Từ điển Chính tả tiếng Việt Nguyễn Văn Khang hướng dẫn viết “Xa trường”, “Khinh xa thục lộ”, “Kiêu xa” và khuyến cáo: không viết “Sa trường”, “Khinh sa thục lộ”, “Kiêu sa”.
Hậu quả, khẩu hiệu về chủ quyền biển đảo viết: “HOÀNG XA, TRƯỜNG XA LÀ CỦA VIỆT NAM”.
Riêng “Sa”, 沙, trong Hoàng Sa, Trường Sa, gốc Hán là cát. Còn “Xa”, có hai nghĩa chính: 1) gốc Hán là xe, 2) thuần Việt là khoảng cách dài, lớn. “Xa” khác nghĩa với “Sa” cho nên không có “lưỡng khả” nào ở đây. Sự thật không thể ngụy biện “lưỡng khả” nào trong cái từ điển đó, vì cũng như rất nhiều trường hợp biến sai thành đúng và đúng thành sai khác, ông Khang đề xuất thẳng thừng: “không viết” Sa, mà phải viết “đúng” là Xa. Có nghĩa là nhân danh một giáo sư, tiến sĩ ngôn ngữ học được bảo đảm bởi Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, ông Khang muốn người Việt không được viết đúng tên hai quần đảo mà nhà cầm quyền Trung Quốc tuyên bố là của họ?
GS.TS. Nguyễn Văn Khang từng tu nghiệp tiếng Trung tại Trung Quốc, lẽ nào ông không biết từ “Sa” gốc Hán nên lẫn lộn “Sa” với “Xa” như phát âm của người ngọng? Rõ ràng, cũng như nhiều trường hợp áp đặt khác, ông Khang đòi “không viết” “Sa” mà phải viết “Xa” là có chủ đích chứ không tùy tiện hay nhầm lẫn như nhiều nghĩ. Một người viết sai sẽ kéo theo hằng trăm, rồi hàng triệu người viết sai và biến sai thành đúng, tức “sức mạnh” của một cách viết ông gọi là “biến thể tiêu chuẩn” “gây ảnh hưởng đến ngôn ngữ toàn dân” như ông Khang lý luận trong sách “Ngôn ngữ học xã hội” mà ông dạy cho nghiên cứu sinh và cao học toàn quốc. Dễ hình dung đến một ngày kia, từ vấn đề ngôn ngữ, tâm thức người Việt sẽ không còn Hoàng Sa, Trường Sa nữa mà chỉ còn Hoàng Xa, Trường Xa xa vời, không có thật!
Cái khẩu hiệu tuyên bố “HOÀNG XA, TRƯỜNG XA LÀ CỦA VIỆT NAM” (còn “HOÀNG SA, TRƯỜNG SA LÀ CỦA TRUNG QUỐC”?), không biết nhà cầm quyền Trung Quốc khi nhìn thấy có hoan hỉ về sản phẩm mà họ đã giúp nghiên cứu sinh Việt Nam tu nghiệp không?
Chu Mộng Long