Loan Thảo – (VNTB) – Không ứa gan sao được khi mà những ông bà quan chức của đảng bộ TP.HCM, bất chấp việc dân chúng réo gọi ‘chửi cha’ suốt ngày này qua tháng nọ, song Đảng bộ TP.HCM nói rằng ‘hết thời hiệu’ rồi để tính chuyện kỷ luật.
Thật ra chuyện đưa ra mức xử lý “phê bình” đối với mấy ông quan đương chức như Tất Thành Cang, cũng giống như cách nói dân dã, ‘chỉ là gãi… ngứa’ mà thôi.
Nói như lời cáo buộc của luật sư Đặng Đình Mạnh, “dân oan Thủ Thiêm đã liên tục khiếu nại, tố cáo suốt 20 năm qua thì chẳng thể nào nói chính quyền không biết đến tội ác để mà xử lý, đến mức để quá thời hiệu? Vậy ai đã trì hoãn, tạo điều kiện cho Cang thoát thì cũng vẫn còn là dấu hỏi?”.
Ắt hẳn cả hai câu được đánh dấu hỏi ấy, cũng chỉ là một thể văn của hình thức tu từ. Ai cũng quá rõ câu trả lời một cách căn cơ nhất, ‘đúng Hiến pháp’ nhất được ghi rất rõ ràng như một hiển nhiên tại Điều 4, Hiến pháp 2013: “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” – “chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình” – “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Trước tiên, Bộ Chính trị và Đảng bộ TP.HCM cùng làm công việc ‘lãnh đạo thành phố’, nên việc sai phạm suốt hơn 20 năm qua tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, trách nhiệm mặc định không ai khác, chính là các vị tổng bí thư, bí thư tương ứng của nhiệm kỳ.
Tiếp theo, những vị tổng bí thư hồi hưu, và đương chức sẽ cùng với các bí thư Thành ủy TP.HCM tương ứng, chịu mọi trách nhiệm về các quyết định điều động nhân sự, dẫn tới chuyện các nhân sự này kết bè, kéo phái để phá nát dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm trong suốt hơn 20 năm qua; và cho đến nay bè phái này vẫn chưa được xử trí theo đúng quy định của kỷ cương phép nước.
Thứ ba, vì Hiến định nói rằng dù đó là ngài tổng bí thư quyền lực cao chót vót của Đảng, hay chỉ là ông đảng viên vốn là bộ đội phục viên, giờ đang lam lũ nghề vá xe nơi đầu đường, tất cả đều phải tuân thủ đúng pháp luật, không có một ‘kim bài miễn tử’ nào ở đây. Bởi đơn giản, “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài” như huấn dụ của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thế nhưng trên thực tế thì chẳng có điều nào ở trên được thực hiện. Quyền lực được Hiến định tại Điều 4, khi mang đến tai ương cho người dân, thì chẳng thể mang ra để phán xét. Cũng dễ hiểu, Tòa án Hiến pháp tại Việt Nam vẫn là câu chuyện ở thì tương lai, mặc dù từng được đặt ra nghiêm túc trong thời gian lấy ý kiến cho bản tu chính Hiến pháp từ phiên bản 1992 sang 2013.
Xin dẫn một ví dụ để thấy rõ những nguyên do khiến người dân Thủ Thiêm đang ứa gan:
“Về kết quả xem xét, thi hành kỷ luật đối với vụ việc tại Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM cho biết, thực hiện thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm liên quan quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo xem xét trách nhiệm của 66 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm.
Cụ thể, Ban Thường vụ Thành ủy có văn bản báo cáo, đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét theo thẩm quyền đối với một đồng chí.
Đối với 3 đồng chí Thành ủy viên nhiệm kỳ 2015 – 2020: Phan Thị Thắng, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TP, nguyên Giám đốc Sở Tài chính; Bùi Xuân Cường, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải; đồng chí Tất Thành Cang, Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Công trình Lịch sử TPHCM, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải có khuyết điểm, vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật, nhưng do đến nay đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật đảng nên Ban Chấp hành Đảng bộ TP thống nhất kết luận phê bình”.
(Trích “Kết quả xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên đối với vụ việc tại Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm và 8 đơn vị”, đăng trên trang tin điện tử Đảng bộ TP.HCM, ngày 7/8/2020).
Nói đến sai phạm trong quá trình triển khai khu đô thị Thủ Thiêm gắn liền với tên tuổi Tất Thành Cang – Bùi Xuân Cường – Phan Thị Thắng, không thể không nhắc đến dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao). 4 tuyến đường đó là: Đại lộ Vòng Cung (R1), đường ven hồ trung tâm (R2), đường ven sông Sài Gòn (R3) và đường Vùng châu thổ, đường Châu thổ, đường ven sông – khu dân cư (R4).
Tại thông cáo của kỳ họp thứ 31 từ ngày 12 – 14/11/2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố nội dung liên quan về việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Tất Thành Cang – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM.
Theo cơ quan kiểm tra trung ương, ngày 1/12/2014, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM ký kết hợp đồng BT xây 4 tuyến đường này. Tuy nhiên, trước đó một năm, tháng 11/2013, doanh nghiệp được chỉ định đã ký tắt hợp đồng BT với lãnh đạo TP.HCM và dự án đã được khởi công từ đầu năm 2014 để kịp tiến độ hoàn thành vào năm 2017. Bản hợp đồng tắt này được ông Tất Thành Cang (Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Uỷ viên UBND TP.HCM) đại diện UBND TP ký kết và được đóng dấu “mật”.
Hợp đồng này thể hiện, dự án 4 tuyến đường ‘xương sườn’ của khu đô thị Thủ Thiêm gồm: Đại lộ vòng cung (tuyến R1 dài 3,4 km); đường ven hồ trung tâm (tuyến R2 dài 3km); đường ven sông Sài Gòn (tuyến R3 dài 3km); đường vùng châu thổ, đường châu thổ, đường ven sông – khu dân cư (tuyến R4 dài 2,5 km). Ngoài ra còn có 10 cây cầu trong đó có 2 cầu cạn. 4 tuyến đường có tổng chiều dài gần 12km, chiều rộng từ 11,6m đến 55m với tổng mức đầu tư là hơn 8.265 tỷ đồng. Nếu tính cả chi phí dự phòng do trượt giá và lãi vay (3.917 tỷ đồng), tổng số vốn lên đến hơn 12.200 tỷ đồng.
Như vậy, trung bình mỗi km đường trong khu đô thị Thủ Thiêm có giá gần 700 tỷ đồng – gấp 4 lần suất đầu tư tuyến cao tốc Bắc – Nam đã được Quốc hội thông qua (gần 182 tỷ đồng/km) và hơn gấp 3 lần cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (khoảng 250 tỷ đồng/km).
Đổi lại, công ty ký hợp đồng này được giao 79ha đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (phường Thủ Thiêm và phường An Lợi Đông) để phát triển các dự án bất động sản. Giá giao đất tại thời điểm đó (năm 2013) chỉ được tính bình quân 26,7 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, việc ký kết trên không đúng thẩm quyền theo quy định tại Nghị định 108 năm 2009 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao, hợp đồng xây dựng – chuyển giao – kinh doanh, hợp đồng xây dựng – chuyển giao. Theo nội dung nghị định, UBND TP.HCM chỉ được phê duyệt tổng mức đầu tư các dự án BT có tổng mức đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng…
Và kết quả hiện tại thì sao? “Do đến nay đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật đảng nên Ban Chấp hành Đảng bộ TP thống nhất kết luận phê bình”.
Hỏi sao không thể ứa gan cho được?