LS Ngô Ngọc Trai
Nhìn bức ảnh chụp các vị ủy viên trung ương dự họp nhiều lúc tôi tự hỏi mình có đủ năng lực phẩm chất để tham gia vào bộ máy lãnh đạo quốc gia không? Những vị kia họ có tài đức đặc biệt gì xứng đáng hơn mình mà họ đã ngồi vào các vị trí đó?
Lâu nay nhiều người dân cũng giữ lối nhận thức rằng những người hoạt động chính trị phải có tầm cỡ ghê gớm lắm, phải có tài chính, các mối quan hệ và truyền thống gia đình chính trị lâu đời. Hoặc nhiều người nhìn vào các lãnh đạo chính trị qua cương vị họ đang nắm giữ để rồi hoảng sợ về bộ máy nhân sự hàng nghìn vạn người mà nhân vật chính trị đang đứng trên, để rồi thấy mình như bé bỏng khó thể nào đạt được tầm cỡ như vậy nên bỏ đi ước mơ làm chính trị.
Tôi cho rằng những nhận thức như thế sai hoàn toàn. Tôi cho rằng hoạt động chính trị đó đơn thuần là một khuynh hướng khả năng của mỗi người, nó không khác bao nhiêu so với những người có ham thích với chơi chim, nuôi cá cảnh hoặc vẽ tranh.
Có thể hình dung là cộng đồng những người có năng khiếu đam mê với hoạt động chính trị cũng tương đương và không khác bao nhiêu so với cộng đồng những người đam mê với các hoạt động đời sống khác.
Một người có trình độ học thức, có năng khiếu diễn giải thuyết phục, quen làm việc và tiếp xúc với các vấn đề chính trị xã hội, thì hoàn toàn có thể được vun đắp đào tạo trở thành một nhà chính trị.
Nếu như đời sống sinh hoạt chính trị dân chủ, có nhiều đảng phái và tổ chức hội đoàn độc lập, thì đó sẽ là những ngôi trường đào tạo hình thành lên các nhà hoạt động xã hội, các nhà hoạt động chính trị. Thông qua các sinh hoạt vận động một người sẽ sớm được đào tạo kỹ năng chính trị và trưởng thành.
Bởi vậy ở nhiều nước họ có dàn lãnh đạo chính trị có khi chỉ mới 30, 40 tuổi. Còn nếu thực tế chỉ có duy nhất một quan điểm chính trị thì đương nhiên sẽ làm hạn chế số người có cơ hội được tham gia vào môi trường đào tạo ấy và do thiếu những sinh hoạt có tính đào tạo khiến mất nhiều thời gian mới cho ra một lãnh đạo chính trị, khiến cho tuổi đời người làm chính trị trở lên cao hơn.
Với cơ chế phong phú dân chủ, khi đó những người chỉ với hai bàn tay trắng, hoặc có rất ít những điều kiện về kinh tế hay quan hệ, với năng lực và tố chất bẩm sinh thì họ vẫn có thể thành công. Ông Tổng Thống Obama là một ví dụ, bố là người Kenya, mẹ là một nhân viên ngành ngoại giao cấp thấp, hai đời chồng, ông Obama từng sống ở Indonesia nơi người bố dượng thứ hai mang quốc tịch và rồi sống ở Hawaii với ông bà ngoại.
Ông Obama chỉ bằng nỗ lực tự học và cơ chế đa đảng dân chủ mà được vun đắp trở thành lãnh đạo chính trị. Bằng tài năng nhãn quan chính trị của mình ông thấy rằng nước Mỹ nên có các chính sách đường lối phát triển như thế nào, ông đã thuyết phục được người Mỹ về điều đó và họ bầu ông làm tổng thống.
Hoặc như ông Bill Clinton, tổng thống Mỹ trước đó, bố mất sớm, mẹ là một y bác sĩ, cũng qua trường luật học hành mà lên, không có tiềm lực gia đình tài chính hay quan hệ gì đặc biệt.
Hay như Thủ Tướng Nhật Suga mới đây là con một nông dân ở nông thôn xa đô thị, cũng nhờ quá trình tự học và làm việc mà trưởng thành.
Một điều nữa nên nhớ, người hoạt động chính trị dựa vào những lý lẽ biện giải về các sự vật sự việc, có phương hướng tầm nhìn dẫn dắt công chúng. Người hoạt động chính trị dựa chủ yếu vào tri kiến và một khả năng nhất định về sự thuyết phục. Qua bầu chọn mà họ trở thành người giữ cương vị, hết nhiệm kỳ lại trở về với chỉ hai bàn tay. Người hoạt động chính trị phụ thuộc vào luật pháp, họ không nắm giữ quyền lực sinh sát hay ban phát bổng lộc của các ông vua quan thời phong kiến.
Bên cạnh những người hoạt động chính trị thì có bộ máy chính quyền, hay bộ máy hành chính, bao gồm các công chức được ký hợp đồng trả lương, thì đó không phải là nhân vật chính trị.
Chỉ những người có được cương vị qua vận động bầu chọn mới là nhân vật chính trị và lãnh đạo chính trị cũng không có quyền hành bao nhiêu với bộ máy hành chính.
Tổng Thống Trump chỉ có quyền với bộ máy chính phủ bao gồm các bộ trưởng do ông và đảng của ông lựa chọn, ông chẳng có quyền gì với một nhân viên hành chính trong các phòng ban ở các quận sở hay thành phố. Những việc ông có thể làm là đưa ra các dự luật mà muốn đạt được thì phụ thuộc vào sự thuyết phục và tính đúng đắn xác đáng của nội dung vấn đề.
Ở Việt Nam lâu nay, thể chế kiểu khác, cho nên đã tạo ra những nhận thức sai lệch nhưng phản ánh đúng hiện trạng, từ đó khiến nhiều người có năng khiếu đam mê cảm thấy tuyệt vọng từ bỏ ước mơ trở thành nhà lãnh đạo chính trị của mình.
Qua quan sát hiện nay tôi thấy nhiều bạn chơi facebook có tiềm năng và nếu duy trì sự trau dồi nỗ lực thì hoàn toàn có thể vận động trở thành một nghị sĩ dân cử cấp địa phương nào đó nếu như có cơ chế bầu cử như ở các nước, ví như các anh Đoàn Bảo Châu, Phạm Ngọc Hưng, Nguyễn Ngọc Chu, Đặng Đình Mạnh, Lê Luân và nhiều bạn face khác.
Với những người tích cực lên tiếng về các vấn đề xã hội và đưa ra chất vấn với bộ máy chính quyền các cấp về các vấn đề như vậy, thì đó bản chất chính là những người hoạt động xã hội, những nhà lãnh đạo chính trị. Bộ máy vũ trang như cảnh sát và quân sự cần bảo hộ cho họ thay vì gây khó dễ.
Tựu chung lại bộ máy chính trị hiện nay phản ánh phần nào tầm mức nhận thức của dân chúng, còn khi mong muốn cho cơ hội mở rộng hơn cho mọi người thì cũng nên nâng cao nhận thức hiểu biết về một đời sống sinh hoạt chính trị đúng đắn là như thế nào.
LS Ngô Ngọc Trai
Nguồn: FB Ngô Ngọc Trai