Đại diện Bộ Ngoại Giao và một số dân biểu Quốc Hội Đan Mạch cam kết sẽ phối hợp với các đồng nghiệp trong Liên Âu, trong khuôn khổ Hiệp Định Thương Mại Tự Do Liên Âu – Việt Nam (EVFTA), để thúc đẩy cải thiện tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, trong buổi gặp gỡ với phái đoàn đại diện của các tổ chức Hội Anh Em Dân Chủ, Hội Đồng Truyền Giáo Đan Mạch, Nhóm Hỗ Trợ Nhân Quyền cho Việt Nam tại Đan Mạch và Đảng Việt Tân.
Vào ngày 17 tháng Chín, 2020, phái đoàn gồm Luật Sư Nguyễn Văn Đài, Chủ Tịch Hội Anh Em Dân Chủ; ông Filip Buff Pedersen, đại diện của Hội Đồng Truyền Giáo Đan Mạch; anh Huỳnh Hữu Trí, đại diện Nhóm Hỗ Trợ Nhân Quyền cho Việt Nam tại Đan Mạch; và cô Helena Hương Nguyễn, đại diện Cơ sở Đảng Việt Tân Đan Mạch đã có các cuộc gặp gỡ và làm việc với đại diện của Bộ Ngoại Giao Đan Mạch và Quốc Hội Đan Mạch.
Về phía Bộ Ngoại Giao Đan Mạch có ông Michael Suhr, Đại Sứ đặc nhiệm về Tự Do Tôn Giáo và Niềm Tin; bà Mette Strand Gjerloff, Trưởng Văn Phòng Nam Á và Đông Nam Á; giới chức ASEM (Diễn đàn hợp tác Á-Âu – Asia–Europe Meeting) ông Bjarke Brix Olsen, trưởng bộ phận Châu Á, Châu Mỹ La Tinh và Úc Châu.
Phía Quốc Hội Đan Mạch có ông Dân Biểu Daniel Toft Jakobsen, vừa là đại diện của Ủy Ban Đối Ngoại và vừa là đại diện của Mạng Lưới Đa Chính Trị cho Tự Do Tôn Giáo của Quốc Hội Đan Mạch; và ông Dân Biểu Morten Messerschmidt, đại diện của Ủy Ban Giáo Hội.
Trong cả hai cuộc gặp, cô Helena Hương Nguyễn và Luật Sư Nguyễn Văn Đài đã trình bày vắn tắt tình trạng nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam trước và sau khi Nghị Viện Liên Âu thông qua Hiệp Định Thương Mại Tự Do EU-Việt Nam. Trong đó nhấn mạnh rằng bất chấp các lời hứa và cam kết của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam với quốc tế về việc cải thiện nhân quyền, nhưng những vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền CSVN ngày càng nghiêm trọng. Cụ thể, nhà cầm quyền CSVN đã vi phạm vào 4 nhóm quyền cơ bản sau đây:
– Về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí: Nhà cầm quyền CSVN đã bắt nhà báo Phạm Chí Dũng vào tháng Mười Một, 2019; vào tháng Năm vừa qua có thêm 2 thành viên của Hội Nhà Báo Độc Lập đã bị bắt là các ông Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn. Ngoài ra hàng chục người sử dụng Facebook để bày tỏ quan điểm chính trị đối lập đã bị bắt và xét xử.
– Về quyền tự do hội họp và lập hội: Nhà cầm quyền CSVN đã bắt giữ và xét xử 8 thành viên của Nhóm Hiến Pháp, các thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, đảng viên Đảng Việt Tân, và thành viên của một số tổ chức chính trị đối lập khác.
– Về quyền sử dụng đất đai: Vì muốn tịch thu đất nông nghiệp của người dân Đồng Tâm, vào rạng sáng ngày 9 tháng Giêng, 2020, nhà cầm quyền CSVN đã điều động một lực lượng vũ trang cả 3000 quân tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, giết hại cụ Lê Đình Kình 84 tuổi, bắn trọng thương 2 người khác và sau đó bắt đi 29 người. Trong một phiên tòa “bỏ túi,” đầy những sai phạm luật pháp hiện hành, 29 dân làng Đồng Tâm đã bị tuyên xử những bản án hà khắc bất công, trong đó có 2 người bị án tử hình, một người bị án tù chung thân.
– Về quyền tự do tôn giáo: Nhà cầm quyền CSVN vẫn gây khó khăn, ngăn cản sinh hoạt tôn giáo đối với các Hội Thánh Tin lành độc lập ở khu vực Tây Nguyên. Nhà cầm quyền vẫn sử dụng bạo lực để cướp đất của Đan Viện Thiên An của Giáo Hội Công Giáo. Nhà cầm quyền CSVN mua chuộc, gây áp lực với Giáo Hội Công giáo để luân chuyển hay cho nghỉ hưu các linh mục dám bày tỏ các quan điểm, chính kiến khác biệt với chế độ cộng sản.
Phái đoàn đại diện các tổ chức đã trao cho các đại diện Bộ Ngoại Giao và Quốc Hội một tập hồ sơ bao gồm tài liệu và lời chứng về sự đàn áp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, thành viên của Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam, vụ cưỡng chiếm đất của Đan Viện Thiên An, và biến cố Đông Tâm, Hà Nội. Phái đoàn cũng đã đưa ra một số đề nghị hành động cụ thể với Bộ Ngoại Giao và Quốc Hội Đan Mạch.
Đại diện Bộ Ngoại Giao và đại diện Quốc Hội Đan Mạch đã bày tỏ sự quan tâm, đặt nhiều câu hỏi để hiểu rõ hơn từng trường hợp vi phạm nhân quyền, và đề nghị các tổ chức đấu tranh thường xuyên cập nhật cho họ tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.
Các giới chức Đan Mạch cam kết sẽ phối hợp cùng với các đồng nghiệp trong Liên Minh Châu Âu đưa ra yêu cầu phía nhà cầm quyền Việt Nam phải tuân thủ những cam kết trong khuôn khổ EVFTA. Đồng thời sẽ phối hợp với các tổ chức phi chính phủ quốc tế, hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam nhằm thúc đẩy cải thiện tình trạng nhân quyền tại Việt Nam./.
Ngọc Hương
#EVFTA #đanmạch #việttân #nhânquyềnvn