Có hay không chuyện ông Thuyết soạn sách giáo khoa “nhiều sạn”?

Gs Nguyễn Minh Thuyết
- Quảng Cáo -

Vi Tiểu Bảo – (VNTB) –Tổng chủ biên kiêm chủ biên là một đảng viên, ông ấy tất hiểu bổn phận của một đảng viên đối với sự nghiệp trồng người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng huấn thị, “Vì lợi ích mười năm trồng cây – Vì lợi ích trăm năm trồng người”.

***

Xoay quanh vấn đề sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của nhóm Cánh Diều, ông Nguyễn Minh Thuyết làm Tổng chủ biên kiêm chủ biên, nhiều ý kiến cho rằng nội dung một số bài tập đọc không rõ ràng, từ ngữ không rõ nghĩa.

Với một người có học hàm giáo sư như ông Thuyết, việc sai những lỗi nhỏ nhặt là điều quả thật khó tin. Đó là chưa kể đến việc sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 mới thuộc bộ ‘Cánh Diều’ có quá nhiều sạn. Vậy mà nó vẫn được hội đồng thẩm định sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt thì thật khó hiểu!

- Quảng Cáo -

Để đạt được học hàm giáo sư như ông Thuyết, là cả một quá trình. Tốt nghiệp trung học phổ thông, rồi cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ, phó giáo sư rồi giáo sư. Có thể nói, đó là một quãng thời gian khá dài, có người phải dành hơn nửa đời để làm điều đó. Khi một sinh viên gặp vị giáo sư trong trường đại học, bên cạnh lễ nghĩa của kẻ nhỏ – người lớn mà còn là sự kính trọng khối lượng kiến thức mà vị giáo sư đó sở hữu.

Khi còn là một sinh viên, làm một tiểu luận – đề tài nghiên cứu khoa học, tôi đã phải chú trọng kỹ càng từng nội dung sao cho trúng, dư dả thời gian hơn một tí, ngồi nghiên cứu xem khi đề tài của mình đưa lên thuyết trình trước đám đông, sẽ bị “bắt giò” ở những đoạn nào và trả lời ra sao?

Đến khi tốt nghiệp ra trường, lại càng phải chú ý hơn, không khéo trường sẽ bị mang tiếng. Cho nên, thiết nghĩ, ở vai trò là giáo sư, ông Thuyết lại càng phải cẩn trọng hơn nữa so với một thằng chỉ có bằng cử nhân. Nhất là cái mảng của ông Thuyết lại vô cùng quan trọng, tổng chủ biên kiêm chủ biên soạn sách giáo khoa Tiếng Việt cho học sinh lớp 1.

Vậy thì tại sao lại có những cái sai sờ sờ ra đó mà ông Thuyết lại không nhận ra? Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không nhận ra, để rồi phê duyệt, cho phép sử dụng trong giảng dạy? Hay là ông Thuyết cũng như Bộ có một ý đồ gì khác, có một thông điệp gì khác nữa gửi gắm vào từng bài tập đọc mà nhiều người không nhận ra? Nếu đúng như vậy, đến tận thời điểm hiện tại vẫn chưa thấy giáo sư Nguyễn Minh Thuyết lên tiếng về cái ngụ ý trong những truyện được viết lại này?

Là một người có học, chắc là ông Thuyết sẽ biết đến cái câu gọi là “tam sao thất bản”, đó là chưa kể đến việc mỗi người sẽ có mỗi khả năng tiếp thu, nhìn nhận vấn đề khác nhau. Trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 do ông làm Tổng chủ biên kiêm chủ biên, nhiều bài tập đọc có chữ Hoàng Nam kể, Thành Vân kể, Nguyễn Minh kể….

Câu hỏi đặt ra, không biết những cái tên đó kể như thế nào, kể ra sao mà được ông Thuyết trình bày trong quyển Tiếng Việt 1 lại bị nhiều phản ứng đến thế? Tìm một quyển sách truyện cổ nước ngoài là không khó, tại sao lại không ghi cụ thể theo truyện cổ gì đó mà lại nghe kể, rồi viết ra?

Trả lời cho lý do tại sao kho tàng văn học dân gian Việt Nam phong phú, đa dạng, ông Thuyết lại không sử dụng để cho mấy em học mà lại phỏng theo câu chuyện của nước ngoài, có lẽ ông đang muốn Việt Nam vươn ra tầm thế giới.

Phải chăng ông đang cố gắng tập ngay từ lúc nhỏ cho mấy em quen với các câu chuyện cổ nước ngoài? Hay chăng, do những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn ở Việt Nam dở quá, không có tính giáo dục gì, là một người học cao hiểu rộng nên ông nắm rất rõ điều này?

Nếu thật sự ông giáo sư Nguyễn Minh Thuyết sọan sách giáo khoa không phù hợp, còn nhiều “hạt sạn”, vậy thì chẳng lẽ nhiều phụ huynh, giáo viên, người dân Việt Nam phản ứng nội dung là sai?

Trẻ em là tương lai của đất nước, nếu cứ theo sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của ông Thuyết, xem ra, có cái gì đó không ổn lắm thì phải…

#nguyenminhthuyet  #sachgiaokhoalop1

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here