Nguyễn Vũ Bình – RFA
Hôm nay, ngày 24/6/2020, cũng là ngày thứ tư trong tuần. Mới sáng sớm đã thấy có người đứng canh trước cửa nhà, tôi thấy có chuyện lạ, quay trở vào mở facebook thấy ngay video clip Trịnh Bá Phương đang quay việc công an đến nhà dùng kìm cộng lực cắt khóa để xông vào bắt mình. Chỉ ít phút sau thì clip bị tắt, và thông tin về việc Trịnh Bá Phương và mẹ là chị Cấn Thị Thêu đã bị bắt đưa đi.
Liên tục trong buổi sáng cập nhật thêm các thông tin bắt chị Nguyễn Thị Tâm (thường gọi là Tâm Dương Nội) khi chị đang đi chợ, sau đó nhà cầm quyền khám nhà và tịch thu một số đồ đạc. Rồi thông tin Trịnh Bá Tư ở Hòa Bình do bố là Trịnh Bá Khiêm thông báo, Tư bị công an đến nhà đọc lệnh bắt khởi tố, tạm giam.
Buổi chiều, thông tin về việc bắt anh Vũ Tiến Chi, sinh năm 1966, người Nam Định sống ở thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng khép vào tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 117 bộ Luật Hình sự. Sau đó là thông tin bắt chị Nguyễn Thị Cẩm Thúy (sinh năm 1976, trú tại thôn Tân Quý, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) cũng theo điều 117 bộ Luật Hình sự. Cùng ngày, công an thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định tạm giam bà Phan Thị Thanh Hồng (51 tuổi, ngụ quận 1) để điều tra tội “gây rối trật tự công cộng”, với lý do bà đi khiếu kiện nhưng làm mất trật tự ở Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, ngày 24/6 chính là ngày thứ tư đen với 7 người bị bắt trên khắp cả nước.
Có thể nói, từ ngày 30/7/2017, ngày nhà cầm quyền khởi tố, bắt tạm giam 4 người hoạt động trong Hội Anh Em Dân Chủ, chưa có ngày nào, an ninh và nhà cầm quyền lại bắt nhiều người như vậy. Trong vòng hơn một tháng, tính từ ngày nhà báo Phạm Thành bị bắt (21/5) đến hôm nay, nhà cầm quyền đã bắt giam 12 người!
Trước hết, nói về 3 người trong gia đình dân oan Cấn Thị Thêu. Gia đình chị Thêu là dân oan thuộc phường Dương Nội, quận Hà Đồng đã bị nhà cầm quyền thu hồi đất đai với giá rẻ mạt, sau đó phân lô bán nền với giá gấp hàng trăm lần. Gia đình chị và nhiều hộ trong thôn không đồng ý đã đi khiếu kiện hơn 10 năm trời. Hai vợ chồng chị đã từng bị nhà cầm quyền cho người cưỡng chế đất đai, đánh đập sau đó bị bắt giam, khởi tố. Chị đã hai lần bị nhà cầm quyền kết án chỉ vì đòi quyền lợi chính đáng cho gia đình và bà con Dương Nội. Chị và gia đình cũng đã hòa chung vào công cuộc đấu tranh của dân oan khắp nơi, và với những người phản biện, hoạt động đấu tranh dân chủ.
Hai con trai của chị Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư là những người nông dân cần cù, chịu khó. Cũng cùng Chị và gia đình đấu tranh đòi hỏi quyền lợi chính đáng của gia đình và bà con. Thời gian xảy ra vụ Đồng Tâm (ngày 09/01/2020) đến nay, anh Phương và anh Tư là hai người tích cực đưa thông tin từ Đồng Tâm tới đông đảo người dân quan tâm và cộng đồng mạng. Từ những hoạt động trước đây của hai anh, cộng với việc đưa tin về vụ Đồng Tâm đã dẫn tới việc hai anh bị khởi tố bắt tạm giam ngày hôm nay (24/6).
Chị Nguyễn Thị Tâm, còn gọi là Tâm Dương Nội cũng có quá trình đấu tranh để giữ đất cùng bà con Dương Nội. Chị Tâm cũng tham gia tích cực vào việc đưa sự thật về vụ Đồng Tâm tới cộng đồng mạng. Ngoài ra, chị có những clip đấu tranh với những dư luận viên, với những kẻ tới canh, chặn nhà không cho chị ra khỏi nhà mỗi khi có việc canh, chặn những người hoạt động và đấu tranh ở Hà Nội. Có thể tổng kết rằng, những người bị bắt ở Dương Nội hôm nay đều là nông dân đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình, và thông tin sự thật về các vụ việc tranh chấp đất đai giữa người dân và nhà cầm quyền. Họ không hề có tội, thậm chí không vi phạm pháp luật.
Hai trường hợp khởi tố điều 117, tuyên truyền chống nhà nước ở Bảo Lộc, Lâm Đồng và Cam Lâm, Khánh Hòa, anh Vũ Tiến Chi và chị Nguyễn Thị Cẩm Thúy cũng đều là những người thực thi quyền tự do ngôn luận, nêu lên chính kiến của mình, cuối cùng cũng bị khởi tố và bắt tạm giam. Trường hợp ở thành phố Hồ Chí Minh do khiếu kiện lâu ngày không được giải quyết, người dân bức xúc kêu oan nhiều lần bị khép vào tội danh “Gây rối trật tự công cộng”.
Tại sao trong thời gian này, nhà cầm quyền lại gia tăng đàn áp tới mức cực đoan như vậy? Có thể có những lý do trực tiếp và sâu xa như sau.
Lý do trực tiếp, vụ việc Đồng Tâm là một vết nhơ, sự khủng bố khủng khiếp nhất trong thời đại thông tin bùng nổ qua hệ thống mạng xã hội. Sắp tới vụ việc Đồng Tâm nhà cầm quyền sẽ đưa những người dân bị bắt ra xét xử. Nhà cầm quyền không muốn những thông tin về việc xét xử cũng như quá trình xét xử người dân Đồng Tâm được thông tin rộng rãi, cùng với những bình luận về tính pháp lý, đạo nghĩa của vụ án được người dân thể hiện trên không gian mạng. Chính vì vậy, việc bắt những người ở Dương Nội chính là thông điệp răn đe những người khác trong những diễn biến sắp tới của Đồng Tâm.
Lý do sâu xa của việc đàn áp, khủng bố cực kỳ khốc liệt vừa qua, đó là việc tranh thủ tình hình thế giới đang có những xáo trộn do cuộc khủng hoảng từ đại dịch Covid-19, cũng như tình hình nước Mỹ đang có những diễn biến phức tạp xuất phát từ sự đối đầu Mỹ – Trung, quá trình vận động tranh cử tổng thống quyết liệt từ hai đảng đẩy tới biến động dữ dội trong xã hội Mỹ thời gian qua. Khi các quốc gia dân chủ đang mắc kẹt với tình hình nội bộ, sẽ ít có sự quan tâm tới tình hình nhân quyền ở Việt Nam hơn.
Một lý do quan trọng nữa, nhà cầm quyền sắp tổ chức đại hội đảng lần thứ XIII. Những biến động của tình hình thế giới cùng với những khó khăn kinh tế có thể làm xuất hiện những khuynh hướng muốn thay đổi định hướng trong nội bộ, hoặc thay đổi đồng minh, xoay trục từ Trung Quốc sang Hoa kỳ. Để giữ vững định hướng và đồng minh, nhà cầm quyền gia tăng đàn áp nhắm vào giới bất đồng chính kiến, giới đấu tranh nhằm răn đe những cá nhân có ý định đi chệch khỏi quỹ đạo mà đảng đã vạch ra.
Với những lý do trực tiếp và sâu xa như vậy, nhà cầm quyền đã đẩy mạnh đàn áp, tạo nên những đợt bắt bớ kinh hoàng vừa qua. Nhưng với những ung nhọt của chế độ không thể bưng bít, với sự mở rộng của không gian mạng dẫn tới nhận thức của người dân càng được nâng lên, điều nhà cầm quyền hi vọng sẽ trở thành vô vọng, bởi quy luật vận động tất yếu, có áp bức sẽ có đấu tranh./.
Hà Nội, ngày 24/6/2020
N.V.B