Câu: “Ủng hộ bão lũ miền Trung” sai chí tử.
Đến khi báo lấy hình cũ thay vào: “Ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung” cũng sai nốt.
“Ủng hộ bão lũ” là góp phần làm cho bão lũ lớn hơn, sức tàn phá mạnh hơn? Còn “Ủng hộ đồng bào lũ lụt” là sao? Đồng bào gây lũ lụt, nên tiếp tay cho đồng bào, giúp đồng bào tàn phá thiên nhiên để gây thêm lũ lụt?
Một câu ủng hộ thiên tai, một câu ủng hộ nhân tai?
Mà cái cụm từ “đồng bào lũ lụt” sao nghe như là khinh dân hết cỡ. Có khác gì bọn trẻ trâu nói: “Sao tao thấy nó-lầy-lội quá!”
Ôi tiếng Việt thời giáo sư tiến sỹ Việt ngữ học nở ra như nấm độc!
Vậy là dân Việt đang phải đối mặt với hai loại bão lũ. Một loại bão lũ tàn phá sự sống, gieo rắc chết chóc và một loại tàn phá tiếng Việt. Nói đến bão lũ, để che lấp cái tội tàn phá thiên nhiên, người ta thường vịn vào câu: “Thiên tai bất khả kháng” để quy tội cho Trời. Vậy khi tiếng Việt bị tàn phá đến mức lòng từ thiện bị diễn đạt thành tội ác, nạn nhân thành tội nhân, thì ai chịu trách nhiệm? Không phải đội ngũ giáo sư tiến sỹ soạn sách giáo khoa dạy tiếng Việt là những ông Trời của ngôn ngữ đấy sao?
Dân Việt tội tình gì mà hết ông Trời trên cao rồi đến ông Trời dưới đất làm nên cơn đại hồng thuỷ kinh hoàng như vậy? Các ông định thiết lập lại trật tự mới của thế giới sự sống lẫn trật tự ngôn ngữ chăng?
Sách giáo khoa dạy trẻ em nói, viết đúng tiếng Việt, làm cho tiếng Việt ngày càng trong sáng hơn. Ông Thuyết, ông Thống vẫn leo lẻo tự hào, rằng sách các ông với những câu văn hay hơn, thi vị hơn nhưng sự thật là cả một cộng đồng người biết chữ đọc đến đâu thấy trời đất tối tăm đến đó nên mới ầm ĩ phản kháng. Những câu văn tối tăm như vậy không từ Thượng đế là các ông ban cho một thế hệ thì ở đâu ra?
Lạ là, nếu quy tội cho “thằng đánh máy” thì ít ra cái dòng chữ ấy xuất hiện trước bao nhiêu người, toàn tai to mặt lớn, phải có người nhận ra và điều chỉnh chứ?
Mà xét đến cùng cũng không lạ, vì điều gì Thượng đế gây ra cho nhân loại, làm sao Thượng đế biết mình sai?
#lũlụtmiềntrung #sáchgiáokhoalớpmột #thảmhọatiếngViệt