Không biết từ bao chừ, ở trên báo nhà nước, cứ cái gì “lạ” là nó cho thấy sự hèn hạ của rất nhiều tập thể.
Tôi cũng không biết tự bao giờ mà những hạn từ “nước lạ” hay “tầu lạ” lại xuất hiện tràn lan, trên mặt báo, khắp đất nước mình:
Người “nước lạ” chạy xuồng ra vào vùng biển Vạn Gia
Nhiều người “nước lạ” lập công ty bình phong tại VN để sản xuất ma tuý
Tàu lạ đâm chìm tàu cá ngư dân, một người mất tích
Một ngư dân Kiên Giang bị tàu lạ bắn chết trên biển
Ngư dân Việt bị tàu lạ bắn chết ở Trường Sa
Tàu cá Quảng Ngãi bị tàu lạ đâm chìm trên biển
Bị “tàu lạ” đâm chìm, 6 thuyền viên thoát chết
Cuối cùng, sau khi thu hết can đảm, Petro Times (tạp chí của Hội Dầu Khí Việt Nam) cũng đã bật ra được một tiểng “rên” khe khẽ:
“Đau đớn là kẻ xấu thì luôn đứng trong bóng tối, lởn vởn ngoài đại dương mênh mông và cho đến nay, chúng ta vẫn chưa thể vạch mặt, chỉ tên mà chỉ có thể gọi là ‘tàu lạ’, ‘người lạ’. Nhưng trong tâm thức người dân Việt Nam, hẳn, ai cũng có thể hiểu: Vâng, tàu lạ, người lạ, nhưng thủ đoạn hèn hạ thì đã có từ lâu lắm rồi!”
Điều đau đớn hơn nữa là “kẻ xấu” không chỉ xuất hiện “trong bóng tối,” hay “lởn vởn ngoài đại dương mênh mông” mà còn nhan nhản giữa ban ngày (trong mọi ngõ ngách ở đất nước mình) cùng với những “thủ đoạn hèn hạ” tương tự – theo như ghi nhận của nhà báo Du Uyên:
“Khi những người dân không chịu ‘nghe lời’, cam chịu sự vòi tiền của cảnh sát giao thông, họ sẽ đánh, dọa nạt những người dân ‘giùm’ cảnh sát giao thông. Khi bị tố cáo, không cảnh sát nào quen biết họ cả.
Khi những người tài xế chống BOT bẩn, họ đe dọa, chặn đường đánh các tài xế, không ông BOT nào nói quen biết họ. Họ là ‘những kẻ lạ mặt’ trên mặt báo.
Khi những nhà báo viết về các vấn đề tiêu cực có thật trong xã hội, họ tạt sơn, mắm tôm, treo đầu chó chết trước nhà các nhà báo này, không ông tiêu cực nào nói quen biết họ…
Khi có người tố cáo ông quan A tham nhũng, ông quan B trắc nết, bà quan C sai phạm… Họ gọi điện khủng bố cả gia đình, dòng họ nhà người ta.
Khi người ta ‘phản động’ họ nhào vào nhà đấm đá túi bụi và cho đây là một việc ‘thế thiên hành đạo. Và không ông quan A/B/C hay ‘thiên’ nào chịu nhận nhờ họ ‘hành đạo’ giùm cả…”
Du Uyên có quá lời không? Hổng dám quá đâu. Báo chí đăng tin hà rầm đây nè:
Báo Tuổi Trẻ: “Xuất hiện người lạ hăm dọa tài xế ở trạm thu phí BOT”
Báo Tiền Phong: “Người dân tố bị người lạ hành hung khi làm việc với CSGT Hàng Xanh”
Báo Sài Gòn Giải Phóng: “Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam bị người lạ hành hung trước nhà”
Báo An Ninh Thế Giới: “Người lạ mặt hành hung người dân ghi hình tại chốt CSGT.”
Té ra có hai thứ “người lạ” lận nha: tụi ngoài biển cả mênh mông là dân Nước Lạ, đã đành; đám ở trong phố phường chật hẹp thì toàn là dân bản xứ. Cả hai đều hành động theo cùng một phương châm: “lấy thịt đè người” – dù thuộc hai thực thể khác nhau: Côn Đồ Quốc Gia & Côn Đồ Quốc Tế.
Hành động côn đồ tuy rất thiếu văn minh và vô văn hóa nhưng (thường) … hiệu quả ở cả bình diện quốc tế, lẫn quốc gia. Chính vì thế nên bọn Côn Đồ Quốc Tế đã được Nước Lạ đoàn ngũ hoá và chính thức thừa nhận, theo bản tin của Reuter:
“Ngư Dân Tự Vệ – hay còn gọi là Dân Quân Biển – được Bắc Kinh huấn luyện như lực lượng quân đội bán chuyên nghiệp mà nhiều người gọi đó là lực lượng vũ trang trá hình của Trung Quốc. Bên cạnh cung cấp tàu lớn, thiết bị và nhiên liệu cho các ngư dân đánh bắt trên những vùng biển tranh chấp, chủ yếu ở Biển Đông, quân đội Trung Quốc còn huấn luyện họ đối phó với những vụ tấn công hoặc vây bắt của lực lượng cảnh sát biển nước khác.”
Tương tự, Côn Đồ Quốc Gia cũng được nhà nước ta tổ chức thành đội ngũ (đàng hoàng) như tin loan của báo Thanh Niên, số ra ngày 7 tháng 7 năm 2020: “Bộ Công An sẽ tổ chức gần 750.000 dân phòng, công an bán chuyên trách thành lực lượng mới có tên là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự.”
Trang mạng Luật Sư Việt Nam còn cho biết thêm nhiều chi tiết:
“Bộ Công an đề xuất gộp chung 73.000 bảo vệ tổ dân phố, 550.000 dân phòng và trên 126.000 công an xã, thị trấn không chính quy thành ‘lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở’… Về lực lượng bảo vệ dân phố: Đã thành lập được 1.882 ban bảo vệ dân phố, 15.656 tổ bảo vệ dân phố, với tổng số là 72.456 thành viên. Về lực lượng dân phòng: Đã thành lập được 42.476 đội dân phòng với trên 543.095 đội viên. Về lực lượng Công an xã: Toàn quốc có 126.084 Công an xã, thị trấn không phải là Công an chính quy đã kết thúc vụ Công an xã và tiếp tục tham bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã.”
Thế là từ nay người lạ, quần chúng tự phát, bảo vệ dân phố, dân phòng hoặc công an không phải thay đổi “xiêm y” khi cần (trình diễn vũ lực) như trước nữa. Căn cứ vào tài liệu và ước lượng của G.S Carl Thayer, chuyên viên về các vấn đề Việt Nam và Á Châu (Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc) nhật báo Người Việt “tính gọn” là cứ 15 người dân thì có một công an … phục vụ! Tuy thế, trộm cướp vẫn như rươi. Hở ra là mất tức thì, bất cứ cái gì, kể cả đôi dép hay cái ấm nấu nước.
Dư Luận phản ứng ra sao?
Nguyễn Quang A: “Theo tôi, hoàn toàn không cần lực lượng này và nên giải thể chúng chứ không phải nâng cấp như ý định của Bộ Công an… Tôi nghĩ có lẽ họ muốn siết chặt bộ máy kiểm soát toàn dân, bộ máy đàn áp nhân danh ‘AN NINH’ vì an ninh luôn được họ diễn giải một cách tù mù để đàn áp những người có ý kiến không giống họ. Có lẽ họ học Trung Quốc để tăng cường kiểm soát nhân dân và đàn áp bất đồng chính kiến, đi ngược lại sự tiến bộ của đất nước, có lẽ họ đang sợ vụ Đồng Tâm và muốn siết chặt hơn sự kìm kẹp.”
Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh: “Về hình thức, nó như thể ‘đánh bùn sang ao!”
Nguyễn Đình Văn: “Côn đồ được ‘chính quy hoá” bởi côn an.”
Sau khi bọn Côn Đổ Quốc Tế được đoàn ngũ hoá thành “Ngư Dân Tự Vệ” hay “Dân Quân Biển” thì đám Côn Đồ Quốc Gia cũng được “nâng cấp” (và trở thành “lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự đường phố”) là tiến trình hợp lý.
Thế mới biết giữa Nước Ta và Nước Lạ ngoài tình đồng văn (văn hoá búa liềm) còn có tình đồng chí (chí hướng của những kẻ vô sản) vì cả hai đều nhắm đến cùng một mục tiêu: đám ngư dân, hay lương dân tay không tất sắt, ngoài biển khơi hoặc ở đất liền. Thế mới biết chả phải là vô cớ mà ngay từ giữa thế kỷ trước, thi bá Tố Hữu đã hạ mấy câu thơ (vẫn) sống mãi với thời gian: Bên kia biên giới là nhà/ Bên ni biên giới cũng là quê hương!