Có lẽ hiếm có tác phẩm nào dài lê thê mà người đọc bỏ ăn bỏ ngủ đọc cho xong như những tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung. Nhiều người dí dỏm gọi những người mê đọc kiếm hiệp là đang luyện chưởng.
Kim Dung xây dựng những tác phẩm kiếm hiệp của ông trên cái xường chính là cuộc xung đột dữ dội giữa danh môn chính phái và tà phái để tranh bá Võ Lâm, nhiều lúc tưởng như tà phái đã thắng, song cuối cùng chính vẫn thắng tà cho dù lắm lúc cái giá phải trả không nhỏ.
Trong xã hội loài người, dù được tổ chức hoàn hảo đến mấy vẫn tồn tại song song hai loại quyền lực như câu chuyện chính tà của Kim Dung. Một là quyền lực nhà nước tượng trưng cho chính phái. Hai là quyền lực ngầm tượng trưng cho tà phái. Hai hệ thống quyền lực này tồn tại theo quy luật thịnh suy, nghĩa là chính suy thì tà thịnh, chính thịnh thì tà suy, chính tà lẫn lộn thì quốc gia suy.
Quyền lực nhà nước thì rõ ràng, tùy thể chế chính trị để hình thành những cơ cấu tổ chức chính quyền đặc thù của mình. Song, dù là thể chế chính trị nào cũng không loại bỏ được quyền lực ngầm, tức tà phái, còn gọi khác là xã hội đen, là bố già hay mafia, do các nhóm lợi ích tạo ra. Pháp luật nhà nước càng lỏng lẻo, quyền lực nhà nước càng độc tôn (không có cơ chế phân quyền kiểm soát lẫn nhau), thì càng hình thành những nhóm lợi ích thân hữu với tài sản và thế lực cực lớn, có khả năng tác động vào những quyết sách nhà nước để làm giàu cho họ, làm nghèo nhân dân, làm bất công xã hội và gây nợ nần quốc gia.
Một khi quyền lực nhà nước và quyền lực đen, tức chính phái và tà phái lồng vào nhau, thì đất nước trở thành địa ngục cho nhân dân, khi ấy thường hình thành những cuộc cách mạng để tái lập “danh môn chính phái”. Bởi chính luôn thắng tà, đó là quy luật được khẳng định qua thực tiễn cuộc sống.
Trong phạm trù quốc tế, cũng luôn có hai thế lực chính tà đối đầu tranh giành quyền lực, nhiều lúc phải phân thắng bại bằng các cuộc chiến tranh đẫm máu.
Sau Thế Chiến II, Mỹ nổi lên như một siêu cường chính phái bằng việc tổ chức một thế giới tự do thịnh vượng, mở đầu là chương trình viện trợ Mashall tái thiết Tây Đức, Tây Âu, viện trợ tái thiết Nhật Bản, vận động thành lập Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế đa phương khác, đề cao quyền con người bằng bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, qua đó nhấn mạnh đến quyền tự do phổ quát và quyền làm chủ đất nước của nhân dân, gọi khác là nhân quyền và dân quyền.
Song sau đó Liên Xô, hiện tại là TC (Trung Cộng), nổi lên như một thế lực thách thức thế giới tự do do Mỹ dẫn dắt. Nhìn vào thể chế chính trị độc tài tàn bạo, tước bỏ mọi giá trị phổ quát về nhân quyền và dân quyền của nhân dân… thì đúng là nhà nước TC chẳng khác gì tà phái. Nếu tà phái thắng chính phái thì nhân loại sẽ chẳng khác gì trại súc vật của nhà văn Anh, nhiều dân tộc sẽ nếm mùi địa ngục trần gian như Tân Cương, Tây Tạng.
Hiện tại Tập Cận Bình chẳng khác gì một bạo chúa đang cầm đầu tà phái thách thức thế giới tự do. Sau khi được may mắn kế thừa một nền kinh tế đang lên, hàng giá rẻ Hồ Cẩm Đào tràn lan khắp thế giới, chuỗi cung ứng hội tụ tại TC tạo ra công xưởng thế giới, GDP liên tục tăng hai con số, dự trữ ngoại hối khổng lồ gần 4000 tỷ USD, tổng GDP hơn 13000 tỷ USD, bỏ xa nền kinh tế thứ hai thế giới là Nhật Bản, bám đuôi siêu cường Mỹ… Thì Tập Cận Bình ảo tưởng giấc mơ Trung Hoa sắp thành sự thật, liền bãi bỏ chủ trương giấu mình chờ thời (thâu quang dưỡng hối) của Đặng Tiểu Bình, xua quân tranh chấp đảo senkaku của Nhật, tôn tạo bảy thực thể trong quần đảo Trường Sa cướp của Việt Nam thành những căn cứ quân sự, cướp bãi đá Scarborough của Philippines, công bố đường lưỡi bò chiếm gần 90% diện tích Biển Đông là quyền lợi cốt lõi của TC… Trong sự bất lực của chính phủ Mỹ do tổng thống Barack Obama lãnh đạo, đắc chí khi để nhân vật quyền lực nhất của “danh môn chính phái” là tổng thống Mỹ Obama phải tự chui phía đuôi phi cơ ra sân bay TC chứ TC không thèm cho xe thang đón rước long trọng như lệ thường v.v…
Hầu hết các nước đều làm ăn và phụ thuộc nhiều vào thị trường TC, nhiều nước lệ thuộc vào vốn TC, nên chẳng ai dám làm mích lòng TC, kể cả Mỹ và các nước G7, khiến Tập Cận Bình ảo tưởng về sức mạnh Trung Hoa, nên ngang tàng, ngạo mạn đe nẹt thế giới. Cho đến khi tổng thống Mỹ Donald Trump chấp chính, thì cái ảo tưởng sức mạnh Trung Hoa của Tập Cận Bình mới bắt đầu lộ dần những điểm yếu.
Ngày nay, không chỉ TC trở nên yếu thế trong cuộc thương chiến với Mỹ, mà ngay cả sức mạnh quân sự lớn thứ hai thế giới của TC cũng không còn đủ mạnh để răn đe các nước.
Vừa đụng Ấn Độ TC đã nhợn tay vì phản ứng dữ dội của dân Ấn. Đưa quân đe dọa Đài Loan bị tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn phản ứng cứng rắn phải chùn bước. Nhật Bản cũng không chút e dè trong tranh chấp Senkaku, đem quân hùng hậu xuống Biển Đông thì bị phản ứng mạnh của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia… Thông qua luật an ninh cho Hongkong cũng bị Mỹ, Anh, đặc biệt là liên minh Châu âu phản ứng dữ dội dồn Tập Cận Bình vào thế lưỡng nan. Khống chế chuỗi cung ứng của các nước đặt tại TC không cho xuất khẩu khẩu trang và thiết bị y tế về nước, thì bị Mỹ và các nước rút chuỗi cung ứng khỏi TC. Trừng phạt Australia vì dám yêu cầu quốc tế điều tra nguồn gốc cúm Tàu, nhưng không những không làm Australia sợ, còn làm cho Canada và nhiều nước khác ủng hộ Australia thách thức TC v.v…
Tóm lại, đây là thời điểm Tập Cận Bình lúng túng nhất, vì lỡ ảo tưởng sức mạnh Trung Hoa trèo lên lưng cọp thách thức Mỹ và thế giới. Tiếp tục cởi lưng cọp thì đơn độc không đủ sức, bước xuống thì sợ cọp vồ, đành lâm thế lưỡng nan như gà mắc tóc… Cho nên cứ đưa quân lính, phi cơ, tàu chiến… chạy tới chạy lui hăm voi dọa khỉ mà chẳng dám bóp cò… Dùng đòn bẩy kinh tế đe nẹt miệng ăn làng trên xóm dưới mà chẳng dám động thủ vì sợ dính đòn hồi mã thương càng chết nhanh hơn.
Trong bối cảnh ngổn ngang trăm mối này, thì việc chọn lựa một nước yếu nào đó để gỡ mối có thể là một chọn lựa mà TC đang tính đến. Bởi điều Tập Cận Bình lo sợ nhất, là một ngày nào đó Donald Trump trở thành Lệnh Hồ Xung cùng bà Thái Anh Văn song tấu nhạc khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ trong Tử Cấm Thành./.