Mai Lan – (VNTB) – Trong các bài báo gần đây có dẫn chứng về các phát ngôn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho thấy dường như người đứng đầu Chính phủ đã bất lực trong việc điều hành.
Ông Nguyễn Xuân Phúc đã có những phát biểu thể khẳng định mà chỉ cần học trò trung học thôi, cũng hiểu là ông đang đổ trút hết trách nhiệm cho cấp dưới.
Bài báo “Thủ tướng: Giải ngân đầu tư công ì ạch là do bệnh quan liêu” trên báo điện tử VTC News ngày 16-7-2020, viết (1): Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phải giải quyết cho được “3 cái đọng” (2), “không để tình trạng biết rồi nói mãi, cứ để năm này sang năm khác như thế”. “Anh không làm thì phải có biện pháp với anh, chứ không làm, biết đó mà không xử lý là làm sao?”.
Trên báo Thanh Niên ngày 18-7-2020 có bài “Thủ tướng: Địa phương nào cần tiền để phát triển, Chính phủ mang tiền đến” (3), có đoạn: “Địa phương nào không tiêu hết tiền, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều động hay địa phương nào cần tiền để phát triển, Chính phủ mang tiền đến”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngay vào đầu tháng 8-2020 trình Thủ tướng việc “điều động vốn từ nơi không tiêu hết sang những địa phương đang cần tiền để xử lý những công trình, hạ tầng…”.
“Thủ tướng làm việc với TP.HCM để gỡ vướng trong giải ngân đầu tư công” là tựa bài viết trên báo điện tử Chính phủ (3). Cùng nội dung thời sự diễn ra vào chiều ngày 20-7-2020, trên báo Tuổi Trẻ có bài “TP.HCM kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ nhiều công trình giao thông trọng điểm” (4).
Bài báo Tuổi Trẻ tường thuật rằng lãnh đạo TP.HCM nhắc lại với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng trước đó đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải tập trung đẩy nhanh các thủ tục, tiến độ đầu tư sớm hoàn thành tuyến vành đai 3 trong giai đoạn 2020 – 2025. Và giờ trong buổi làm việc này với Thủ tướng, phần lớn chỉ là nhắc lại các ý kiến mà lãnh đạo TP.HCM đã có văn bản tường trình ‘giấy trắng mực đen’.
Bài viết trên báo Tuổi Trẻ và báo Người Lao Động (5) cùng về nội dung ở buổi làm việc nói trên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đều cho thấy chưa có một quyết định cụ thể nào được ‘chốt’ từ người đứng đầu Chính phủ về ý kiến của lãnh đạo TP.HCM.
Các ghi nhận trên báo chí như những viện dẫn ở trên, cho thấy điều gì về trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ?
Câu trả lời ở đây là dường như vị trí Thủ tướng Chính phủ, trong một số trường hợp, vẫn dừng lại cho một cơ cấu ghế của nội các do Bộ Chính trị đặt để. Theo tường thuật của báo Thanh Niên (6): “Đánh giá có những việc chậm trong giải ngân đầu tư công, và trước tình hình khó khăn về tăng trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành lắng nghe và tập trung phối hợp giải quyết các kiến nghị của TP.HCM, nhằm tránh cho các dự án bị tắc, chậm, trì trệ…
Nhấn mạnh yêu cầu không để thất thoát, tham ô, tiêu cực, lãng phí, nhưng với những dự án BT, BOT… có liên quan đến thanh toán bằng quỹ đất…, Thủ tướng cho rằng cần xem xét, nghiên cứu mở cơ chế cho TP.HCM để kinh tế TP tăng trưởng vượt lên, nhất là các ngành mũi nhọn của TP vào giai đoạn cuối năm cũng như các năm tiếp theo”.
Có ý kiến ví von vầy khi nhắc lại câu chuyện lúc mô tả tình hình kinh tế thế giới 2019, World Bank có nói một cách hình ảnh mà sau đó có lẽ vì đắc ý, nên Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có viện dẫn lại khiến nhiều người ngộ nhận đây là phát biểu đầy phấn khích của người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam: “Mây đen phủ bóng toàn cầu nhưng mặt trời tỏa nắng ở Việt Nam”. Từ mẫu câu giàu hình ảnh biểu tượng ấy, khi đi vào tình tiết thì tin rằng cả World Bank lẫn dàn trợ lý của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đều thấy đúng là mặt trời tỏa nắng, nhưng không đồng đều, loang lổ. Bức tranh tăng trưởng kinh tế các tỉnh thành có chỗ sáng chỗ tối đầy cách biệt, mà TP.HCM là ví dụ dễ thấy nhất cho tỏa nắng quanh năm.
Lỗi ở đây cho việc bức tranh tăng trưởng kinh tế lốm đốm sáng – tối ấy, nếu nói theo Luật Tổ chức Chính phủ – phiên bản sửa đổi 2019 (6), thì tất cả đều quy về Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
Trích “Điều 28. Nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ:
1. Lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật; phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí:
a) Lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
b) Lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các văn bản pháp luật và các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và các dự án khác thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
c) Chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giữa các thành viên Chính phủ; quyết định các vấn đề khi còn có ý kiến khác nhau giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ;
d) Lãnh đạo việc thực hiện công tác phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động của bộ máy nhà nước và các hoạt động kinh tế – xã hội;
đ) Lãnh đạo, chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các quy định của pháp luật và các chương trình, kế hoạch, chiến lược của Chính phủ trên các lĩnh vực quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh;
e) Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện Hiến pháp và pháp luật trong phạm vi toàn quốc.
2. Lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, liên tục của nền hành chính quốc gia” (…)
Rất tiếc, ở Việt Nam hiện tại những quan chức đứng đầu Đảng, Quốc hội và Chính phủ vẫn thuộc nhóm quyền lực bất khả xâm phạm.
Chú thích:
(1) https://vtc.vn/thu-tuong-giai-ngan-dau-tu-cong-i-ach-la-do-benh-quan-lieu-ar557999.html
(2) Thứ nhất là vốn đọng, không được để vốn đọng, có tiền đó mà không tiêu được. Thứ hai là không để nợ đọng, tức là hạn mục thi công xong, đã hoàn thành nhưng không quyết toán, “cứ ngâm đó mãi”. Thứ ba là thủ tục đọng, một vấn đề phổ biến hiện nay.
(6) http://vbpl.vn/tw/Pages/vbpq-van-ban-goc.aspx?dvid=13&ItemID=139878