Câu chuyện bắt cá leo cây và chính sách luân chuyển cán bộ của đảng cs

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà|

Tại một khu rừng nọ, nhằm tìm ra những con vật tài giỏi để giao một số trọng trách, người ta tổ chức một kỳ thi với sự tham gia của các con vật tại đó, gồm: Quạ, Khỉ, Chim cánh cụt, Voi, Cá, Hải cẩu và Chó.

Khi cả bọn đông đủ, vị giám thị ra đề. “Để công bằng, tất cả phải làm chung một bài kiểm tra: Hãy leo lên cái cây kia!”.

Cuộc thi bắt đầu. Quạ thi đầu tiên và tạo được sự bất ngờ vì sự giỏi giang của mình, nó chọn con đường nhanh nhất là bay thẳng lên đỉnh cây.

- Quảng Cáo -

Giám thị coi thi phán rằng: “Con rất giỏi và thông minh, chọn con đường nhanh nhất, không theo một trình tự nào và tới được đỉnh cây chỉ trong vài giây, con được 10 điểm.”

– “Cảm ơn thầy, đó là điều hiển nhiên.” – Quạ đáp.

Đến phiên Khỉ thi, một sự khởi động nhẹ nhàng, Khỉ vặn mình để chuẩn bị trèo lên cây, chiếc cây cao nhưng khỉ vẫn mỉm cười và tự tin rằng chuyện này trong tầm tay mình vì ngày nào nó chả luyện trèo hết cây này, đến cây khác nhuyễn như cháo. Thật vậy, Khỉ chỉ cần chốc lát là leo lên tận đỉnh của cây và thầy giám thị vui vẻ chấm:

– “Con làm tốt lắm, đi theo trình tự, theo đúng bài bản và đã leo lên được đỉnh cây nhưng con không có sự thông minh, con chỉ có ý chí và cần cù của con nên con cũng thành công. Ta cho 9 điểm.”

– “Cảm ơn thầy, cần cù, chăm chỉ là một phần của thành công ạ.” – Khỉ đáp.

Đến phiên Chim cánh cụt thi, cảm thấy rụt rè và sợ hãi khi thấy cái cây quá to và cao, đang đứng rui rẩy thì Voi lên tiếng.

– “Thưa, con xin phép cho con thi trước được không ạ?”

– “Ta đồng ý.” – Giám thị trả lời.

Thế là Voi thay Chim cánh cụt thi trước và điều bất ngờ xảy ra khi voi húc liên tục cả thân hình đồ sộ của mình vào thân cây, khiến thân cây rung chuyển, chao đảo và rồi ngã bật gốc xuống. Thầy giám thị tức tối liền quát to:

– “Cậu làm cái quái gì thế? Định phá kỳ thi của ta sao?”

– “Dạ, không ạ, đó chỉ là cách của con, mặc dù có tổn hại nhưng con vẫn hoàn thành bài thi.”

Voi ung dung đi từ gốc cây đến đỉnh cây. Và lần lượt từ Chim cánh cụt, Hải cẩu và Chó chỉ cần leo lên thân cây và đi từ gốc đến đỉnh cây 1 cách dễ dàng và về đích hoàn thành bài thi.

Nhưng riêng cá thì không thể, nó không thể nào ra khỏi bể để làm bài kiểm tra giống như các bạn mình, Quạ và Khỉ nhìn khinh khi, dè bỉu, giám thị cũng liên tục hối thúc không chút cảm thông. Nó buồn lắm và tự trách mình thật tệ hại, kém cỏi so với người khác, một cảm giác bất tài, vô dụng choán tâm trí nó. Ý định nảy sinh trong đầu cá bây giờ là chết để được giải thoát, một kẻ bất tài thì chết cũng có gì đáng tiếc chứ.

Nhưng khi cá chưa kịp làm gì, bỗng nó thấy cả nhóm Voi, Chim cánh cụt, Hải cẩu và Chó cùng nhau đẩy cái cây xuống dòng sông gần đó, rồi nhanh chóng, bọn chúng đưa cá đến gần sông thả xuống nước và từ đó cá cũng bơi từ gốc lên đỉnh cây và hoàn thành bài kiểm tra một cách thuận lợi.(hết)

Vâng! Đó là chuyện ngụ ngôn, câu chuyện này cho ta 3 bài học:

Thứ nhất không được bắt mọi người bỏ sở trường thực hiện sở đoản của mình chỉ vì ý muốn của kẻ có quyền;

Thứ nhì nếu bắt kẻ có sức mạnh từ bỏ sở trường thực hiện sở đoản thì kẻ đó sẽ thành kẻ phá hoại để miễn sao đạt được mục đích như trường hợp của voi;

Thứ ba là khi bị ép từ bỏ sở trường, thì những kẻ này thường có xu hướng hợp lực tạo ra kế gian trá để đạt được mục đích một cách giả tạo, đó là dạng lợi ích nhóm. Đấy chính là trường hợp voi, Chim cánh cụt, hải cẩu và chó, những kẻ này không có sở trường leo cây nên đã kết hợp lại hỗ trợ nhau dựng nên kế gian trá giúp cá thực hiện mục đích.

Albert Einstein từng nói rằng: “Ai cũng là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống suốt đời với niềm tin rằng nó là kẻ đần độn”, thế nhưng với CS dường như họ không quan tâm tới lời dạy của bậc đại trí này, có lẽ họ tự cho mình là “đỉnh cao trí tuệ” nên chẳng cần phải nghe ai cả.

Hôm qua ngày 14/10 trên báo tuổi trẻ có bài viết “Thống đốc Lê Minh Hưng làm chánh Văn phòng Trung ương Đảng”. Ông Lê Minh Hưng là người được đào tạo chuyên ngành kinh tế tài chính và đang là thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam bỗng nhiên bị bẻ lái sang làm chánh văn phòng trung ương đảng chẳng liên quan gì đến ngành tài chính. Và hôm nay ngày 15/10 trên báo Vnexpress có bài viết “Tiến sĩ quân sự làm Chủ tịch Cần Thơ”, và bài “Điện Biên có bí thư Tỉnh ủy 7X, từng làm chủ tịch Vietinbank” được đăng trên báo Tuổi Trẻ. Ngược lại quá khứ chúng ta cũng đã chứng kiến ông Tố Hữu là một nhà thơ không biết gì về ngành tài chính ngân hàng được giao là Phó Chủ Tịch Hội Đồng Bộ Trưởng chuyên về ngành này. Hay như Nguyễn Tấn Dũng là một ý tá rừng lại được bổ nhiệm làm thống đốc ngân hàng nhà nước vậy. Và nền kinh tế Việt Nam đã tan nát như thế nào thì ai cũng rõ. Một chính sách bắt cá leo cây đã tạo nên những con người phá hoại đất nước kinh khủng. Việc bắt cá leo cây nếu không phá hoại thì nó cũng triệt tiêu tài năng con người dẫn đến kết quả đất nước nước cứ lẹt đẹt chậm tiến.

Chính sách “bắt cá leo cây” như thế này được Bộ Chính Trị quy định trong Nghị Quyết 11-NQ/TW năm 2020. Trong Nghị Quyết người ta giải thích rằng “Tạo điều kiện để rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, có triển vọng, giúp cán bộ trưởng thành nhanh hơn và toàn diện, vững vàng hơn, đáp ứng yêu cầu cán bộ trước mắt và lâu dài của toàn bộ hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các lực lượng vũ trang”. Thực tế ai cũng thấy, việc bắt cá leo cây là cách đảng không cho người tài dụng sở trường mình giúp nước chứ chẳng phải là giúp cán bộ toàn diện gì cả. Vậy mà chính sách này đã được áp dụng xuyên suốt thừ thời ông Hồ Chí Minh đến bây giờ.

Có nhiều người so sánh chính sách “luân chuyển cán bộ” của ĐCS với Luật Hồi Tỵ của cổ nhân. Vậy liệu Nghị quyết 11 – NQ/TW có giống Luật Hồi Tỵ không?! Luật Hồi Tỵ do vua Lê Thánh Tông – Hậu Lê ban hành, luật nghiêm cấm những người thân như anh em, cha con, thầy trò, bạn bè cùng học, những người cùng quê cùng làm cùng một chỗ. Đến thời vua Minh Mạng – Triều Nguyễn cũng ban hành luật này nhưng có bổ sung thêm là quan lại không được làm quan ở chính quê mình, quê vợ, thậm chí cả ở nơi đi học lúc còn trẻ. Nói chung luật hồi tỵ ban ra là để ngăn cản quan lại móc nối hình thành nhóm lợi ích dựa vào sự thân quen hoặc huyết thống chứ không có bổ quan làm trái chuyên môn. Thời đó xã hội phát triển thấp, quan phụ mẫu lo hết tất tần tật mọi vấn đề thuộc quyền cai quản của mình, nó tựa như ông A thay vì làm chủ tịch tỉnh nhà thì làm chủ tịch tỉnh khác vậy, không có chuyện bổ trái ngành.

Thực chất Nghị Quyết 11 – NQ/TW là một bước lùi so với Luật Hồi Tỵ của cổ nhân. Ngày xưa ông cha ta đã biết ngăn cản lợi ích nhóm bằng luật, còn ngày nay thì lợi ích nhóm nhung nhúc đục khoét tiềm lực quốc gia mà không có cách nào dừng loại bỏ được. So với thời phong kiến, CS còn thua rất xa./.

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://tuoitre.vn/thong-doc-le-minh-hung-lam-chanh-van…

https://vnexpress.net/tien-si-quan-su-lam-chu-tich-can…

https://tuoitre.vn/dien-bien-co-bi-thu-tinh-uy-7x-tung…

#đảngcsvn #đạihội13 #luânchuyểncánbộ

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here