LS Đặng Đình Mạnh
Vụ án Đồng Tâm là một vụ án lớn. Không chỉ vì số lượng bị cáo, số lượng luật sư tham gia bào chữa hoặc độ dày của hồ sơ vụ án … mà là về tầm vóc ảnh hưởng của vụ án đối với xã hội, thậm chí, với chính sách và hơn cả thế, với chế độ. Lớn cũng vì sự khuất tất từ điểm khởi đầu vụ án cho đến khi đã kết thúc phần làm rõ chứng cứ tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, thì bản thân luật sư vẫn chưa tự tin cho rằng mình hiểu hết về vụ án, về những góc khuất chưa từng được làm sáng tỏ, dù trách nhiệm tối hậu của một phiên tòa hình sự là làm điều đó.
Các luật sư không chủ quan ngồi bàn giấy nghiền ngẫm về chồng hồ sơ hơn tám nghìn bút lục do cơ quan điều tra lập nên, mà trước đó, chúng tôi đã về tận Thôn Hoành để xem tận mắt cái hố sâu 4m oan nghiệt, sờ tận tay từng vết đạn, cả vỏ nhựa pháo sáng còn rơi rớt lại và để nghe tận tai những điều khủng khiếp đã xảy ra trong giấc rạng sáng ngày 09/01/2020, tại nơi bị cho là hiện trường vụ án.
Chúng tôi quá hiểu về sinh hoạt pháp đình, nên đã không kỳ vọng khi bước chân vào phiên tòa, nhưng vẫn phải thất vọng vì những điều khuất tất chưa được làm sáng tỏ cho đến khi bị nhân viên công lực xốc nách từ hành lang tống ra cổng tòa trong buổi chiều ngày 10/09, khi kết thúc phần nói lời sau cùng của các thân chủ.
Tất cả những vấn đề mà chúng tôi đã đặt ra tại phiên tòa hình sự đều bị khước từ, có lẽ, phải cậy nhờ vào phiên tòa lương tâm của công chúng chăng?
***
1. Vấn đề thẩm quyền điều tra vụ án
Sự kiện rạng sáng ngày 09/01/2020 xảy ra tại Thôn Hoành, Xã Đồng Tâm, Huyện Mỹ Đức thuộc địa giới TP.Hà Nội, do đó, về thẩm quyền lãnh thổ và về mức độ nghiêm trọng của sự việc, thì thẩm quyền điều tra vụ án sẽ thuộc về Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an TP.Hà Nội là điều không phải nghi ngờ.
Tuy nhiên, một khi nhiều lực lượng cảnh sát cũng thuộc Công an TP.Hà Nội đã có vai trò rất lớn, rất quan trọng trong sự kiện ngày 09/01, thì việc Cơ quan Cảnh sát Điều tra cũng thuộc Công an TP.Hà Nội đảm nhận điều tra vụ án sẽ không còn bảo đảm được sự khách quan, vô tư trong công tác điều tra. Nhất là trong bối cảnh có hai đơn tố giác tội phạm của bà Dư Thị Thành và một số công dân đã chính thức yêu cầu xem xét trách nhiệm trong việc gây ra cái chết của ông Lê Đình Kình, thì theo đó, bản thân Công an TP.Hà Nội cũng bị nghi vấn về trách nhiệm thì khả năng mâu thuẫn quyền lợi đã trở thành một sự thật hiển nhiên.
Chúng tôi đã ba lần lưu ý vấn đề này một cách chính thức với các cơ quan tiến hành tố tụng. Một lần bằng văn bản trước khi có lịch xét xử của tòa án, hai lần nêu trực tiếp trong phiên tòa (phần thủ tục và phần bào chữa). Thì ít nhất, ở phần thủ tục, sau khi hội ý thì hội đồng xét xử đã tuyên bố chính thức khước từ điều này. Mặc nhiên, hồ sơ điều tra vụ án chưa bảo đảm sự khách quan, vô tư như điều 21 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định vì có sự mâu thuẫn quyền lợi đã được chấp nhận làm cơ sở xét xử vụ án.
Trong thời gian nghị án, nhiều luật sư đã nhận được tin nhắn vô danh cung cấp cụ thể hơn về chứng cứ có sự mâu thuẫn quyền lợi trong điều tra vụ án mà có thể dễ dàng kiểm chứng được. Nếu điều này là sự thật, thì có lẽ hồ sơ truy tố vụ án Đồng Tâm sẽ phải sớm hủy bỏ để tiến hành điều tra lại từ đầu mà không cần phải chờ quyết định của phiên tòa phúc thẩm (nếu có) nữa.
Khi ấy, rất có thể vấn đề yêu cầu thực nghiệm điều tra theo điều 204 Bộ luật Tố tụng Hình sự mà các luật sư kiên trì yêu cầu sẽ lại được tái xem xét, thực hiện.
04 cái chết trong một vụ án là sự kiện bi thảm không ai mong muốn. Nhưng để bảo đảm việc tử hình làm chết thêm 02 sinh mạng nữa là không oan uổng, để chính 03 gia đình người bị hại biết rõ chân tướng sự thật, thì nhất thiết việc điều tra, xét xử phải loại trừ mọi nghi vấn, làm rõ mọi góc khuất là điều không thể không làm, nếu còn có lương tri.
Có lẽ còn tiếp…
Saigon, ngày 11/09/2020
LS Đặng Đình Mạnh
Nguồn: FB Manh Dang
#ĐồngTâm