Phiên tòa Tội Ác

Phiên tòa sơ thẩm vụ Đồng Tâm, hôm 7/9/2020. Ảnh chụp báo mạng Lao Động
- Quảng Cáo -

Phạm Nhật Bình – Việt Tân

Tám tháng sau ngày một lực lượng khoảng 3.000 công an và quân đội mở cuộc tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm giết chết ông Lê Đình Kình, sáng ngày 7 tháng Chín, 2020 Tòa Án Hà Nội đã mang ra xét xử 29 người dân bị bắt và truy tố sau cuộc tấn công này.

Đây là những người mà đa số là thân nhân xa gần của cụ Kình hoặc dân trong xã Đồng Tâm. Họ bị cáo buộc tội giết người và chống người thi hành công vụ liên quan đến điều mà chính quyền cho rằng gây ra cái chết cho 3 sĩ quan công an trong ngày 9 tháng Giêng, 2020.

Căn cứ theo Luật Tố Tụng Hình Sự, phiên tòa được thành lập để bên công tố đại diện Viện Kiểm Sát trình bày nội vụ và nghe luật sư biện hộ cho các bị cáo và sau cùng là tòa căn cứ vào đó quyết định có tội hay vô tội.

- Quảng Cáo -

Nhưng tòa án ở Việt Nam thì làm ngược lại; họ làm ra luật nhưng không làm theo luật. Cũng như những vụ án liên quan đến an ninh quốc gia, người bị mang ra xét xử thì đã bị kết án, còn phiên tòa mở ra chỉ là dàn cảnh để hợp thức hoá bản án có sẵn và ngày giờ kết án.

Nhìn vào những gì đã diễn ra, phiên tòa sơ thẩm vụ Đồng Tâm sáng ngày 7 tháng Chín, đưa 29 người ra xét xử tội giết người và cản trở công lý, người ta thấy gì?

1/ Trước ngày xét xử một ngày, tướng Tô Ân Xô  chánh văn phòng và người phát ngôn của Bộ Công An trong cuộc tiếp xúc với phóng viên của TTXVN, đã tuyên bố rằng cụ Lê Đình Kình là “một loại cường hào, địa chủ mới.” Đã vậy gia đình này còn “tìm kiếm sự ủng hộ từ các đối tượng phản động lưu vong và phần tử xấu.” Công an kết tội như thế thì theo ý ông Xô, cuộc hành quân mở ra và cụ Kình bị giết chết là hợp lý. Những người còn lại bị gán ghép tội giết người vì đã nhúng tay giết 3 công an, nhưng ông Xô chỉ nói khơi khơi, lặp lại theo bản kết luận điều tra của công an mà không đưa ra bằng chứng nào rõ rệt.

2/ Vai trò của các luật sư bào chữa bị tòa án xem nhẹ đến mức làm cho các luật sư bất mãn. Trước và trong phiên tòa, luật sư không được gặp các bị can để tìm hiểu hay hướng dẫn lời khai trước tòa. Trả lời yêu cầu của các luật sư bào chữa, chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Trương Việt Hoàng nói: “Việc tiếp xúc giữa luật sư với bị cáo tại phiên tòa là không cần thiết.” Vậy luật sư có mặt trong phiên xử để làm cảnh hay để làm gì?

3/ Khi các luật sư đề nghị tòa cho triệu tập nhân chứng ra đối chất thì chủ tọa phiên tòa trả lời: Bên công an không có mặt do trời mưa tắc đường; Nguyễn Đức Chung bị gạt ra vì không còn làm chủ tịch UBND; các đơn vị quân đội thì không liên quan đến vụ án…

Về hai nhân chứng quan trọng là bà Dư Thị Thành vợ ông Lê Đình Kình và Nguyễn Thị Duyên vợ bị cáo Lê Đình Uy, tòa cho rằng hai người này “không liên quan đến vụ án” nên cũng không cần sự có mặt của họ.

4/ Bằng mọi cách làm khó dễ, ngăn chặn không cho thân nhân các bị cáo hiện diện trong phiên tòa. Trong khi những thành phần không dính dáng gì đến vụ án thì công an cho vào ngồi đầy phòng xử. Và còn nhiều trò gian manh của một phiên tòa được báo chí quốc doanh cho là “công khai;” nhưng qua một vài điều nêu trên cũng đủ cho người ta thấy:

– Đảng CSVN rất lo ngại vụ Đồng Tâm nếu để kéo dài sẽ có tác động xấu lên nội bộ. Các thành phần đảng viên sẽ ngày càng nhận rõ hơn sự thật chung quanh việc tranh chấp giữa nông dân và chính quyền từ 2017 mà không được giải quyết đúng theo pháp luật và nguyện vọng của dân Đồng Tâm. Nên vụ án được mang ra xử sớm trong vòng 10 ngày hoặc có thể ít hơn, để không làm khó khăn cho việc chuẩn bị đại hội 13.

– Vụ Đồng Tâm là vết nhơ đồng thời là tội ác của đảng CSVN, nhưng không mang ra xử thì không thể bịt miệng người dân. Nên tổ chức tòa án được chỉ đạo bưng bít tối đa và chỉ nói một chiều kể cả báo chí, nhưng cũng không thể che giấu hết sự thật mà công luận thế giới quan tâm. Ngày 4 tháng Chín vừa qua, 11 tổ chức phi chính phủ đã công bố một bức thư chung gởi đến chủ tịch Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi có hành động can thiệp để người dân Đồng Tâm được xét xử công bằng.

– So với nhiều vụ án oan nghiệt khác mà đảng CSVN tạo ra trong nhiều thập niên qua, phải nói là mức độ tàn nhẫn và hành động giết ông Kình của công an trong vụ án Đồng Tâm là vô cùng tàn bạo. Nhưng sự dàn dựng của chính quyền để đổ tội cho dân Đồng Tâm thì lại quá trơ trẽn và lố bịch khiến ai cũng nhìn thấy.

Qua đó, biết đâu vụ án Đồng Tâm là vết nứt đồng thời là mồi lửa làm bùng vỡ những oan ức chất chồng của người dân đã bị đè nén lâu nay.

Phạm Nhật Bình

#ĐồngTâm

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here