều rối-loạn đã quá quen với thế-giới cũng gần được cả năm nay rồi. Rối từ trên nóc toà Bạch-cung giữa hai chính-đảng rối xuống, nên cớ cho các phe này nhóm nọ tưng-bừng phá nhau, cho những kẻ theo đóm ăn tàn để thừa cơ hành nghề đạo-tặc…cũng không thiếu. Cho nên cái nhóm Chalotte Uprising nào đó cũng chỉ là việc góp thêm chút gió chướng vào cơn lốc đang xoáy nước Mỹ ít ra cũng cho đến ngày 03-11-2020 sắp tới…
Ngày 03-11-2020 này, đại-cường Hoa-kỳ bầu-cử Tổng-thống. Có lẽ đây là cuộc chạy đua quyền-lực sôi-nổi hơn bất-kỳ cuộc chạy đua nào trước đây, vì chiêu-bài độc-đáo của Tổng-thống đương-nhiệm Donald Trump là nỗ-lực triệt-tiêu ảnh-hưởng của Trung-cộng trên đất Mỹ. Thấy những người ủng-hộ ứng-viên Donald Trump, công-kênh ông như một “anh-hùng cái thế”, một nhà lãnh-đạo quốc-gia Hoa-kỳ thức-thời và can-đảm làm người viết thấy bồi-hồi tấc-dạ với nhiều hoài-niệm vừa đau xót vừa tự-hào tự-tôn nòi giống.
Trước ngày bầu-cử Tổng-thống Mỹ năm 2020 này một tuần là ngày 26-10 cách đây 65 năm…Đệ nhất Cộng-hòa Việt-Nam ra đời. Rồi trước ngày này một ngày, 02-11 cách đây 57 năm là ngày Tổng-thống Ngô-Đình Diệm và bào-đệ Ngô-Đình Nhu, hai chiến-sĩ Quốc-gia đã bị thế-lực ngoại-lai Hoa-kỳ đỡ đầu cho một đám phản-phúc sát-hại, gián-tiếp tạo hoàn-cảnh thuận-lợi cho cộng-sản Miền Bắc từng bước nhuộm đỏ nốt Miền Nam như hiện nay.
Ai cũng biết, trong tình-thế tuyệt-vọng sau khi Điện-biên-phủ thất-thủ vào ngày 07-5-1954 thì vận-mệnh của Quê-hương Việt-Nam đang rơi vào ngõ cụt. Trong hoàn-cảnh chỉ biết thụ-động ngồi chờ kết-cuộc về tương-lai của Đất Nước được giải-quyết từ những cuộc họp bàn ở Genève thì việc vua Bảo-đại nghĩ đến ông Ngô Đình Diệm với một quyết-định sinh-tử để trao quyền lãnh-đạo là vì không còn giải-pháp nào khác. Thành vậy, vua Bảo-đại đã phải vận-động và nài-ép ông Ngô-Đình Diệm về nước giúp mình giải gỡ hoàn-cảnh.
Căn-cứ vào những lời chính vua Bảo-đại đã ghi lại trong hồi-ký Con Rồng An-nam thì trong lần gặp ở Cannes ông đã vừa thuyết-phục vừa kêu gọi lòng ái-quốc của ông Ngô Đình Diệm. Và có thể nói ông Ngô Đình Diệm đã giao trắng thân-phận mình cho vận-mệnh Đất Nước. Có thể đây là một sự an-bài của định-mệnh mà vua Bảo Đại và ông Ngô-Đình Diệm cuối cùng lại phải liên-hợp. Vua Bảo-đại thì ở vào thế cùng không lối gỡ, còn ông Ngô-Đình Diệm đang đứng trước cơn quốc-biến. Vua Bảo-đại ghi lại.…Cứ mỗi khi mà tôi cần thay đổi chính phủ, tôi lại phải gọi đến ông. Ông thì lúc nào cũng từ chối. Nay tình thế rất bi đát, đất nước có thể bị chia cắt làm đôi. Ông cần phải lãnh đạo chính phủ… Ông ta đáp. Tôi xin trình Ngài là sau nhiều năm suy nghĩ, tôi đã quyết định. Tôi định đi tu…Tôi kính trọng ý định của ông. Nhưng hiện nay tôi kêu gọi đến lòng ái quốc của ông. Ông không có quyền từ chối trách nhiệm của mình. Sự tồn vong của Việt Nam buộc ông như vậy…Sau một hồi yên lặng, cuối cùng ông ta đáp: Thưa Hoàng thượng, trong trường hợp đó, tôi xin nhận sứ mạng mà ngài trao phó…
Rồi việc trao quyền và nhận chức đã diễn ra như nguyên văn vua Bảo Đại kể tiếp…Cầm lấy tay ông ta, tôi kéo sang một phòng bên cạnh, trong đó có cây Thánh-giá. Trước Thánh-giá, tôi bảo ông ta: Đây, Chúa của ông đây. Ông hãy thề trước chân dung Chúa là gìữ vững đất nước mà người ta đã trao cho ông. Ông sẽ bảo vệ nó, để chống lại bọn cộng-sản và nếu cần chống luôn cả người Pháp nữa. Ông ta đứng yên lặng một lúc lâu, rồi nhìn tôi, sau nhìn lên Thánh-gíá, ông nói với giọng nghẹn-ngào “Tôi xin thề”… Trước khi ra đi, tôi trao cho Diệm một đạo dụ, ủy cho ông ta mọi quyền, hành chánh cũng như quân sự.. (Con Rồng Việt Nam. Trang 515)
Ông Ngô-Đình Diệm mang lời thề này lên đường về nước ngày 24-6-1954, ở tuổi 52. Đến Sài-gòn vào ngày 26-6-1954, để nhận một di-sản cay đắng và đầy thử-thách trong một bối-cảnh chính-trị phức-tạp và rối-ren của Đất Nước với cả thù trong lẫn giặc ngoài. Thù trong là Việt-minh cộng-sản đã đành, song phức-tạp hơn nữa là các thành-phần nhân-sự cùng lực-lượng các phe nhóm do thực-dân Pháp làm hậu-thuẫn vẫn còn cố bám-víu cả quyền lẫn lợi. Còn giặc ngoài là người Pháp, chưa cam lòng dứt bỏ những gì họ đã xây nền tại Miền Nam, có thêm sự tiếp tay của khối thần-dân một thời Nam-kỳ quốc và cả đồng-minh Hoa-kỳ lúc nào cũng sẵn-sàng một danh-sách các ứng-viên chực-chờ…
Đây đúng là sự nhượng-bộ thật khó-khăn mà vua Bảo-đại phải tạm chấp-nhận vì không còn ai có thể đương đầu với tình-hình dầu sôi lửa bỏng của Đất Nước lúc đó. Sự việc đã được vua Bảo-đại ghi lại rành-mạch như thế, song vẫn có dư-luận quy-kết rằng ông Ngô-Đình Diệm là người của Hoa-kỳ đem về rồi sau đó soán-vị nguyên-thủ quốc-gia. Cho đến nay, chưa có tài-liệu hoặc bằng chứng nào cho thấy Hoa-kỳ đã sắp đặt đưa ông Ngô-Đình Diệm lên làm thủ-tướng vào năm 1954. Đó là chưa kể trong thời-gian mấy tháng đầu chấp-chính, Hoa-kỳ cũng đã có chủ-trương lật đổ ông Ngô-Đình Diệm để đưa người mà họ cho rằng có năng-lực hơn ra thay thế.
Trong sách Việt-Nam 1945 – 1990, tác-giả Lê Xuân Khoa ghi…Trước khi Ngô-Đình Diệm làm Thủ-tướng, chính-phủ Hoa-kỳ biết rất ít về ông và trong mười tháng đầu tiên đã không tin tưởng ở khả năng lãnh đạo của ông. Ngay trước khi Ngô-Đình Diệm dẹp được các nhóm nổi loạn, Tổng-thống Eisenhower và ngoại trưởng Dulles đã đồng ý với đại sứ Lawton Collins là cần phải thay thế Chính phủ Diệm…(sách đã dẫn, trang 394).
Trong cương-vị một người lãnh-đạo quốc-gia, vua Bảo-đại đã chối bỏ trách-nhiệm của mình, đã không còn chút thiện-chí nào của câu nói khoảng ba tháng trước đã nài ép ông Ngô-Đình Diệm…tôi kêu gọi đến lòng ái quốc của ông…mà chỉ đứng từ xa dùng quyền-hạn một Quốc-trưởng để quậy phá. Chính vua Bảo-đại đã hùa theo thực-dân Pháp để hỗ-trợ cho tướng Nguyễn Văn Hinh, cho Bình-xuyên gây bạo-loạn chống lại Chính-phủ Ngô-Đình Diệm. Vua Bảo-đại đã đẩy ông Ngô-Đình Diệm là người mà mới vài ba tháng trước đó ông đã nài-ép phải nhận chức Thủ-tướng cùng với chính-trường Miền Nam vào cơn phong-ba như một kiếp-nạn mưa máu gió tanh của chốn giang-hồ.
Chính-phủ Ngô-Đình Diệm dù trong thời-gian đầu mới chấp-chính, còn đang nỗ-lực từng bước thu hồi dần chủ-quyền của một số lĩnh-vực còn trong tay người Pháp, vừa phải ứng-phó với hoàn-cảnh chính-trị còn ngổn-ngang nhiều mâu-thuẫn từ một quá-khứ thuộc-địa, phải tiến-hành hàng loạt các cải-cách xã-hội song vẫn dành ưu-tiên hàng đầu cho việc di-cư của đồng-bào.
Linh-mục Cao Văn Luận ghi lại trong sách Bên giòng lịch sử – Hồi ký 1940 -1965…Ngay sau khi hiệp định Genève được ký kết, các đoàn người di cư từ Bắc và Trung vào bằng đường hàng không, đường thuỷ và đuờng bộ bắt đầu lục tục kéo vào các tỉnh miền Trung và Saigon. Cảnh những dân di cư lếch thếch trên đuờng chạy trốn cộng sản thật là thương tâm…Lúc bấy giờ chưa có một tổ chức nào nào chịu trách nhiệm về dân di cư…Vào cuối năm 1954, Phủ đặc ủy di cư mới được thành lập. Nhưng nhờ thiện chí của chính quyền địa phương, sự quan tâm đặc biệt của ông Diệm đối với dân di cư, cho nên các chánh quyền địa phương đã cố gắng hết sức giải quyết vấn đề di cư…(sách đã dẫn, trang 266).
Song-song với nỗ-lực này, Thủ-tướng Ngô-Đình Diệm còn phải đối mặt với hoàn-cảnh chính-trị do Nguyễn Văn Hinh được người Pháp đỡ đầu đã cùng với một số tướng tá trong Quân-đội muốn gây bạo-loạn, tạo ra cơn khủng-hoảng trầm-trọng. Người dân Sài-gòn từng đêm nghe tiếng xe thiết-giáp của tướng Hinh chạy trên đường phố thị-uy, dùng loa phóng-thanh chửi bới thô-bạo…Ngô-Đình Diệm phải cút đi…
Song, dù bị rơi vào hoàn-cảnh tráo-trở này, ông Ngô-Đình Diệm và Chính-phủ của ông vẫn từng bước tái-lập trật-tự chung, chỉnh-đốn an-ninh xã-hội và củng-cố dần-dần uy-quyền Quốc-gia. Công cuộc vãn-hồi nền độc-lập, dân-chủ, tự-do cho Đất Nước vừa thoát ách ngoại-bang đang cần sự nỗ-lực tuyệt-đối thật không dễ-dàng gì trong thế phải đối đầu với một cuộc đấu-tranh mới thật sự cam-go. Đúng ra, chính-trường Miền Nam chỉ có một kẻ thù là Mặt-trận Việt-minh, nhất là họ đã hiện nguyên hình là tập-đoàn cộng-sản. Và những con người cộng-sản thì không bao giờ biết ngừng nghỉ trong chủ-trương bành-trướng chủ-nghĩa và tham-vọng cướp chính-quyền. Song những khó-khăn, những rắc-rối về chính-trị mà Chính-phủ Ngô-Đình Diệm phải đương-đầu trong thời-gian vừa tiếp-nhận nửa miền Đất Nước đang ngổn-ngang lại là cái tàn-cuộc của thực-dân Pháp để lại nơi những người anh em xưng mình là quốc-gia. Tất cả bắt nguồn từ lập-trường của Quốc-trưởng Bảo-đại. Ông vẫn vì tham-vọng riêng hơn là ý-thức về một nửa giang-sơn đang chuyển mình bước từ một quá-khứ thuộc-địa sang một Đất Nước Độc-lập Tự-do. Cho nên mới chỉ ba tháng sau ngày diễn ra sự việc tại Cannes với lời hứa để ông Ngô-Đình Diệm hoàn-toàn hành-xử theo quyền hạn của một Thủ-tướng thì vua Bảo-đại lại mưu-sự muốn giải-nhiệm Thủ-tướng Ngô-Đình Diệm.
Trong cuốn Dòng họ Ngô Đình và Cuộc Cách Mạng bị Phản bội, tác-giả Nguyễn Văn Minh viết…Khi nhận lãnh trọng trách Thủ-tướng, đến giai đoạn phải giải quyết tình trạng các giáo phái, Thủ-tướng Ngô-Đình Diệm đã viết thư cho Quốc Trưởng Bảo Đại trình bày rõ lập trường của ông, ông tự nguyện tiếp tục giữ trách nhiệm Thủ Tướng của chính phủ Bảo Đại, nếu Quốc Trưởng trở về, thực sự đảm trách vai trò lãnh đạo, để giúp ông có thể kiểm soát được tình hình quân sự và chính trị quá phức tạp của Đất Nước. Ông Bảo Đại đã từ chối không về, viện lẽ Thủ Tướng áp lực ông phải chống lại các Giáo phái, những người đã giúp ông chống lại người Pháp. Nhưng sự thật là vì Bình Xuyên là người cung cấp tiền bạc cho ông, để được độc quyền đặt người nắm giữ chức Tổng Giám Đốc Công an Cảnh sát…(sách đã dẫn, trang 423-424).
Tình-trạng nội-loạn kéo dài cả tháng, đã không những chỉ làm lòng dân hoang-mang, mà như ông Huỳnh Văn Lang là một trong những người thường-xuyên đang làm việc với Thủ-tướng cũng thấy hình như ông Ngô-Đình Diệm đã quá mệt-mỏi, sẵn-sàng ra đi…Đến một lúc anh em trung thành với thủ tướng đã phải nghĩ đến việc bắt cóc ông Diệm để ông khỏi phải ra đi và tôi đã dự bị một nơi kín đáo để giữ ông lại…(Ký Ức Huỳnh Văn Lang. Tập I, trang 464).
Linh-mục Cao Văn Luận cũng từng tham-dự trực-tiếp trong việc này, ghi lại…Vào khoảng tháng 10, bà Nhu tổ chức một cuộc biểu tình lớn để ủng hộ ông Diệm. đả đảo Pháp. Đoàn biểu tình bị công an xung phong Bình Xuyên chận ngay bùng binh chợ Bến Thành bắn chết sáu người, làm bị thương hàng chục người. Cảnh hỗn loạn diễn ra nhiều nơi trên các đường phố lớn ở Saigon. Ông Diệm chán nản mất tin tưởng, vì từ ngày về nước đến nay, ông đã cố gắng nhiều nhưng vẫn không nắm được công an và quân đội. Công an thì trong tay Bình Xuyên và quân đội thì trong tay Nguyễn Văn Hinh. Vài giờ sau khi tin này đuợc loan đi thì ông Cẩn cho người tìm tôi tin cho tôi biết rằng ông Diệm đã thất vọng và chán nản cực độ, có ý định bỏ nước ra đi…Tôi lập tức lấy máy bay vào Saigon. Tôn Thất Trạch, chánh văn phòng ông Diệm đón tôi ở phi trường Tân Sơn Nhất và trên đường vào Saigon ông Trạch cho tôi biết rằng cụ Diệm đang sửa soạn va ly để rời Việt-Nam trong vài ngày tới đây…Tôi không kịp thay áo, vào ngay dinh thủ tướng lúc đó vẫn còn được gọi là dinh Norodom…Tôi im lặng một lúc, rồi nhìn thẳng vào măt ông Diệm…Thưa cụ, tuy tôi là linh mục, nhưng tôi không chờ đợi ở phép lạ mà chỉ trông vào cố gắng của mình trước. Cụ đã nhận lời về nước, cụ chịu trách nhiệm không phải là Bảo Đại, người Pháp hay với bọn Bình Xuyên, bọn Tâm Hinh mà với quốc gia Việt-Nam, dân tộc Việt-Nam và bây giờ đặc biệt cụ phải nhận trách nhiệm với hàng trăm ngàn dân di cư đã tin tưởng nơi cụ mà kéo vào đây. Dù Chúa không ban phép lạ cụ cũng không có quyền đào ngũ lúc này. Vả lại phép lạ của Chúa chỉ xẩy ra khi con người đã làm hết sức mình…Những đồng bào di cư hiện đang sống khốn khổ, bấp bênh trong các trại tạm cư chen chúc nhau hàng chục người trong một căn phòng vài thước vuông vức, cụ có thể nỡ lòng bỏ họ trong tình trạng đó sao. Ngoài cụ không có ai nghĩ đến chuyện lo cho đồng bào di cư cả. Cụ ra đi lúc này họ sẽ chết vì về Bắc thì không thể được nữa rồi mà ở lại không có người lãnh đạo giúp đỡ thì làm sao sống được nơi đất lạ? Mọi người đều biết không phải Bảo Đại hay Nguyễn Văn Hinh muốn và có thể giúp đỡ dân di cư được…(Bên giòng lịch sử. trang 269 – 270).
Cuộc Trưng-cầu dân-ý để Thủ-tướng Ngô-Đình Diệm tiếp-tục lãnh-đạo Miền Nam là do một buổi họp của các đảng phái và đoàn-thể lập ra “Ủy-ban Cách-mạng Quốc-gia”, với ông Nguyễn Bảo Toàn làm chủ-tịch, ông Hồ Hán Sơn làm phó chủ-tịch và ông Nhị Lang làm Tổng-thư-ký để họp bàn về hai ý-kiến của ông Nhị Lang và Hồ Hán Sơn. Sau khi các ý-kiến đóng góp đều thoả-thuận đi tới một quyết-định chung với đủ 52 chữ ký, mọi người yêu-cầu chủ-tịch Nguyễn Bảo Toàn mời Thủ-tướng Ngô-Đình Diệm trở lại phòng họp để cùng nghe kết-quả. Đó là một bản kiến-nghị với nội-dung gồm ba điểm chính như sau:
- Truất phế Quốc-trưởng Bảo đại
- Giải tán Chánh-phủ Ngô-Đình Diệm
- Ủy nhiệm chí sĩ Ngô-Đình Diệm thành lập chánh phủ
mới để trừng trị bọn phiến loạn Bình xuyên, thu hồi chủ quyền quốc gia, yêu cầu triệt thoái quân đội viễn chinh Pháp và tổ chức bầu cử quốc dân đại hội…(Ký Ức Huỳnh Văn Lang, trang 526).
Giữa hoàn cảnh bấp-bênh với nhiều rối loạn về chính-trị, quân-sự, kinh-tế, xã-hội vào thời điểm ấy, nhiều người cho rằng chỉ cần ổn-định được tình-thế trước mắt cũng đã là cứu-tinh rồi, còn nói gì đến xây-dựng một Đất Nước. Đâu có ai dám tin rằng phần còn lại của một quốc-gia vừa bị chia đôi với một tình-trạng như thế lại có thể tự vực lên được, đừng nói gì đứng vững…Công-luận cũng cho rằng Chính-phủ Ngô-Đình Diệm sẽ khó đứng vững sau vài ba tháng cầm quyền.
Ngày 26-10-1955, Thủ-tướng Ngô-Đình Diệm chính-thức trở thành Tổng-thống, khai-sinh nền Đệ nhất Cộng-hoà. Quân-đội Quốc-gia cũng được đổi tên gọi là Quân-lực Việt-Nam Cộng-hòa.
Ngày 17-12-1955, Tổng-thống Ngô-Đình Diệm ký dụ số 15, quy-định hệ-thống tiền-tệ của Việt-Nam đặt trực-thuộc Ngân-hàng Quốc-gia Việt-Nam. Bây giờ nhớ lại thật không thể tin được rằng vào thời đó, người dân Miền Nam tiêu tiền của Ngân-hàng Quốc-gia Việt-Nam phát-hành như ngày nay người ta sử-dụng các loại Anh-kim, Mỹ-kim, Úc-kim và “Euro” của Liên Âu .
Ngày 04-03-1956, Miền Nam tổ-chức bầu-cử các người đại-diện vào Quốc-hội Lập-hiến để soạn-thảo Hiến-pháp.
Suốt thời-gian cả tháng trước ngày bầu-cử, một khúc hát thường-xuyên
vang lên trên làn sóng Đài Phát-thanh Quốc-gia sau mỗi giờ tin-tức
Rủ nhau đi bầu, rủ nhau đi bầu
Tay cầm lá phiếu tự-do
Bâng-khuâng không biết bầu cho người nào…
Chớ bầu những phường hại dân.
Bao năm qua ta mất quyền dân
Đã đến lúc núi sông huy-hoàng
Nền Cộng-hoà Việt-Nam ra đời
Đón lá phiếu đi bầu người ơi…
Ngày 29-8-1956, Tổng-thống Ngô-Đình Diệm ban-hành Dụ số 52, bắt buộc những người Trung-hoa đã sinh ra và đang sống tại Việt-Nam phải nhập Việt-tịch, tuân-hành mọi quy-chế pháp-định và bổn-phận của một công-dân Việt-Nam nếu muốn được tiếp-tục cư-trú hợp-pháp. Những người từ trong quá-khứ đã nhập-cư bất-hợp-pháp đều phải nhập-tịch Việt-Nam, bằng không sẽ bị trục xuất về nước.
Ngày 06-9-1956, Tổng-thống Ngô-Đình Diệm ban-hành tiếp Dụ số 53, cấm những người mang quốc-tịch Trung-hoa làm 11 nghề, gồm các thương-nhân buôn bán cá thịt, mở tiệm chạp phô, vựa than củi, đại-lý xăng dầu, tiệm cầm đồ, cửa hàng vải-vóc, tơ lụa, cửa hàng buôn sắt đồng, nhà máy xay lúa, mua bán ngũ cốc, kinh-doanh vận-tải và làm môi-giới mại-bản (Đoàn Thêm, Chuyện hàng ngày, trang 201). Đồng-thời, cũng ra quyết-định bắt các trường học của họ đang dạy theo chương-trình riêng bằng Hoa-ngữ phải chuyển sang theo chương-trình giáo-dục chung của Bộ Giáo-dục. Hoa-ngữ chỉ còn là một môn học. Trường nào không theo thì bị đóng cửa.
Chính-sách cương-quyết này của Tổng-thống Ngô-Đình Diệm không chỉ bị Đài-loan và Trung-cộng phản-đối gay-gắt, mà ngay trong nước cũng có dư-luận từ phe nhóm từng chống-đối Chính-phủ, mạnh tiếng phê-phán việc làm này là độc-tài. Tuy nhiên, tuyệt-đại đa-số dân-chúng nhiệt-liệt ủng-hộ vì đây chính là một trong các tiến-trình của nền Đệ-nhất Cộng-hoà, không chấp-nhận một “đặc-khu kinh-tế” của ngoại-quốc trong lòng Đất Nước và muốn phục-hồi chủ-quyền của Quốc-gia. Kết-quả của biện-pháp mạnh này là hàng ngàn cửa hàng buôn bán của người Trung-hoa phải đóng cửa, cũng hàng ngàn người Hoa bị thất-nghiệp. Cuối cùng là phải vào quốc-tịch Việt-Nam, tôn-trọng các bổn-phận và nghĩa-vụ của một công-dân Việt-Nam hoặc là phải đổi nghề theo thời-gian quy-định.
Rõ-ràng phải là người lãnh-đạo đầy tâm-huyết với Đất Nước và Dân-tộc mới can-đảm bảo-vệ danh-dự, chủ-quyền Quốc-gia và lợi-ích cho dân như thế.
Ngày 20-10-1956, Quốc-hội Lập-hiến đệ-trình bản dự-thảo Hiến-pháp đã hoàn-thành.
Ngày 26-10-1956, Tổng-thống Ngô-Đình Diệm chính-thức ban hành Hiến-pháp của Việt-Nam Cộng-hòa. Đồng thời, Quốc-hội Lập-hiến được chuyển thành Quốc-hội Lập-pháp đầu tiên của Việt-Nam.
Và tất cả đã không ngờ chỉ một năm sau ngày bị chia cắt trong một hoàn-cảnh phức-tạp và khắc-nghiệt chưa từng có của lịch-sử, thì nền Cộng-hoà đã được thành-lập trong sự ổn-định cả chính-trị lẫn xã-hội. Đã vươn vai Phù-đổng để thành nuớc Việt-Nam Cộng-hoà với sự công-nhận của hàng trăm các quốc-gia tự-do trên thế-giới. Một chế-độ Cộng-hoà mở đường cho giai-đoạn hai mươi năm Miền Nam tự-do, no ấm.
Có thể nói, những năm đầu của Đệ nhất Cộng-hoà, là những năm vàng son của Miền Nam. Vậy mà vẫn có người không vừa lòng. Vẫn có nhiều, quá nhiều kẻ xưng mình là người quốc-gia nhưng không bao giờ chịu góp sức cùng anh em đồng-bào mình chống kẻ thù chung là cộng-sản, mà ngược lại chỉ tạo ra những kẽ hở cho cộng-sản chen chân.
Và sự thật sẽ vô cùng ê-chề là nếu ông Ngô-Đình Diệm lúc đó có thất-bại thì hoàn-toàn không phải do Hoa-kỳ hay cộng-sản, mà do phe gọi chung là “quốc-gia” chỉ vì lợi riêng mà chia rẽ để giành quyền, giựt lợi và cấu xé nhau.
Cuốn sổ kết-toán riêng của nền Đệ-nhất Cộng-hoà và tính chung hai mươi năm Miền Nam, từ trang đầu đến trang cuối cùng, về mặt xây-dựng thì không thấy ghi nhận được sự nỗ-lực của phe nhóm nào trong việc góp sức tài-bồi cho quốc-gia vững mạnh hơn, tốt đẹp hơn. Ngược lại, phần phá-hoại và quấy rối thì lại quá nhiều…Đã gây bao hệ-luỵ cho dân lành. Đã chà đạp lên anh-linh của biết bao người đã nằm xuống theo đúng nghĩa trả nợ núi sông.…Rồi hết phe này đến nhóm nọ, kể cả các tôn-giáo, đã không ngừng tận-dụng mọi khả-năng, mọi chiêu-bài để phá, để đạp đổ từ nền Đệ-nhất Cộng-hoà đến các chính-quyền chuyển tiếp và theo mãi sang thời Đệ-nhị Cộng-hoà. Cuối cùng chính những cá-nhân, những tập-thể hay đảng phái, những người lãnh-đạo tôn-giáo gây chuyện này cũng không thoát được cái kết-cuộc cùng cả nước chung nhau kiếp-nạn cộng-sản. Người bỏ nước ra đi tỵ-nạn thì sống kiếp lưu-vong xứ lạ; người ở lại làm thân bị-trị còn tệ hơn thời thực-dân nô-lệ.
Có đáng để “chúng ta” thấm-thía hay không….
#ngodinhdiem #vietnamconghoa