Nguyễn Hùng – VOA
Ngọn nguồn của bạo lực ở Đồng Tâm không bắt đầu từ cuộc tấn công của “ngàn quân” vào làng Hoành rạng sáng 9/1. Nó bắt đầu từ tháng 4/2017 khi chính quyền lừa ông lão ngoài 80 tuổi Lê Đình Kình ra đồng để bắt. Trong một video mà giờ đã không còn truy cập được trên YouTube, ông Kình kể lại diễn biến:
“Khi đến đấy một cái là một anh cảnh sát cơ động nhưng họ toàn mặc quần bò áo thun đen…, một anh nhảy xuống, đứng vào cái góc tường ở đấy và nổ hai băng đạn chỉ thiên và ngay lúc đó là Trần Thanh Tùng đá tôi một cái, Trần Thanh Tùng đứng đằng sau tôi, mà Trần Thanh Tùng là về công tác tại xã Đồng Tâm này nhiều lần rồi, mà ngay hôm đấy và cách đấy mấy hôm vẫn gặp tôi, vẫn cứ làm việc.
“Đá tôi một cái tung lên và trôi một mét rưỡi. Cái đá của một công an mà họ đang sung sức thì có thể nói nó là một cái đá mà mục đích là tiêu diệt mình cho nên một cái đá họ không thương tiếc. Thì tôi tung lên một cái rồi ngã ngửa, đập đầu xuống đường bê tông nhưng mà hôm ấy tôi đội mũ bảo hiểm. Nếu không đội mũ bảo hiểm thì hôm ấy có thể vỡ đầu ngay tại chỗ ấy, và chết ngay tại chỗ ấy.”
Sau trận đánh nguội này, những người dân ủng hộ ông Kình, người từng là bí thư đảng uỷ xã Đồng Tâm, đã bắt giữ gần 40 cảnh sát trong đó tới hai phần ba là cảnh sát cơ động. Vụ việc khiến Chủ tịch Hà Nội lúc bấy giờ Nguyễn Đức Chung phải về ký cam kết không khởi tố người dân Đồng Tâm cũng như sẽ điều tra chuyện ông Kình bị đánh và bắt giữ trái pháp luật. Cả hai lời hứa này đều chỉ là hứa suông và cuối cùng người ta vẫn khởi tố vụ án với dân Đồng Tâm nhưng lại không hề điều tra vụ đánh gãy chân đảng viên khi đó đã trên 50 năm tuổi đảng. Trừ mấy lời hứa đẹp nhưng vô nghĩa của ông Chung, trận đánh tháng Tư năm 2017 nhắm vào ông Kình và dân Đồng Tâm là một trận đánh tồi.
Trong thời gian từ 4/2017 tới 1/2020, ông Lê Đình Kinh tiếp tục khẳng định rằng đất đồng Sênh có hai phần, một phần đất quốc phòng và một phần đất dân sinh. Tuy nhiên chính quyền lấp liếm muốn đánh đồng hai nửa này để chiếm đất của người dân. Khi chính quyền, mà đối với nhiều người dân Đồng Tâm đã trở thành tà quyền từ nhiều năm nay, đưa ra nhiều quyết định có lợi cho giới chức, người dân Đồng Tâm bị dẫn vào ngõ cụt. Và đó là khi trận đánh tồi thứ hai diễn ra.
Thông báo đầu tiên của chính Bộ Công an về vụ này viết: “Trong quá trình xây dựng [tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn], sáng 9/1/2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 3 cán bộ chiến sĩ Công an hy sinh, 1 đối tượng chống đối chết, 1 đối tượng bị thương.”
Cho tới nay những thông tin này đã được chính những gì đưa ra trong cáo trạng cho thấy là Bộ Công an dối trá. Chẳng hề có ai đi xây dựng tường rào vào lúc tờ mờ sáng và sự việc cũng không xảy ra ở nơi có tranh chấp là đồng Sênh. Trái lại nay người ta đành phải thừa nhận đó là một cuộc tấn công quy mô lớn vào nơi cư trú hợp pháp của người dân đã được cả thành phố Hà Nội và Bộ Công an thông qua.
Dựa vào diễn biến sáng sớm 9/1, điều có thể xảy ra là lực lượng tham gia tấn công đã được lệnh bắt hoặc giết bằng được ông Kình, cái gai trong mắt họ. Ông Bùi Viết Hiểu, cánh tay phải của ông Kình trong vụ bảo vệ đất đồng Sênh, nói tại toà rằng ông Kình bị bắn thẳng vào người khi đứng dựa vào tường và trong tay ông Kình không hề cầm lựu đạn như cáo buộc của lực lượng công an. Ngoài ra các luật sư cũng đã chứng minh rằng cả 10 quả lựu đạn có trong cáo trạng đều đã xuất hiện tại các nơi khác nhau trong hồ sơ và không liên quan tới ông Kình. Qua đó các luật sư nói quả mà ông Kình bị cáo buộc cầm là quả thứ 11 trong khi hồ sơ chỉ nêu có 10. Chẳng ai có trí khôn lại đi tin vào những gì chính quyền nói.
Về chuyện lựu đạn, vợ ông Kình, bà Dư Thị Thành, từng nói trong một video được nhà hoạt động Lã Việt Dũng đưa lên Facebook hồi đầu năm nay: “Người ta bắt khai ở nhà cầm lựu đạn. Tôi bảo là tôi không biết quả lựu đạn thế nào, tôi không biết bom xăng là thế nào, thì tôi không khai được. Thế là nó tát, cứ thế nó tát, nó đá, tát suốt, cứ hết bên nọ sang bên kia. Xong bắt đầu cứ thế nó đá vào hai ống chân.”
Còn anh Lê Đình Công, con trai bà Thành và ông Kình, khai trước toà khi được hỏi có bị bức cung hay nhục hình gì không: “Bị đánh mười ngày như một. Ông Phạm Việt Anh dùng dùi cui cao su đánh.” Ông Bùi Viết Hiểu cũng nói tại phiên xử rằng ông bị bắn thẳng vào người như ông Kình và bụng bị thủng vài chỗ nhưng may không chết.
Một điều đáng chú ý khác trong vụ án này là gia đình của cả ba công an thiệt mạng đều không có gì để nói trước toà khi họ được hỏi về chuyện họ muốn bồi thường ra sao. Đại diện cả ba gia đình đều chỉ nói đề nghị toà xét xử theo đúng pháp luật. Họ không hề thắc mắc tại sao con em họ lại bị đẩy vào chỗ chết lúc tờ mờ sáng. Họ không nghĩ có ai phải chịu trách nhiệm về quyết định dẫn tới cái chết của người thân trong gia đình. Vì một lý do nào đó họ quyết định giữ những suy nghĩ đó cho riêng mình.
Nhiều người khác cũng giữ trong lòng suy nghĩ của riêng họ về những gì xảy ra trước một trận đánh tồi tệ đang diễn ra ngay trước mắt. Lần này đích nhắm tới của nó như bao lần khác chính là công lý. Trong hoàn cảnh nhiễu nhương như ở Việt Nam hiện nay, “nói thật đã là một hành động cách mạng”.
#ĐồngTâm