Sự kỳ thị nó xuất phát từ thời kỳ mông muội của xã hội loài người. Xã hội chiếm hữu nô lệ là thời kỳ sơ khai của lịch sử loài người, khi đó người sử dụng người như sử dụng súc vật ngay trong cùng chủng tộc với nhau. Có thể nói, sự mông muội là mảnh đất màu mỡ cho cây kỳ thị phát triển. Rồi khi xã hội Âu Châu loại bỏ chế độ chiếm hữu nô lệ và tiến lên phong kiến, thì mô hình kỳ thị nặng nề giữa người đồng chủng tộc bị khai tử.
Đến thời kỳ đầu người Âu Châu khai phá Tân Thế Giới, họ lại áp dụng mô hình kỳ thị y hệt như xã hội chiếm hữu nô lệ, nhưng lúc này họ không kỳ thị người cùng chủng tộc mà áp dụng cho người khác chủng tộc. Giai đoạn này, người da đen chịu bị xem như súc vật. Họ bị khai thác sức lực, bị đem đi buôn bán như một món hàng, thậm chí người da trắng có thể giết họ mà không bị luật pháp trừng trị. Thế rồi xã hội phát triển, chế độ nô lệ ngoại chủng này cũng bị khai tử.
Việc khai tử chế độ nô lệ thời cổ đại nó kèm theo khai tử một mô hình nhà nước cũ. Thế nhưng đến thời cận đại thì khác, việc khai tử một chế độ nô lệ thì mô hình nhà nước không bị khai tử. Điều này được giải thích là do thể chế dân chủ nó thích ứng với tiến bộ rất tốt. Nó biết buông bỏ cái lạc hậu để nắm bắt những tiến bộ mà xã hội đang cần, nên nó đã không bị chết chìm cùng với chế độ kỳ thị lạc hậu. Đây là bài học cho ĐCS. Hiện nay ĐCS Việt Nam đang rất bảo thủ, nó đem tư tưởng bảo thủ đó giáo huấn cho đảng viên làm nhiều con người ngu hóa theo. Ngay cả như Nguyễn Thiện Nhân hay Vũ Đức Đam được Tây Học, thì khi trở về cũng bị ĐCS cũng làm ngu hóa, và cuối cùng những con người này cũng chẳng biết tiếp thu cái mới từ nước dân chủ tiến bộ để thay đổi đất nước. Họ vẫn trượt theo lối mòn mà ĐCS đã vạch sẵn dựa vào những tư tưởng vô minh của các ông đi trước. ĐCS Việt Nam đang cột số phận của nó với tư tưởng kỳ thị lỗi thời, rồi cũng đến lúc nó chết chìm theo cái tư tưởng lạc hậu đó mà thôi.
Thực tế, nạn kỳ thị không chỉ xuất phát từ chính trị, mà nó còn xuất phát từ tôn giáo. Tại Ấn Độ, nạn kỳ thị nặng nề trong xã hội vẫn còn duy trì cho đến ngày nay mà người ta không có cách nào để xóa bỏ nó được. Lịch sử văn minh thế giới có vô số lần người ta xóa bỏ triều đại, có nhiều lần người ta xóa bỏ mô hình nhà nước, và kéo theo những hệ tư tưởng xã hội gắn liền với triều đại, gắn liền với mô hình chính trị ấy cũng bị sụp đổ theo. Thế nhưng qua hàng ngàn năm lịch sử, chúng ta thấy chưa có một cuộc lật đổ tôn giáo nào cả. Tôn giáo nó như xăng, tưới nước dập tắt nó càng bùng mạnh. Tôn giáo nào cũng có lịch sử bị bức hại, nhưng tất cả đều vô dụng, càng bức hại nó càng hồi sinh và phát triển.
Người ta thường gắn sự tiến bộ với dân chủ, điều đó chưa hẳn đúng. Vì sao? Vì chính sự cởi mở tiếp thu cái mới là nguyên nhân của sự tiến bộ chứ không phải thể chế. Mà như ta biết, hầu hết những nhà nước dân chủ đều có một môi trường chính trị mở, chính nó là nguyên nhân dẫn đất nước đó đến với sự tiến bộ. Ngược lại với dân chủ, môi trường chính trị trong nhà nước độc tài thường khép kín, nó từ chối tiếp thu tiến bộ nên nó lạc hậu, vậy thôi. Singapore và Ấn Độ là 2 ví dụ rõ ràng: Singapore độc tài nhưng cởi mở tiếp thu cái hay của thế giới, nên nó tiến bộ; Ấn Độ dân chủ nhưng không thể cởi mở nên lạc hậu. Không phải nhà nước Ấn không mở, mà là tôn giáo đã làm cho giới làm chính trị (giai tầng cao trong xã hội Ấn) không cởi mở được, và từ đó Ấn Độ vẫn lạc hậu mặc dù họ có dân chủ khá sớm.
Sự phân tầng xã hội luôn theo dạng hình tháp, tầng lớp càng cao trong xã hội thì số lượng càng ít. Trong đạo Hindu, người ta phân thành 5 giai tầng khác nhau: Cao nhất là Brahmin là tầng lớp giáo sĩ; tiếp theo là Kshastriya chính là giới vua chúa và quý tộc; Thấp hơn là Vaisya chính là giới thương gia; Sudra là giới tiện dân; và cuối cùng là người Dalit nghèo khổ bị đẩy ra ngoài lề xã hội.
Dân số Ấn hiện nay có khoảng 1,37 tỷ người thì đã có 1,1 tỷ là theo đạo Hindu. Được biết trong 1,1 tỷ người Hindu thì tầng lớp Brahmin chiếm 4,3%, Kshatriya, chiếm khoảng 15,7% dân số, còn lại là tầng lớp thấp trong xã hội. Người thuộc tầng lớp Dalit bị xã hội xem không khác gì kí sinh trùng. Họ bị hắt hủi, bị hành hạ, và bị đẩy ra ngoài vòng pháp luật. Tất nhiên, người ở tầng lớp thấp không được học hành đầy đủ nên không bao giờ có thể tự giải thoát cho mình được. Đấy là sợi dây trói vĩnh viễn nên dù trải qua thể chế chính trị nào, Ấn Độ vẫn thế.
Avatthi Ramaiah một giáo sư xã hội học tại Mumbai đã nhận định rằng “Bạn có thể nói Ấn Độ trở thành cường quốc thế giới, phóng vệ tinh vào không gian. Nhưng thế giới bên ngoài không biết về một hình ảnh khác của Ấn Độ. Chừng nào đạo Hindu còn phát triển mạnh, chế độ đẳng cấp vẫn sẽ kiên cố, và chừng nào còn chế độ này thì vẫn sẽ có những người thuộc tầng lớp thấp”. Đấy! Chính những học giả Ấn Độ nói lên điều nhức nhối đó, nhưng chỉ biết để biết mà không thể thay đổi được gì. Nạn kỳ thị này nó là một phần của hệ tư tưởng tôn giáo, nên không ai có thể thay đổi được. Người ta có thể lật đổ một chế độ, chứ không ai có thể lật đổ một tôn giáo cả. Vì thế, Ấn Độ dân chủ nhưng lạc hậu chính là vì lý do đó.
Ngày 24/08/2020 trên tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn có bài viết “Liệu Ấn Độ có thay được ‘công xưởng thế giới’ Trung Quốc?”. Bài viết nói rằng Ấn Độ có những ưu điểm so với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á là với dân số 1,3 tỉ người, Ấn Độ có lực lượng dân số ở độ tuổi lao động rất lớn (494 triệu) và dân số lại có độ tuổi bình quân khá trẻ (28,4 tuổi) so với dân số Trung Quốc đã bước vào thời kỳ lão hóa (38,4 tuổi). Vâng! Đó là những ưu điểm, nhưng trong bài đã quên mất một nhược điểm cực lớn, nó dìm Ấn Độ ngàn năm không ngóc đầu nổi. Đó chính là tôn giáo. Thực chất, không phải trước đây Ấn Độ để vuột cơ hội phát triển đất nước vào tay láng giềng Trung Cộng, mà đơn giản, Ấn Độ không thể giữ lấy cơ hội đó.
Trung Cộng cũng là CS, chính quyền này cũng có chính sách kỳ thị như ĐCS đang thực hiện ở Việt Nam. Nhưng nói cho cùng, tư tưởng kỳ thị này có nguồn gốc từ tư tưởng chính trị, nó không nặng nề và bám rễ vào dân tộc lâu dài như nạn kỳ thị ở Ấn Độ. Chính vì vậy, Ấn Độ không thể thay thế vai trò của Trung Cộng mà chỉ chia sẻ một phần những gì mà các nhà đầu tư nước ngoài đang rút vốn khỏi tàu Cộng. Tư tưởng kỳ thị, nó là một cục chì nặng trĩu kéo chân bất kỳ dân tộc nào, nếu vướng vào đó. Ấn Độ dính hệ tư tưởng Hindu, đấy là một bất hạnh muôn đời./.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
https://zingnews.vn/phan-biet-dang-cap-o-an-do-nguoi-dalit-bi-danh-dap-lot-da-dau-post893212.html
https://www.thesaigontimes.vn/td/307387/lieu-an-do-co-thay-duoc-cong-xuong-the-gioi-trung-quoc-.html
https://www.statista.com/statistics/263766/total-population-of-india/
#kỳthị #ấnđộ #congxuongthegioi