Sau một tuần kêu gọi cứu trợ người dân bị lũ lụt, ca sĩ Thủy Tiên đã vận động được 100 tỷ đồng. Số tiền rất lớn trong thời gian ngắn, cho thấy tiềm năng rất lớn về hiệu quả vận động tiền cứu trợ của những thực thể “ngoài nhà nước.”
Điều này đòi hỏi một sự rà soát lại quy định pháp luật, và thúc đẩy tạo lập hành lang pháp lý bảo hộ cho những hoạt động cứu trợ như của ca sĩ Thủy Tiên.
Hiện tại vấn đề vận động đóng góp cứu trợ thiên tai lũ lụt, hiện đang được điều chỉnh bởi Nghị định 64/2008/NĐ-CP của chính phủ về “Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.”
Qua tìm hiểu thì thấy nội dung văn bản này quá lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế hiện nay.
Cụ thể nghị định 64 quy định chỉ những cơ quan đơn vị có tính nhà nước sau mới được tiếp nhận và phân phối tiền hàng cứu trợ.
1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.
2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định của chính phủ.
3. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.
4. Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Còn theo thông tư 72/2018/TT-BTC của Bộ tài chính thì còn có thêm quy định về các cơ quan thông tin đại chúng như báo, đài thì được tiếp nhận tiền hàng cứu trợ, nhưng không được phân phối đến cho tổ chức cá nhân, trừ trường hợp hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã rõ đối tượng địa chỉ.
Đối với các cơ quan đơn vị là đầu mối tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ thì số tiền huy động được sẽ phải nộp trực tiếp vào tài khoản của Ban Cứu trợ do mặt trận tổ quốc thành lập.
Như thế, xét theo quy định này thì không chỉ việc làm của ca sĩ Thủy Tiên, của diễn viên Trấn Thành, của nhiều nghệ sĩ khác hay các tổ chức tôn giáo, các doanh nhân uy tín muốn thiện nguyện phục vụ cộng đồng, đều không thực hiện đúng.
Hay nói như nghị định 64 năm 2008 “Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ” thì việc làm của ca sĩ Thủy Tiên là không hợp pháp.
Điều này quả là vô lý và sẽ không được dư luận xã hội hiện nay đồng tình.
Hiện nay có rất nhiều người muốn trực tiếp thực hiện các hoạt động cứu trợ mà không thông qua các đơn vị của nhà nước.
Họ muốn trực tiếp thực hiện để cảm nhận được nét đẹp cuộc đời, muốn tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, họ muốn thấu cảm được tình người, và muốn được vun đắp phẩm hạnh công dân, và điều đó hoàn toàn chính đáng, cho thấy sự sôi nổi tích cực của đời sống xã hội.
Chứ hiện nay không thể nào gò ép bắt buộc tất cả các hoạt động cứu trợ đều phải qua tay các đơn vị nhà nước được.
Ở các nước khác, hoạt động cứu trợ hầu hết là do xã hội dân sự làm, do hội đoàn tư nhân làm, những người dân có điều kiện khả năng họ kết hợp với nhau làm, nhà nước chỉ tạo lập hành lang pháp lý mà thôi.
Bởi ở các nước họ có quan điểm thu hẹp phạm vi nhà nước, dành nhiều phần không gian cho xã hội dân sự hoạt động, nếu duy trì bộ máy nhà nước cồng kềnh sẽ gây tốn kém ngân sách không có lợi cho người dân.
Việc cứu trợ ở Việt Nam lâu nay đều phải thông qua các đơn vị nhà nước, điều đó là phù hợp với hoàn cảnh của giai đoạn, nhưng đến nay điều này không còn phù hợp nữa.
Theo đó nghị định 64/2008 hiện nay đã quá lạc hậu so với cuộc sống, không phản ánh đúng những hoạt động cứu trợ đang diễn ra, cho nên cần bãi bỏ để tạo lập hành lang pháp lý mới, bảo hộ cho những việc làm như của ca sĩ Thủy Tiên.
LS Ngô Ngọc Trai
Nguồn: FB Ngô Ngọc Trai
#thủytiên #cứutrợlụtlội