Anh Hoàng – Việt Tân
Hiện nay tại nhiều tỉnh, thành phố đang tổ chức đại hội đảng bộ để bầu ra ban chấp hành và bí thư tỉnh, thành cho 5 năm tới (2020-2025), qua sự chỉ đạo của ông Nguyễn Phú Trọng là nhằm xây dựng chính sách chọn người tài – người hiền lãnh đạo(?) Trước đó, ông Trọng viết một bài khá dài đề cập về nhu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược, dựa trên các yểu tố tuyển chọn là người có tài, có đức và được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện qua môi trường công tác.
Tuy nhiên, để đánh giá người tài thông qua những bằng cấp và chức vụ đã trải qua thì thật khó xác thực, khi mà Việt Nam đang có hàng nghìn thạc sĩ, tiến sĩ giấy có bằng mà không có học.
Tương tự, người có đức là hết lòng lo cho nước cho dân, không vụ lợi, không tham nhũng, tuy nhiên vấn đề này đang rất khó kiểm chứng khi hầu hết tài sản các cán bộ có thể dùng quyền sang tên sở hữu cho họ hàng người thân để gián tiếp sở hữu tài sản. Giao dịch tài chính tại Việt Nam đều hầu hết bằng tiền mặt thay vì thông qua các trung gian tài chính. Do đó, sự đánh giá cán bộ tài, đức – như chia sẻ của tổng bí thư là rất thiếu xác thực.
Thêm nữa, để tránh bè phái, tham ô, Đảng Cộng Sản Việt Nam đề xuất việc điều động luân chuyển cán bộ thường xuyên tránh cục bộ địa phương, cần kiên quyết loại bỏ những cán bộ tham vọng quyền lực cá nhân, lôi kéo gia đình, dòng tộc, họ hàng, người địa phương, cùng quê, bè cánh, phe nhóm.
Trong thực tế đang chứng minh điều ngược lại. Cụ thể, ông Nguyễn Đức Chung – cựu Chủ Tịch thành phố Hà Nội sinh ra và lớn lên ở Phú Thọ, sau đó làm việc ở Hà Nội nhưng vẫn gây ra những đại án nghiêm trọng, trục lợi cho gia đình dòng họ.
Rõ ràng chỉ dựa vào chính sách luân chuyển cán bộ thì không đủ để loại bỏ cán bộ tham nhũng. Lý do dễ hiểu là khi những cán bộ được cử đến một địa phương nào, với quyền lực “tuyệt đối của một bí thư” mà đảng ban phát cho họ, cũng sẽ nhanh chóng tạo vây cánh để dễ bề trục lợi, tham nhũng. Họ phải tham nhũng để có tiền hầu chạy chọt tiếp những chức vụ ở trung ương hay nơi khác sau khi hết nhiệm kỳ ở một địa phương.
Vì vậy khi đảng đưa ra những con số như: Trong 48 bí thư tỉnh ủy có đến 22 bí thư không phải người địa phương hay có tới 81,25% bí thư tỉnh, thành ủy có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, trong đó hơn 30% là tiến sĩ, hoàn toàn vô nghĩa đối với một cơ chế độc tài độc đảng như chế độ Cộng sản Việt Nam.
Bởi sự đề bạt các chức vụ này không qua thi cử hay qua một sự chọn lựa công khai, minh bạch, dựa trên tài năng thật sự. Trước khi đại hội bỏ phiếu bầu, những ông bà bí thư này đã được Bộ Chính Trị “giới thiệu” làm ứng viên duy nhất, thì thử hỏi các đại biểu sẽ bỏ phiếu ai ngoài ứng viên duy nhất. Vì thế kết quả bỏ phiếu mà không đạt 100% hay 99% phiếu bầu thì mới là chuyện lạ.
Rõ ràng, để chống tham nhũng, chọn người hiền, đức làm lãnh đạo như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn thì hãy chọn cách bầu cử công khai, minh bạch và hãy bỏ lối mòn “đảng cử – đảng bầu.” Đồng thời, xây dựng hành lang pháp lý công bằng, nghiêm minh, chính sách cơ chế quản lý nhân sự chặt chẽ, cụ thể.
Có như vậy, tình trạng tham nhũng, chuyên quyền, vây cánh mới có thể thuyên chuyển và từng bước giảm bớt. Nếu không, tất cả chỉ là trò chơi vương quyền “thắng làm vua, thua làm giặc,” tình trạng phe nhóm vẫn diễn ra để dễ bề tham nhũng, trục lợi mà thôi.
Anh Hoàng
#đảngcửđảngbầu