Hôm 25/7, Việt Nam phát hiện 1 ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng mới, không xác định được nguồn nhiễm, bệnh nhân số 416. Điều đặc, biệt là bệnh nhân này được trãi qua 5 lần xét nghiệm bằng phương pháp “phát hiện vật liệu di truyền của virus” hay gọi là RT-PCR.
– Ngày 23/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng đã làm 2 xét nghiệm với bệnh nhân này, kết quả đều dương tính.
– Sáng ngày 24/7, Viện Pasteur Nha Trang cũng đã làm 1 xét nghiệm, kết quả cũng dương tính với SARS-CoV-2.
– Trưa 24/7, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm lần 4, kết quả ban đầu chưa rõ ràng và đã thực hiện xét nghiệm lần 5 chuyên sâu, có kết quả khẳng định dương tính với SARS-COV-2 vào sáng 25/7/2020.
Chúng ta đã từng biết nhiều trường hợp âm tính phải xét nghiệm nhiều lần thì mới thấy dương tính, hay gọi cách khác là “âm tính giả” (Có nhưng không thấy). Câu hỏi mấy hôm nay mình có thấy đó là: Vậy có phổ biến hay không trường hợp dương tính nhiều lần rồi cuối cùng ra kết quả âm tính, hay nói cách khác là “dương tính giả” (Không có nhưng thấy)?
Các hiện tượng âm tính giả xảy ra thường xuyên mà chúng ta thấy thường là do nguyên nhân trong mẫu lấy từ người bệnh không có, hoặc không có đủ virus để thấy được tín hiệu từ xét nghiệm. Nguyên nhân này nhìn chung là khó khắc phục vì loại virus này nhiễm chủ yếu ở vùng dưới của hệ hô hấp (lower respiratory system) nên việc lấy mẫu phải được thực hiện tốt và chuyên nghiệp thì mới giảm được hiện tượng kết quả “âm tính giả”. Hiện nay, việc lấy mẫu xét nghiệm ở vùng hầu họng (nasopharyngeal) vẫn được khuyến cáo sử dụng nhiều nhất vì khi nhiễm, virus tập trung nhiều ở vùng này. Ngoài ra, trong một số trường hợp lấy mẫu trong giai đoạn số lượng virus không nhiều do trong giai đoạn quá sớm chưa có triệu chứng hoặc giai đoạn quá trễ khi người bệnh đã dần phục hồi nên thỉnh thoảng việc âm tính giả vẫn có thể xảy ra và nếu nghi ngờ thì việc lấy mẫu lại vẫn thường được thực hiện để xác nhận chắc chắn.
Khác với hiện tượng âm tính giả thường gặp ở trên, hiện tượng dương tính giả ít khi được nhắc đến khi sử dụng kỹ thuật này để phát hiện virus nCoV (SARS-CoV-2). Để hiểu được điều này chúng ta nên biết kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR hiện nay mà các nơi đang sử dụng để chẩn đoán nhiễm virus nCoV là dựa trên trình tự đoạn gene (vật liệu di truyền) của virus, các đặc điểm nhận dạng được chọn ra để làm sao “chỉ có loài virus này có”. Do vậy, “tính đặc hiệu” (specificity) của phương pháp này rất cao. Nói cách khác, việc “nhận dạng sai” để tạo ra kết quả dương tính giả trong việc chẩn đoán nhiễm virus nCoV của phương pháp này là cực kỳ thấp. Do vậy, ở nhiều nơi trên thế giới việc test kết quả dương tính ít khi nào phải test lại thêm 1 lần nữa, trừ những trường hợp tín hiệu dương tính quá yếu, không rõ ràng, hoặc các mẫu đối chứng âm, dương trong quá trình xét nghiệm có trục trặc, không thể dùng để so sánh được. Do vậy, có thể nói khi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng có kết quả dương tính rõ ràng trong lần xét nghiệm đầu tiên rồi thì 99.9% người bệnh này đã có virus trong người, do tỉ lệ dương tính giả đối với test này là “rất hiếm”. Việc test 5 lần để khẳng định dương tính có lẽ là việc làm “quá cẩn thận” của các cơ quan chức năng và trong bối cảnh số lượng người nhiễm không nhiều, hóa chất thiết bị đang dư dả. Mình nghĩ trong tương lai việc công bố kết quả dương tính nên được xác nhận nhanh hơn bằng cách giảm thiểu thời gian “tái xác nhận” ở nhiều nơi như trên, để công tác ứng phó sau đó được thực hiện sớm hơn.
Sau bệnh nhân này thì hôm nay Đà Nẵng lại phát hiện một bệnh nhân khác nhiễm nCoV trong cộng đồng, nguồn lây nhiễm vẫn chưa xác định được. Do vậy, số người nhiễm trong cộng đồng hiện nay vẫn chưa có thể dự đoán được! Hy vọng, các biện pháp phòng chống lây nhiễm đang được thực hiện khẩn trương ở Đà Nẵng bắt đầu từ hôm nay sẽ giúp kiểm soát được tình hình. Mong mọi người nâng cao cảnh giác trong thời gian này, rửa tay thường xuyên, ra ngoài đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với người khác và hạn chế ra/vào Đà Nẵng trong thời gian này.
Bảo trọng nhe bà con,
Một số bài viết liên quan trước đó:
Ngày 21 tháng 4 năm 2020 (Những mặt trận VIRUS nCoV tấn công)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3394739240540423
Ngày 28 tháng 3 năm 2020 (Xét nghiệm chẩn đoán nCoV – Ý nghĩa của test máu)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3334790836535264
Ngày 3 tháng 3 năm 2020 (Khẩu trang có tác dụng bảo vệ bạn giảm nguy cơ mắc bệnh trong mùa dịch bệnh đường hô hấp do virus nCoV hay không?)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3272479019433113
Ngày 29 tháng 2 năm 2020 (Lây nhiễm cộng đồng)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3267978213216527
Ngày 2 tháng 2 năm 2020 (Video clip – Phát hiện người nhiễm Virus corona 2019-nCoV)
https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/3206772559337093
Thông tin và tài liệu tham khảo:
https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/downloads/Factsheet-for-Patients-2019-nCoV.pdf
https://www.aruplab.com/news/4-21-2020/How-Accurate-Are-COVID-19-Tests
TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím