Cũng giống như cách tính giá điện bậc thang, ĐCS cũng dùng cách này để vơ vét tiền thuế địa phương giàu về Trung ương một cách bất hợp lí và vô cùng bất công. Chính nó làm cho đất nước mất rất nhiều cơ hội để phát triển. Theo thứ thự, Sài Gòn làm giàu giỏi nhất nên đóng về trung ương cao nhất, với 82% ngân sách, kế đến là Hà Nội đóng 65%, Bình Dương đóng 64% và Đồng Nai đóng 53%. Cả nước có tổng số 63 tỉnh thành thì chỉ có 16 tỉnh và thành đóng góp về Trung ương, số tiền này để nuôi bộ máy trung ương cồng kềnh và nuôi cả 47 địa phương còn lại.
Như ta biết, những địa phương nào giàu có thì cũng đồng nghĩa, đầu tư vào nơi đó sẽ sinh lợi nhiều hơn, địa phương nào đói triền miên thì tiền rót vào địa phương đó sẽ không sinh lời thậm chí gây lãng phí lớn. Như vậy việc thu ngân sách theo dạng bậc thang như tính tiền điện của BCT ĐCS nó đã dẫn đến kết quả, là đảng này đã tước bỏ đồng tiền nơi dễ sinh lời để quẳng vào nơi hoang phí. Đây là cách làm cào bằng vô cùng bất công và đồng thời cũng vô cùng bất hợp lí.
Được biết, tỉnh nhận nhân sách chính phủ nhiều nhất là Thanh Hóa, kế đến là Nghệ An và sau đó là nhiều tỉnh thành khác nhận mức tương đương nhau. Điều đáng nói là những tỉnh nào được ngân sách Trung ương rót về thì bằng mọi giá chính quyền tỉnh này phải dùng cho hết, nếu dùng không hết thì năm sau Trung ương sẽ cắt giảm nguồn tiền tài trợ dựa trên số tiền mà tỉnh đã tiêu trước đó. Hầu hết, những tỉnh nghèo cầm tiền ngân sách trung ương họ chẳng biết chi tiêu vào đâu cho hết, nên họ cố vẽ dự án. Hầu hết là những dự án vô bổ là nhằm mục đích để tiêu cho hết ngân sách hỗ trự từ Trung ương.
Cổng chào trăm tỷ, tượng đài ngàn tỷ xây bảo tàng ngàn tỷ vv.. là những dự án được vẽ ra để chi tiêu cho hết. Nó toàn là những dự án đốt tiền, không sản sinh ra đồng lời nào cho quốc gia. Một tỉnh nghèo như vậy có 2 nguồn ngân sách, thứ nhất là nguồn ngân sách riêng của tỉnh, thứ nhì là ngân sách trung ương. Những dự án nào lớn, dễ giải trình thì tỉnh dùng ngân sách trung ương để làm. Những công trình nào vô bổ thì tỉnh xuất tiền ngân sách địa phương. Dù ngân sách tỉnh đủ để đầu tư cho những dự án mang tính thiết yếu, thì lãnh đạo tỉnh ấy không dại gì tính toán gói gém cho đủ để tiết kiệm cho ngân sách trung ương, mà ngược lại họ phải tìm cách tiêu pha hoang phí để ngân sách địa phương trở nên thiếu hụt, và lấy đó là cái cớ để khóc với trung ương.
Tại Huyện Vĩnh Thạnh- một huyện nghèo của tỉnh Bình Định, chính quyền huyện này cho xây tượng đài 48 tỷ đồng. Trong đó ngân sách huyện chiếm 30% và ngân sách tỉnh là 70%. Thực ra huyện Vĩnh Thạnh xây tượng đài vô ích này là để giúp chính quyền tỉnh Bình Định vứt 34 tỷ ngân sách tỉnh vào đấy, mục đích ngân sách tỉnh này vơi đi, nhờ đó mà đám lãnh đạo tỉnh mới khóc với trung ương xin tiền. Mà như ta biết, tiền của trung ương cũng là tiền của các địa phương như Sài Gòn, Bình Dương hay Đồng Nai vv… đóng vào. Trong khi đó những nơi nầy vẫn đang thiếu tiền để đầu tư nâng cấp hạ tầng để phát triển kinh tế tỉnh.
Còn nhớ, năm 2017, tỉnh Bình Định cũng đã bỏ ra 200 tỷ để xây tượng đài một cặp đàn ông được cho là “cha con” của nhau. Ông cha thì mang họ Nguyễn còn thằng con mang họ Hồ như là trò giả dối công khai trước mặt dân. Cặp “cha con” này được đặt chình ình ngay vị trí đẹp nhất của thành phố Quy Nhơn. Dự án này cũng một loại cố tình tiêu pha hoang phí, mục đích là để đục rỗng ngân sách địa phương và biến mình thành tỉnh đói nghèo nhờ đó mà có cớ khóc lóc xin tiền trung ương. Hằng năm, đám lãnh đạo các tỉnh nghèo (hoặc giả nghèo) chuyên chỉ thị cho địa phương dưới quyền, hoặc các ban ngành dưới quyền hỗ trợ lãnh đạo tỉnh vẽ ra cho được những dự án vô bổ như vậy. Những dự án này nó vừa giúp tỉnh hút bầu sữa trung ương, vừa vỗ béo đám doanh nghiệp sân sau bọn quan chức tỉnh. Hiện nay cả nước có đến 47 tỉnh thành chuyên vẽ dựa án vô bổ đốt tiền như thế..
Với một đất nước nghèo, muốn bứt phá thì ngân sách Trung ương phải được tính toán cho thật kĩ. Phải biết rót ngân sách vào tỉnh hoặc thành phố nào mà đồng vốn nhà nước sinh lời cho quốc gia nhiều nhất, hoặc phải rót vào lĩnh vực thế mạnh nào làm sinh lợi cho quốc gia nhiều nhất. Như vậy nhìn vào tiềm lực kinh tế địa phương, nếu là một chính quyền trung ương sáng suốt thì họ sẽ để cho những địa phương có tiềm lực kinh tế mạnh như Sài Gòn, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai giữ lại phần lớn ngân sách của họ. Đồng tiền được giữ lại ở những tỉnh này sẽ thúc đây kinh tế đất nước phát triển mạnh, còn nếu tước hết để rót về những địa những địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định vv… thì xem nhưng ĐCS đã làm một điều vô cùng dốt nát, là tước cơ hội phát triển của đất nước để đốt tiền thành tro chơi.i
Ngày 7 tháng 7 năm 2020, ông Nguyễn Xuân Phúc lên truyền thông thúc “Không giải ngân được vốn đầu tư công thì chuyển đơn vị khác”. Ý của ông này muốn nói là “tao đang phát xuống 700 ngàn tỷ, tụi bay lo tiêu xài đốt phá cho hết đi, nếu không thì tao hốt tiền giao cho đứa khác thì ráng chịu nghe chưa”. Với lời hối thúc đó, thì tất nhiên lãnh đạo các tỉnh nghèo phải hối hả vẽ ra những dự án vô bổ để hút cho sạch gói 700 ngàn tỷ kia. Trong khi đó, ngày 7 tháng 8, ông Nguyễn Thiện Nhân – Bí thư Sài Gòn thì lên báo năn nỉ Trung Ương đừng trấn lột Sài Gòn nhiều quá. Ông ta van xin trung ương là hãy để lại cho Sài Gòn thêm một ít nữa thì Sài Gòn sẽ làm ra nhiều tiền hơn cho Trung Ương. Và chắc chắn, những lời phân bua này với một trung ương dốt nát chẳng khác nào nước đổ lá khoai.
Thực ra nếu Việt Nam là một đất nước dân chủ, và mô hình phân chia quyền lực giữa trung ương và địa phương kiểu nhà nước liên bang, thì tất đất nước không thể xảy ra hiện tượng cào bằng một cách ngu dốt như ĐCS đang làm hiện nay. Khi ấy, quốc hội sẽ là quyền lực độc lập cân bằng với hành pháp và tư pháp. Quốc hội lúc đó được phân thành 2 viện gồm: thượng viện và hạ viện. Thượng viện là nơi có đại diện của chính quyền địa phương, chắc chắn các thượng nghị sĩ các bang giàu sẽ không chấp nhận thông qua một thứ luật bất công với bang của họ. Chưa hết, ở hạ viện cũng thế, dưới áp lực người dân thì các dân biểu ở bang giàu sẽ đấu tranh đến cùng để ngăn trung ương thu ngân sách bất công với địa phương của mình. Và rõ ràng, với một nhà nước dân chủ, việc phân bổ ngân sách hợp lý nó sẽ đến một cách tự nhiên mà không cần “bộ óc vĩ đại” nào thiết kế ra “bài toán tối ưu” cho việc phân bổ ngân sách cho đầu tư công. Thế nhưng! Rất tiếc, đó chỉ là một ước mơ./.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
https://www.thesaigontimes.vn/…/trung-uong-se-thu-ve-nhieu-…
https://viettimes.vn/diem-mat-cac-tinh-thanh-gop-va-xin-nga…
https://thuvienphapluat.vn/…/ti-le-ngan-sach-dia-phuong-giu…
https://vnexpress.net/thu-tuong-khong-giai-ngan-duoc-von-da…
https://tuoitre.vn/suy-nghi-ve-tuong-dai-48-ti-dong-o-huyen…
https://dantri.com.vn/…/khanh-thanh-tuong-dai-cha-con-bac-h…