Thuế chống bán phá giá và sự chậm chạp của chính quyền cs

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà|

Thuế chống bán phá giá là khoản thuế bổ sung bên cạnh thuế nhập khẩu thông thường, do cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu ban hành, đánh vào sản phẩm nước ngoài đang phá giá tại nước nhập khẩu. Đây là loại thuế mà nước nhập khẩu dùng làm công cụ bảo vệ nền sản xuất trong nước.

Nước Mỹ giàu có, với nền sản xuất hiện đại mà họ vẫn còn dùng thuế chống bán phá giá đánh vào hàng hóa Việt Nam và những nước nghèo khác để bảo vệ nền sản xuất của họ, thì tại sao Việt Nam không dùng loại thuế này để đánh vào hàng hóa Trung Cộng xâm nhập vào Việt Nam và đang ngày càng giết chết các hệ sinh thái sản xuất mặt hàng cùng loại của Việt Nam?

Đã từ nhiều năm nay, Việt Nam bị Mỹ áp thuế bán phá giá lên nhiều mặt hàng. Mà dường như chúng ta thấy chính phủ CS Việt Nam không nhìn ra công dụng của loại thuế này?! Tuy ngày 29 tháng 4 năm 2004, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội có ban hành Pháp Lệnh 20/2004/PL-UBTVQH11 về việc chống bán phá giá, nhưng cho đến nay nó vẫn chưa được nâng lên thành luật. Như ta biết, Việt Nam đã bơi ra thế giới hơn 30 năm mà chúng ta chẳng thấy chính quyền CS Việt Nam áp loại thuế này lên hàng hóa Trung Cộng để bảo vệ nền sản xuất trong nước. Và cho đến hôm nay, hậu quả của nó là quá nặng nề, không thể cứu vãn được nữa.

- Quảng Cáo -

Ngày 29 tháng 7 năm 2020, trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn có bài viết “Rà soát lại việc chống bán phá giá nhôm từ Trung Quốc” đã cho biết Bộ Công Thương đang rà soát để áp biện pháp chống bán phá giá với nhôm nhập khẩu từ Trung Cộng. Việc làm này cần thiết, nhưng rõ ràng là quá muộn. Lẽ ra chính quyền CS đã làm việc này từ lâu và thường xuyên với nhiều mặt hàng khác của Trung Cộng chứ không phải để Trung Cộng đánh chết nền sản xuất trong nước rồi mới bắt đầu áp dụng loại thuế này. Mất bò mới lo làm chuồng.

Được biết, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 116,866 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam là 41,414 tỷ USD và nhập khẩu tới 75,452 tỷ USD. Thâm hụt thương mại đến 38,4 tỷ USD. Bản chất của sự thâm hụt thương mại này là gì? Đó là bởi Trung Cộng là thị trường nguyên liệu cho nền sản xuất gia công của Việt Nam. Chính vì thế, nhập khẩu từ Tàu đến 75,472 tỷ USD là vậy. Chính vì nhập khẩu nguyên liệu chiếm tỷ trọng rất lớn trong buôn bán hai chiều nên chính quyền CS Việt Nam không thể nào dám bóp giá trị nhập khẩu lại để giảm thâm hụt mậu dịch với Tàu được. Và đó là lý do tại sao cứ sau mỗi năm, thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Tàu Cộng mỗi tăng.

Như ta biết, hàng hóa Trung Cộng nhập về Việt Nam chiếm phần lớn là loại hàng hóa mà Việt Nam không có. Vì nó là nguyên liệu mà?! Mà nguyên liệu nó như là thức ăn nước uống cho nền kinh tế, nếu không có nó nền kinh tế rơi vào tình trạng không chết đói thì cũng chết khát. Chính vì vậy mà nền kinh tế Việt Nam rất cần hàng Tàu để tồn tại, thế nhưng ngược lại, nền kinh tế Tàu không có hàng Việt Nam nó vẫn chẳng sao. Thế mới thấy, nền kinh tế Việt Nam đã bị Tàu Cộng kiểm soát chặt chẽ như thế nào?! Nó cho sống là sống, nó cho chết là chết. Để nền kinh tế đất nước lâm vào thế kẹt như thế này cũng bởi tầm nhìn ngắn của các lãnh đạo CS mà ra.

Suốt hơn 30 năm hội nhập mà không dùng thuế chống bán phá giá để chặn hàng rẻ từ Trung Cộng, thì những ngành sản xuất nguyên liệu trong nước bị đánh chết là điều dễ hiểu. Để Tàu thọc tay vào bóp chết các nhà sản xuất suốt hơn 30 năm thì doanh nghiệp nào còn? Hầu hết là họ đều bị đánh chết từ trong trứng nước. Và tất nhiên, những mắc xích đầu trong chuỗi cung ứng cho nền kinh tế Việt Nam bị Trung Cộng nắm gọn trong tay. Vậy là nền kinh tế Việt Nam như bị hỏng chân. Đó là một trong những lý do mà chính quyền CS chiều lòng Bắc Kinh.

Có người cho rằng, Trung Cộng còn nắm luôn thị trường nguyên liệu của các cường quốc kinh tế lớn chứ nói chi Việt Nam? Vâng! Đúng là bề ngoài như vậy, nhưng về bản chất bên trong không giống như hoàn cảnh Việt Nam. Vì sao? Vì những nhà cung cấp nguyên liệu, thiết bị cho nền kinh tế lớn như Mỹ, Đức, Nhật, Hàn từ Trung Quốc là do những doanh nghiệp của các quốc gia này đầu tư vào Trung Cộng dưới dạng FDI làm nên, chứ không phải hoàn toàn do doanh nghiệp Trung Cộng cung cấp. Chỉ cần những nước này di dời những doanh nghiệp của họ ra khỏi lãnh thổ Trung Cộng thì Trung Cộng không còn đóng vai trò lớn trong việc cấp nguyên liệu cho nước họ nữa. Còn Việt Nam thì sao? Những nhà cung cấp nguyên liệu cho Việt Nam là các doanh nghiệp Tàu chính hiệu chứ không phải do doanh nghiệp Việt Nam có cơ sở bên Tàu cung cấp.

Trong quá trình phát triển, bất kỳ quốc gia có tăng trưởng cao nào cũng điều tiền gần đến ngưỡng “bẫy thu nhập trung bình”. Tới đó, vì những thuận lợi khai thác nhân công giá rẻ không còn thì các FDI rút. Nếu quốc gia nào tự trụ vững được thì nền kinh tế không bị giật lùi, còn nếu nền kinh tế nào bị hỏng chân thì nó sẽ rơi vào khủng hoảng lâu dài. Với nền kinh tế mà để thị trường nguyên liệu rơi vào tay Tàu Cộng thì dễ sụp lắm, nếu quan thầy muốn. Đừng có mơ mộng đuổi kịp ai, mà hãy làm tốt những gì cần thiết cho nền kinh tế đất nước vững vàng đã. Nhưng dường như, yêu cầu này cũng quá tầm với ĐCS./.

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://www.thesaigontimes.vn/306532/ra-soat-lai-viec-chong-ban-pha-gia-nhom-tu-trung-quoc.html

https://vov.vn/kinh-te/kim-ngach-xuat-nhap-khau-viet-nam-trung-quoc-dat-gan-117-ty-usd-1000521.vov

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here