Lynn Huỳnh – (VNTB) – Hiện tại, liệu Bộ Chính trị sẽ có văn bản nào ban hành để điều chỉnh chuyện ‘vừa ẵm em, vừa xay lúa’ ?
Ngày 5-6-2020, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 77-KL/TW về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước. Theo đó, “chuyển hóa cơ hội và thách thức thành các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy nhanh hơn quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế” (*).
Kết luận số 77-KL/TW ban hành với ý chung là yêu cầu “vừa chống dịch vừa thúc đẩy kinh tế”. Tuy nhiên với diễn biến từ tuần cuối tháng bảy đến nay, cho thấy gần như mọi chuyện không còn nằm trong tầm tính toán của Bộ Chính trị. Dịch bệnh Covid đã tái bùng phát lây nhiễm cộng đồng rất nhanh. Từ ổ dịch được cho là hình thành từ đầu tháng bảy tại Đà Nẵng, thì tính đến tối ngày 12-8, đã có ca mắc Covid mới cho thấy không mang yếu tố dịch tễ liên quan Đà Nẵng.
Cụ thể, chiều 12-8, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, phía đại diện thành phố Hà Nội cho biết trong ngày 11-8, Hà Nội phát hiện một ca mắc mới là người dân của tỉnh Hải Dương đến khám bệnh tại bệnh viện Thanh Nhàn đã có kết quả dương tính do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội xác định. Ca nhiễm mới là bệnh nhân 63 tuổi, địa chỉ tại xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương. Trong vòng một tháng, bệnh nhân không đi ra khỏi địa bàn Hải Dương. Theo điều tra ban đầu, bệnh nhân không có mối quan hệ liên hệ với vùng dịch Đà Nẵng, chưa rõ nguồn lây bệnh.
Một báo cáo công bố hồi tháng 6-2020, có nghĩa là thời gian chưa tái bùng phát ‘đợt 2’ của dịch Covid ở Việt Nam, cho thấy ảnh hưởng ‘đợt 1’ của dịch Covid đã đưa đến ‘di chứng’ là có khoảng nửa triệu lao động tại TP.HCM sẽ mất việc trong năm nay.
“Trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn TP.HCM đã có 327.952 lao động nghỉ việc. Tính đến ngày 24-6, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 90.041 người. Qua khảo sát nhanh của ngành chức năng cho thấy có 13.933 doanh nghiệp chịu ảnh hưởng, chiếm 85,4% trong tổng số hơn 16.300 doanh nghiệp được khảo sát. Sở đã báo cáo Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội và lãnh đạo TP.HCM về dự báo và phương án ứng phó từ nay đến cuối năm” – báo cáo của ông Lê Minh Tấn, giám đốc Sở Lao động, Thương binh – Xã hội TP.HCM, cho biết như vậy.
Cập nhật tình hình, ông Lê Minh Tấn dự báo tới tháng 9, sẽ có khoảng 120.000 lao động của khoảng 4.000 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM tiếp tục bị cắt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang tái bùng phát.
Trong một trao đổi với báo chí, ông Vũ Thành Tự Anh, Giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, cho rằng giờ đây Việt Nam không thể cùng lúc vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế.
Ông chỉa sẻ một vấn đề nhạy cảm với Việt Nam hiện tại: “Đầu năm tới Đại hội Đảng, tôi cho rằng Chính phủ đã đạt được thành tích kép là chống được dịch và giữ kinh tế không suy thoái. Không dễ gì để người dân cảm thấy tin tưởng, đồng thuận với những chính sách của Nhà nước như lần này. Chính phủ nên coi chống dịch thành công và ngăn chặn suy thoái là thành tích quan trọng nhất, chứ không nhất thiết phải cố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Để làm được cái điều không phải một tay ẵm em, một tay xay lúa, theo ông Vũ Thành Tự Anh, cho rằng, “mục tiêu năm nay đơn giản là tăng trưởng ở mức độ tối đa có thể trong điều kiện giữ ổn định và an toàn tốt nhất về y tế. Khi y tế – lĩnh vực quan trọng nhất – đã ổn rồi thì tăng trưởng kinh tế được bao nhiêu chúng ta chấp nhận bấy nhiêu. Đừng đưa ra bất kỳ một mục tiêu cụ thể nào, vì điều đó là vô nghĩa. Thế giới bây giờ cũng không nói được tăng trưởng sẽ là bao nhiêu”.
Vấn đề ở đây, là nếu làm theo tham vấn của ông Vũ Thành Tự Anh thì bảng báo cáo thành tích cho Đại hội Đảng lần thứ 13 sẽ kém sắc; và lẽ nào nhiệm kỳ của ông tổng bí thư đành đoạn khép lại trong thực cảnh đời sống kinh tế chung của cả nước lại quá thể ảm đạm?
_________________
Chú thích: