Trần – (VNTB) – Có lẽ cái câu “vào trước bắt sau” của ông Phạm Chí Dũng chưa bao giờ lại phản ánh đúng thực trạng của Việt nam đến như thế. Hiệp định thương mại đã có trong tay, phía Hà nội cho rằng họ muốn bắt bớ ai, vi phạm nhân quyền ra sao cũng được.
***
Đâu phải tự nhiên thành những người đấu tranh?
Gia đình bà Cấn Thị Thêu trở thành những dân oan mất đất từ năm 2008 khi chính quyền đền bù đất cho dân với giá rẻ mạt chỉ vài ba trăn nghìn một mét vuông. Sau khi phân lô bán nền, giá đất được rao bán với giá 31 triệu đồng một mét vuông.
Không chấp nhận bất công, gia đình bà Cấn Thị Thêu cùng dân oan Dương Nội đã bước vào một cuộc chiến không cân sức với nhà cầm quyền. Hai vợ chồng bà Thêu cùng bị bắt và bị kết án 15 tháng tù, với tội danh 257 Bộ Luật Hình Sự về tội chống người thi hành công vụ năm 2014.
Bà Cấn Thị Thêu lại bị xử 20 tháng tù giam vì tội “ gây rối trật tự công cộng” tháng 11 năm 2016. Tại phiên xử phúc thẩm, bà Thêu đã nói: “Đảng cộng sản Việt Nam là đảng phản bội lại nhân dân và đất nước, là một đảng phái hèn với giặc, ác với dân. Ở Việt Nam không có công lý, công lý chỉ là tên của một diễn viên hài”.
Hai con trai bà Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, những nông dân chăm chỉ kiếm sống bằng sức lao động lương thiện, cũng đã trở thành những nhà họat động vì quyền “bất đắc dĩ” vì không thể làm ngơ trước những bất công đang diễn ra từng ngày.
Trong sự kiện Đồng Tâm, hai anh em Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư là những nhà báo công dân đắc lực, đưa tin trực tiếp, liên tục về những diễn biến tại Đồng Tâm từ tháng 1 năm 2020.
Ngày 5-6-2020, cơ quan điều tra đã kết luật vụ Đồng Tâm như sau: “hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án có sự chuẩn bị từ trước, thể hiện qua việc tập hợp lực lượng, đóng góp tiền mua vũ khí, họp bàn phân công nhiệm vụ cho từng đối tượng. Đồng thời, kết luận điều tra cũng nhận định hành vi phạm tội của các đối tượng là man rợ, có tính chất côn đồ, giết chết nhiều người, cần phải được xử lý nghiêm để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.”
Theo đó, vụ Đồng Tâm được xác định là “vụ án giết người, chống người thi hành công vụ”
Ngày 21.6.2020, báo Công an nhân dân đã nhấn mạnh ” Nhiều cá nhân, tổ chức chống đối như Trịnh Bá Phương, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Văn Đài… vẫn cố tình “đổi trắng thay đen, thương vay khóc mướn”. và cho rằng những người được nêu tên đang
Những thông tin không chính thống đã được quy kết là “bài viết, bình luận không đúng thực tế, kích động sự nghi kỵ gây mất đoàn kết nội bộ của Việt Nam khiến cho tình hình thông tin trở nên nhiễu loạn.”
Thông tin do những nhà báo công dân đưa ra được cho là ngụy tạo nhằm gây sức ép đối với cơ quan điều tra nói riêng và cả hệ thống chính trị nói chung, thể hiện rõ mưu đồ “quốc tế hoá” vụ việc tại Đồng Tâm hòng gây bất lợi cho Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Từ thông tin này ông Trịnh Bá Phương đã liệu đến việc sẽ bị bắt và ông đã “đã chuẩn bị hành trang đi tù”.
Ông đã nới với đài RFA rằng: “Trong thời gian vừa qua tôi góp một chút sức nhỏ cùng với mọi người để đưa tội ác Đồng Tâm, chuyển tải những thông tin trung thực nhất ở Đồng Tâm đến các cơ quan ngoại giao cũng như đến với quốc tế và công luận trong ngoài nước hiểu về vụ việc ở Đồng Tâm hơn. Có lẽ cá nhân tôi thì tôi cũng làm hết sức rồi và nếu họ có bắt tôi thì tôi cũng không thấy có gì phải tiếc nuối.”
Bắt … bắt nữa … bắt mãi
Sáng sớm ngày 24.06.2020, cả ba mẹ con bà Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư và Trịnh Bá Phương tại nhà riêng đã bị bắt với cáo buộc: “Làm, tàng trữ, phát tán và tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 117 – Bộ luật hình sự năm 2015.
Một Facebooker đã nhận xét : “Với Phương, sớm muộn điều này sẽ xảy ra. Phương là cái gai không thể không nhổ trong mắt chính quyền bởi sự can trường, quyết liệt của anh. Phương lại là cầu nối quan trọng giữa những người dân bị chính quyền chà đạp với công luận.”
Bà Nguyễn Thị Tâm, một dân oan Dương Nội – người thường xuyên đưa tin về vụ Đồng Tâm lên mạng xã hội, cũng bị bắt cùng ngày. Tuy nhiên chưa rõ bà Tâm sẽ bị buộc tội theo điều luật nào.
Cùng ngày, còn có hai người khác cũng bị bắt với cùng một tội danh là bà Nguyễn Thị Cẩm Thúy trú tại thôn Tân Quý, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa; và Vũ Tiến Chi ngụ tại thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng.
Theo cáo buộc của cơ quan điều tra, từ ngày 29-4 đến ngày 3-5 vừa qua, tại thôn Tân Quý, bà Thúy cùng một số đối tượng đã liên tiếp thực hiện hành vi phát trực tiếp (livestream) trên Facebook với nội dung nói xấu Đảng, Nhà nước, 2 lần thực hiện hành vi đốt cờ Tổ quốc, đốt cờ Đảng và dùng kéo cắt, đốt hình ảnh Bác Hồ. Ông Vũ Tiến Chi sử dụng nhiều tài khoản Facebook cá nhân để biên tập, đăng tải, chia sẻ hàng trăm tài liệu tuyên truyền, xuyên tạc… bôi nhọ danh dự Chủ tịch Hồ Chí Minh; kích động tư tưởng chống đối; tung tin thất thiệt, bịa đặt gây hoang mang trong Nhân dân nhằm chống phá Nhà nước.
Câu hỏi đặt ra là tại sao nhà cầm quyền Việt Nam lại ra sức bắt bớ ngay trong thời gian này, nhất là sau khi hiệp định thương mại EVFTA đã được quốc hội Việt Nam phê chuẩn và đang mong đợi thời điểm có hiệu lực để tạo một cú hích cho nền kinh đang bị đình trệ do dịch bệnh?
Có lẽ cái câu “vào trước bắt sau” của ông Phạm Chí Dũng chưa bao giờ lại phản ánh đúng thực trạng của Việt Nam đến như thế. Hiệp định thương mại đã có trong tay, phía Hà nội cho rằng họ muốn bắt bớ ai, vi phạm nhân quyền ra sao cũng được.
Trung Quốc đang gây hấn ở Biển Đông, những vụ bắt bớ trong nước có lẽ muốn hướng dư luận đến những vụ án lớn mà không còn thời gian lưu tâm đến việc kiện Trung Quốc ra toà quốc tế vốn sẽ làm phật lòng Bắc Kinh hay việc Repsol đã phải phất cờ trắng trước sức ép của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Chỉ còn 6 tháng nữa là đến kỳ đại hội 13, tình trạng nhân quyền của Việt Nam vẫn tồi tệ và có thể sẽ còn tồi tệ hơn nữa, với cáo buộc vào điều 117 Bộ Luật hình sự được áp dụng cho hầu hết các trường hợp bắt bớ cho đến nay, nhà cầm quyền đã một lần nữa khẳng định Việt Nam chẳng bao giờ tôn trọng cam kết quốc tế.