Khắp đất nước này, điểm danh 63 tỉnh thành, còn nơi nào mà không có tranh tụng vì những cưỡng chế đất đai bất công, bất bình đẳng và vô lý cùng cực? Mỗi một địa chỉ như thế là một ngọn lửa âm ỉ hận thù.
Hơn 10 năm trước, chính xác là vào hôm 28 tháng 6 năm 2009, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có tâm sự (đôi điều) nghe hơi buồn bã:
“Khi tiếp xúc với những người nông dân, tôi thường xuyên hỏi về tổng thu nhập mỗi tháng của một khẩu trong một gia đình họ là bao nhiêu. Dù rằng tôi biết họ đang sống một cuộc sống vô cùng vất vả nhưng tôi vẫn kinh ngạc khi nghe một con số cụ thể: ‘Tổng thu nhập một tháng trên một khẩu của chúng tôi là 40.000 đồng.’ Bạn có choáng váng khi mỗi tháng, một người trong mỗi gia đình nông dân chỉ có 40.000 đồng để chi tiêu tất cả những gì họ cần không?
Bốn mươi ngàn đồng có giá trị như thế nào lúc này. Đó là giá của 2 bát phở, giá của 4 lít xăng, giá của hai xuất cơm trưa văn phòng, giá của một cuốc xe ôm trên đoạn đường 10km, giá của hơn một bao thuốc lá 555, giá của 3 ly cà phê…Tôi biết sẽ có rất nhiều người không thể tin rằng tổng thu nhập hàng tháng của một khẩu trong hầu hết những gia đình nông dân lại chỉ với một con số ‘kinh hoàng’ như thế. Nhưng buồn thay đó lại là sự thật.”
Thế mà chỉ vài năm sau, trong tập bút ký mỏng phổ biến vào năm 2006 (“Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất”) nhà văn Nguyễn Khải đã “trình làng” bộ mặt của một nông thôn hoàn toàn khác hẳn:
“Ai cũng giàu có hơn trước, nấu cơm bằng nồi cơm điện, tối xem tivi mầu, giờ rảnh thì xem phim bộ. Mỗi xóm đều có cửa hàng cho thuê băng vidéo, có gái điếm cho ngủ chịu đến mùa trả bằng thóc, có cờ bạc, có hút thuốc phiện và chích heroin, thành phố có gì ở làng quê đều có, cả hay lẫn dở, dở nhiều hơn hay.”
Nguyễn Khải qua đời hai năm sau, năm 2008. Mấy “cửa hàng cho thuê băng video” hẳn cũng đều đã chết (vì chả còn ma nào xem nữa) nhưng “gái điếm, cờ bạc, thuốc phiện và heroin” thì chắc vẫn còn nguyên và – không chừng – mỗi lúc lại một thêm phổ biến.
Chả trách, hôm 16 tháng 3 năm 2020 vừa qua, blogger Ku Búa đã buông lời ta thán:
“Dân Việt quá hèn là một trong những nhận xét phổ biến nhất. Điều đó không hề sai chút nào. Bao năm sinh sống dưới cơ chế chuyên quyền đã tiêu diệt khả năng phản kháng của con người. Nếu dân miền Bắc bị tẩy não hơn ba thế hệ thì bây giờ dân miền Nam đang dắm chìm trong bia rượu và hài nhảm. Dũng khí đã không còn mà chỉ tồn tại một dân tộc thích hưởng thụ và an phận…
Nhiều cô chú thế hệ thuyền nhân sống ở ngoài nước khi đọc những thông tin tiêu cực diễn ra ở quốc nội thì luôn kỳ vọng rằng xã hội quá thối nát để có thể chịu đựng được. Điều đó đúng, nhưng đối với họ thôi, còn với hơn chín mươi sáu triệu dân thì đó đã trở thành bình thường…
Ai nói tôi dân tộc này can đảm thì nên suy nghĩ lại, vì tôi chỉ thấy sự thờ ơ. Đừng kể tôi nghe về những câu chuyện đấu tranh hào hùng, vì hiện tại tôi chỉ thấy thế hệ cúi đầu. Cũng xin đừng hô hào những câu chửi bới online, vì sau khi bỏ điện thoại hoặc tắt máy tính, mọi người trở lại cuộc sống bình thường. Chẳng ai làm gì, tất cả đều như đầu hàng trong vô vọng.”
Tôi là một “thuyền nhân sống ở ngoài”, và đúng là kẻ “khi đọc những thông tin tiêu cực diễn ra ở quốc nội thì luôn kỳ vọng rằng xã hội quá thối nát để có thể chịu đựng được.” Do thế, tôi vô cùng trân trọng với những lời cảnh giác thượng dẫn (“xin đừng hô hào những câu chửi bới online”) dù không chia sẻ được hoàn toàn cái tâm cảm não nề (“chẳng ai làm gì, tất cả đều như đầu hàng trong vô vọng”) của tác giả.
Nhà thơ Inra Sara có cái nhìn lạc quan hơn: “Đây đó vẫn tồn tại những điểm sáng. Bạn Dung Duong Trung dùng chữ ‘dòng nước ẩn’. Những dòng nước ấy có mặt ở mọi thành phần, dưới mọi hình tướng, tình huống, cấp độ. Chúng ẩn mình giữa miền đất hình chữ S này, âm thầm chảy, khiêm cung nhưng đầy sức mạnh. Chúng sẽ trồi lên một ngày nào đó, chắc chắn.”
Thực khó biết lúc nào những dòng nước “ẩn mình sẽ trồi lên” nhưng chúng ta đã vừa được chứng kiến một biến cố rất đáng quan tâm, theo bản đọc được hôm 25 tháng 6 năm 2020 của nhật báo Người Việt:
“CSVN bắt 6 người trong một ngày, vu cho tội ‘chống nhà nước.’ Ít nhất sáu người tham gia hoạt động dân chủ, nhân quyền tại bốn địa phương khác nhau đã bị Công An CSVN bắt giam cùng ngày 24 Tháng Sáu … theo những tin tức ban đầu, công an bắt bà Cấn Thị Thêu cùng hai người con trai là Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư, cùng với bà Nguyễn Thị Tâm. Nhiều giờ sau … báo Khánh Hòa đưa tin bắt bà Nguyễn Thị Cẩm Thúy, còn báo Lâm Đồng đưa tin bắt ông Vũ Tiến Chi.
Về sự kiện này, từ Việt Nam, FB Thảo Dân có đôi lời bình luận:
“Nếu không có cướp đất Văn Giang, thì Văn Giang mãi là vùng đất địa linh nhân kiệt với huyền tích lịch sử và những chiến công của Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang. Nhưng máu của người Văn Giang đã đổ. Người Văn Giang đã chết, đã bị thương. Đã ngậm hờn.
Nếu không có cướp đất Dương Nội, Đồng Tâm, những nông dân Dương Nội, Đồng Tâm sẽ vẫn là những cán bộ đảng viên, những nông dân gương mẫu tin tưởng tuyệt đối vào đảng, chính phủ. Nhưng hiện thực lại là máu lệ, giết chóc, tù đày oan khuất. Dương Nội, Đồng Tâm thành điểm nóng tiến thoái lưỡng nan của nhà cầm quyền.
Nếu không có cướp đất Thủ Thiêm, dân Thủ Thiêm vẫn là lực lượng trung thành, xứng danh cơ sở cách mạng kiên trung của bộ đội giải phóng. Nếu không có đền bù kiểu kẻ cướp, hoặc cưỡng chế thu hồi bất minh, thì Đặng Ngọc Viết, Đoàn Văn Vươn …vẫn mãi là những nông dân giỏi, gương mẫu dân giàu nước mạnh.
Khắp đất nước này, điểm danh 63 tỉnh thành, còn nơi nào mà không có tranh tụng vì những cưỡng chế đất đai bất công, bất bình đẳng và vô lý cùng cực? Mỗi một địa chỉ như thế là một ngọn lửa âm ỉ hận thù.”
Là kẻ đứng ngoài nỗi đớn đau và bất hạnh của đất nước nên tôi không đủ tư cách để than phiền về thái độ “thờ ơ/cúi đầu” của bất cứ ai. Tôi cũng không dám cổ vũ cho “ngọn lửa âm ỉ hận thù” đến từ bất cứ “địa chỉ” nào. Tôi chỉ biết rằng chỉ trong vòng một ngày mà có “ít nhất sáu người tham gia hoạt động dân chủ, nhân quyền tại bốn địa phương khác nhau đã bị Công An CSVN bắt giam” thì rõ ràng là khối lương dân (cùng với lương tri) vẫn còn nguyên nơi mảnh đất quê hương xứ sở của mình.
Qua hôm sau, hôm 25/06/2020, trong một cuộc phỏng vấn dành cho BBC, ông Trịnh Bá Khiêm (phu quân của bà Cấn Thị Thêu và thân phụ của hai em Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư) phát biểu: “Tôi tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng trong tương lai. Bọn cộng sản này là bọn ăn cướp, cướp bóc của dân và hà hiếp tiếng nói của dân sẽ phải trả giá.”
Sự tin tưởng của nông dân Trịnh Bá Khiêm, tôi tin, cũng là niềm tin chung của rất nhiều người dân Việt./.