Trúc Ngọc – (VNTB) – Không ít ý kiến của ‘quan trên’ lâu nay vẫn coi xe gắn máy hai bánh là nguyên nhân của tắc đường, kẹt xe nơi phố thị. Do đó cần tìm mọi cách để hạn chế.
Nói về vấn đề này, có một điều tôi suy nghĩ rằng, tại sao lại có nhiều ý kiến cũng như nhiều bài viết liên quan đến việc ủng hộ việc cấm xe máy ở Việt Nam thế nhỉ? Đồng ý thường ở các bài viết này hay có câu rào trước là: “Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm với…”, song lại có rất ít bài ủng hộ việc cần lắm việc giữ lại những chiếc xe máy ở Việt Nam. Vậy thì thắc mắc một điều, cuối cùng ý kiến của mấy anh đăng bài viết là ủng hộ hay không ủng hộ?
Có ý kiến cho rằng: “cấm xe máy thì xe buýt sẽ phát triển”. Điều đó có thật sự đúng và đã được kiểm chứng hay chỉ là suy đoán? Dựa vào đâu mà khi cấm xe máy sẽ có thể thúc đẩy sự phát triển của xe bus khi đường sá không được cải thiện? Và khi với nhu cầu sinh hoạt, đi lại của người dân không phải lúc nào xe bus cũng có thể đáp ứng.
Lấy một ví dụ như đơn giản mà thực tế đã có, nhà ai có người bệnh đang lên cơn nguy kịch, cần đi cấp cứu gấp. Gọi taxi kêu chở người bệnh đi cấp cứu thì tổng đài báo nhận được yêu cầu nhưng chẳng có xe nào tới. Và éo le hơn nữa, trường hợp đó lại xảy ra trong khoảng thời gian 23 giờ đêm, thì liệu sẽ có chuyến xe bus nào còn chạy? Người bị bệnh sẽ có thể đứng chờ ở trạm xe bus?
Sẽ có ý kiến sao anh không gọi cho cấp cứu? Không sai, xe cấp cứu sẽ tới nhanh, nhưng với người bệnh hấp hối thì “thời gian là vàng bạc”, thêm vào sẽ là tâm lý bối rối của nhiều người, khi đó, xe gắn máy chẳng phải là phương tiện đưa người bệnh đến bệnh viện nhanh nhất hay sao?
Cũng có người biết rằng các nguyên nhân mà xe bus ở Việt Nam chưa thể phát triển là do đường sá, văn hóa phục vụ chưa được tốt, không hoạt động 24/24… hay do người dân hiện tại chưa có tiền mua xe máy nên đi xe bus đỡ….Những nguyên nhân đó không sai nhưng chờ mãi không thấy người cho ý kiến đưa ra phương pháp nào hữu hiệu cho việc giải quyết những vấn đề nói trên mà cứ khăng khăng là phải cấm xe máy. Há chăng, đó có phải là duy ý chí?
Chiếc xe máy được nhiều người sử dụng không đơn thuần chỉ là giá rẻ, mà nó còn hiệu quả trong nhiều thứ. Từ việc đi lại cho đến mưu sinh. Những tuyến đường nhỏ, rồi dày đặc những con hẻm như quận Bình Thạnh của Sài Gòn, thì việc một chiếc xe bus đi vào quả thật là không tưởng.
Với những người lao động lớn tuổi, chiếc xe máy còn là phương tiện giúp họ mưu sinh, nuôi gia đình. “Tui lớn tuổi rồi, sức khỏe không được tốt, nhà không con cái, bà xã lại bị bệnh, không chạy xe ôm thì biết làm gì bây giờ?”, ông Chiến, một người chạy xe ôm bộc bạch.
Chiếc xe máy còn là một cái nghề đối với những người ở ven đường. Có người ý kiến, nếu hạn chế hoặc cấm hẳn xe máy thì “đinh tặc” sẽ… “hết đất dụng võ”. Có đúng như vậy không, hay nếu làm như vậy đồng nghĩa với việc đập chén cơm của biết bao nhiêu bác vá xe, sửa xe? Rồi vô vàn những trường hợp khác như giao hàng, chở nước đá, buôn bán, lượm ve chai…
Một ý kiến nữa cho rằng: “tất cả mọi người phải hy sinh quyền lợi cá nhân”.
Tôi không được thông minh cho lắm, xe máy thì liên quan gì đến quyền lợi cá nhân? Với tôi, xe máy nó là ‘cần câu cơm’ của nhiều người, là nguồn sống của nhiều người. Hy sinh nó có thể sẽ đồng nghĩa với từ… đói. Vậy khi đó, người nghèo sẽ như thế nào? Chính quyền Việt Nam sẽ như chính quyền nước ngoài, có khu cho vô gia cư ở? Chính quyển sẽ có thể chu cấp đầy đủ (đủ ăn, đủ mặc, con cái được đi học đầy đủ…) cho người dân?
Nếu nó thật sự là quyền lợi cá nhân, tại sao người dân bị buộc: “phải hy sinh”? Một lời góp ý nghe có vẻ hơi bị “bá đạo” nhỉ!
Cuối cùng, nhiều người thường nói, chỉ có kẻ dở không giải quyết được vấn đề mới ban hành quyết định cấm này cấm nọ. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ rằng, với trình độ được đi du học bên Tây, bên Tàu, tôi tin rằng các “anh lớn, ông to” sẽ không cấm xe máy mà sẽ có biện pháp nào đó giải quyết ổn thỏa đôi đường. Bởi nếu cấm xe máy, không chỉ đơn thuần là “có thể phát triển xe bus” như ý kiến nói trên mà nó còn mang tính chất phi nhân đạo, dồn người mưu sinh nghèo khó vào thế đã cực nay còn khổ hơn.