Một trong những sai lầm lớn nhất trong nhiều năm cầm bút của người viết là ít khi viết về những nhà tư tưởng Mỹ gốc Phi. Họ đã và đang tiếp tục là những tượng đài có tầm ảnh hưởng cực kỳ quan trọng lên triết học, chính trị và pháp luật thế giới. Song có lẽ bị tiêm nhiễm bởi sự kỳ thị chủng tộc thụ động, bản thân người viết chưa bao giờ dành thời gian để có một bài viết hoàn chỉnh về các nhà tư tưởng Mỹ gốc Phi.
Bài viết này, một là nhằm sửa cái sai của bản thân, hai là hy vọng sẽ giúp bạn đọc có thêm thông tin, từ đó hình thành cái nhìn công bằng và tôn trọng hơn đối với năng lực và thành tựu của người da đen vào sự phát triển của nền triết học và tư pháp của Hoa Kỳ đương đại.
Frederick Douglass: Người “sửa lưng” và bạn đồng chí của Abraham Lincoln
“Đàn áp tự do ngôn luận là hai lần sai trái. Nó vi phạm quyền tự do của người nói, đồng thời cũng vi phạm quyền tự do của người nghe”.
Nhiều bài viết của Luật Khoa từng nhắc đến câu nói trên của Frederick Douglass (1818 – 1895), một nhà tư tưởng, một người tranh đấu, một nhà hùng biện lỗi lạc trong giai đoạn lịch sử Hoa Kỳ loạn lạc và nguy hiểm nhất đối với người gốc Phi.
Sinh ra vào năm 1818 và bị mặc nhiên xem là nô lệ vì mẹ của ông cũng là nô lệ, Frederick Douglass dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu và đấu tranh cho quyền tự do của người da đen, cổ vũ phong trào xóa bỏ chế độ nô lệ (Abolitionist), kêu gọi quyền sống và tham gia vào đời sống chính trị Hoa Kỳ cho người da đen…
Mùa thu năm 1862, vào những năm đầu tiên của cuộc nội chiến Hoa Kỳ (1861 – 1865), người dân của liên bang phía Bắc dường như không mấy hứng thú với một cuộc nội chiến kéo dài. Trước áp lực của cử tri da trắng, Tổng thống thứ 16 lừng danh của Hoa Kỳ Abraham Lincoln mời các lãnh đạo chính trị da đen đến Nhà Trắng, trình bày ý tưởng thuộc địa hóa một số vùng đất bên ngoài lãnh thổ hiện có của Hoa Kỳ và cho người da đen sinh sống, tự trị tại đó với tư cách một phần của mẫu quốc.
Douglass chỉ trích ý tưởng dữ dội, cho rằng đây là một đề xuất nực cười, rằng ngài tổng thống dường như vẫn đang giữ trong lòng niềm tự hào về chủng tộc, về dòng máu, và sự khinh miệt dành cho người da đen.
Hiển nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi về cách tiếp cận thật sự của vị tổng thống “số một” trong suốt chiều dài lịch sử Hoa Kỳ. Nhiều người cho rằng Lincoln luôn là một chính trị gia cẩn trọng, và đề xuất này chỉ nhằm xoa dịu, thử sai các nhóm da trắng cực đoan vốn không đồng ý với mục tiêu của cuộc nội chiến là thống nhất quốc gia và xóa bỏ hoàn toàn chế độ nô lệ. Đây là những nhóm hoàn toàn có thể ám sát ông như cách họ làm không lâu sau đó.
Tuy nhiên, đến cuối cùng, kế hoạch tai tiếng này bị bãi bỏ. Riêng Douglass trở thành một tri kỷ, một cố vấn quan trọng cho các chính sách đoàn kết sắc tộc của Lincoln (từ việc kêu gọi người da đen ở phía Nam trốn lên phương Bắc, cho đến việc cho phép người da đen nhập ngũ…).
Ngay cả sau khi Lincoln bị ám sát, và Tổng thống Andrew Johnson kế nhiệm là một người bảo thủ trong vấn đề sắc tộc theo tiêu chuẩn lịch sử lúc đó, Frederick Douglass tiếp tục góp tiếng nói triết học quan trọng của mình cho quyền bầu cử phổ thông, quyền tự do cá nhân hay quyền giáo dục. Tư tưởng của ông tiếp tục định hình cho các thảo luận sắc tộc và nhân quyền của nước Mỹ hiện đại.
Góc nhìn của ông về quyền chính trị của con người là một trong những nội dung người viết tâm đắc nhất:
“Con người là loại động vật duy nhất có năng lực tạo lập nhà nước (government-making – ND). Vì vậy, quyền được tham gia vào quá trình sản sinh và điều hành chính quyền là bản chất tự nhiên làm nên con người, cũng trực tiếp và hiển nhiên như quyền sở hữu tài sản và quyền được giáo dục của người đó. Sẽ là một tội ác chống lại loài người, nếu tước đoạt đi của người đó quyền được hình thành và định hướng sự phát triển của chính quyền mà trong đó họ đang sinh sống, giống như tước đoạt của họ quyền tư hữu tài sản và quyền giáo dục.”
Sojourner Truth: Tôi chưa đủ “phụ nữ” hay sao?
“Anh chàng đằng kia nói rằng phụ nữ cần phải được giúp đỡ mới lên nổi xe ngựa, nói rằng chúng tôi phải nhờ giúp đỡ mới có thể bước qua những con mương, phải có sự giúp đỡ mới đạt được những điều tốt đẹp nhất.
Chưa từng có ai giúp tôi lên xe ngược, hay đi qua những đoạn đường lầy, hay cho tôi những điều tốt đẹp nhất. Vậy tôi chưa đủ ‘phụ nữ’ hay sao?
Nhìn tôi này! Nhìn vào tôi! Nhìn vào tay tôi!
Tôi cày cuốc và trồng trọt. Tôi xây rào và thu hoạch. Và không người đàn ông nào phải giúp đỡ hay chỉ bảo tôi. Vậy tôi chưa đủ ‘phụ nữ’ hay sao?”
Bài diễn văn trên thường được biết đến với tên gọi “Ain’t I A Woman?” tại Diễn đàn Quyền phụ nữ tại Ohio vào năm 1851, là thứ làm nên tên tuổi của Sojourner Truth trong chính trường Hoa Kỳ.
Sojourner Truth là một nhà hoạt động nhân quyền, một người kêu gọi bãi bỏ chế độ nô lệ, nhưng phải đi kèm với bảo vệ quyền lợi người phụ nữ.
Truth được sinh ra trong một gia đình nô lệ vào năm 1797, nhưng trốn thoát với con gái của mình vào năm 1827. Bà dành cả đời mình cho mục tiêu bảo vệ quyền lợi người da đen, phụ nữ, và sau đó là cải cách nhà tù, quyền tư hữu tài sản lẫn bầu cử phổ thông. Nếu so sánh với Việt Nam, cùng thời điểm, các vua nhà Nguyễn vẫn còn đang ở những năm đầu trị vì, Nho giáo vẫn còn đang thịnh trị, khái niệm công dân còn chưa tồn tại, và quyền phụ nữ và quyền tư hữu tài sản thì thật quá xa vời.
Bà là người phụ nữ da đen đầu tiên khởi kiện thành công một người da trắng trước tòa, mở đầu cho các tiền lệ thủ tục tư pháp bảo vệ quyền lợi phụ nữ và người da đen sau đó.
Thurgood Marshall: Người đàn ông “đáng sợ” nhất miền Nam Hoa Kỳ
Thurgood Marshall (1908 – 1993) là thẩm phán da đen đầu tiên của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.
Tính đến năm 1967, khi luật sư Marshall chính thức được đề cử vào ghế thẩm phán của Tối cao Pháp viện, rất ít ai trong lịch sử tranh tụng tư pháp của quốc gia này vượt qua được kỷ lục của ông: cãi thắng 29/32 vụ trước Tối cao Pháp viện. Trong số đó, bao gồm cả một trong những án lệ quan trọng nhất làm thay đổi hoàn toàn lịch sử Hoa Kỳ Brown v. Board of Education (1954), nơi mà Tối cao Pháp viện chính thức tuyên bố rằng việc chia rẽ sắc tộc trong giáo dục là vi hiến. Không chỉ vậy, các án lệ và nguyên tắc pháp lý hình thành bởi những vụ mà ông chiến thắng tiếp tục được dẫn chiếu sử dụng để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em, các nhóm giới tính khác hay phạm nhân…
Tốt nghiệp trung học vào năm 16 tuổi, và tốt nghiệp trường Đại học Lincoln vào năm 1930, Marshall cố gắng nộp đơn cho ngành luật tại trường Đại học Maryland danh tiếng. Tuy nhiên, hồ sơ của ông bị từ chối vì vấn đề sắc tộc, và họ không chào đón sinh viên da đen. Marshall do đó theo học luật tại trường luật của Đại học Howard. Ba năm sau, Marshall bắt đầu tham gia tranh tụng, và vụ đầu tiên của ông nhắm trực tiếp vào trường Maryland, với phán quyết bắt buộc ngôi trường này phải từ bỏ chính sách chia rẽ sắc tộc của mình.
Kể từ thời điểm đó, luật sư Marshall dành hơn 30 năm theo đuổi các vụ kiện nhằm bảo vệ người da đen, bảo vệ tài sản cũng như chống lại các bản án oan sai dành cho họ.
Đi khắp mọi miền đất nước và không khuất phục trước bất kỳ lời đe dọa nào, từ những người da trắng phân biệt chủng tộc cho đến những nhóm da đen cực đoan đòi ly khai (mà điển hình là Malcolm X), Thurgood Marshall trở thành niềm tin công lý của cộng đồng người da màu toàn Hoa Kỳ. Sự hiện diện của ông mạnh mẽ đến nỗi, trong tác phẩm Devil in the Grove, nhà báo Gilbert King – người được trao giải Pulitzer năm 2013 – đã mô tả:
“Tại thời khắc đen tối nhất của người da đen ở miền Nam Hoa Kỳ sau khi nội chiến kết thúc, khi trai tráng phải ngồi tù vì bị xử oan, khi phụ nữ và trẻ em khóc than trước nhà cửa hoang tàn bị những nhóm cực đoan da trắng đốt thành tro, niềm hy vọng sẽ lại rực sáng khi họ nghe được hai chữ: Thurgood đang đến (Thurgood’s coming – ND)”
William Edward Burghardt Du Bois (W.E.B Du Bois): Nhà tư tưởng của tương lai
Nói về triết học căn tính và sự công nhận (the philosophy of identity and recognition) trong nền chính trị hiện đại, Du Bois (1868 – 1963) là một trong những người tiên phong ít ai nhắc đến. Trong phần dẫn nhập của quyển sách nổi tiếng The Souls of Black Folk phát hành hồi năm 1903, ông nhận định rằng “khúc mắc của thế kỷ 20 sẽ là khúc mắc của ranh giới màu da”. Lời tiên tri này vẫn đúng khắp mọi nơi, sau hơn một thế kỷ của xung đột, đấu tranh và đổ máu.
Khác với rất nhiều các nhà tranh đấu vì bình đẳng chủng tộc trong quá khứ cũng như hiện tại, Du Bois phân tích vấn đề phân biệt chủng tộc và nguồn gốc của nó như là một chủ thể triết học cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. Theo bình luận của Stanford Encyclopedia of Philosophy, Du Bois là người mở đường, hay thậm chí, sáng tạo nên lĩnh vực triết học chủng tộc. Bằng triết học nghệ thuật, triết học xã hội và triết học chính trị, ông biến chủng tộc trở thành một đề tài triết học có phạm vi, có mục tiêu, và có thể giải đáp bằng các câu hỏi triết học chuyên sâu.
Du Bois được sinh ra vào năm 1868, tại Massachusetts ở Đông Bắc Hoa Kỳ, và nhờ vậy may mắn thoát khỏi kiếp nạn nô lệ ngay từ khi sinh ra. Nói về năng lực học thuật thì có lẽ không ai có thể phủ nhận tài năng của Du Bois. Tốt nghiệp đại học tại Harvard, và là người da đen đầu tiên nhận bằng tiến sĩ triết học tại Harvard, Du Bois nhanh chóng trở thành một cái tên đáng chú ý trong làng triết học Hoa Kỳ.
Cho đến khi mất, Du Bois để lại hơn 10 tác phẩm triết học và hàng loạt tiểu thuyết khác nhau. Ví dụ, trong tác phẩm đầu tiên của ông, The Study of the Negro Problems (1898), Du Bois cho rằng có hai vấn đề lớn nhất trong đời sống người da đen:
Một là định kiến chủng tộc, trong đó các sắc dân khác từ chối cho phép người da đen tham gia vào đời sống quốc dân mà không quan tâm đến tình trạng và năng lực thật sự của họ.
Hai là vấn đề nội tại bên trong các cộng đồng người da đen, vốn không được tiếp cận với giáo dục dẫn đến hiện tượng vô minh hiển nhiên trong cộng đồng. Kèm theo đó là xuất phát điểm kinh tế thấp, cũng như chưa có kinh nghiệm trong nghệ thuật tổ chức đời sống xã hội.
Thú vị hơn, ông còn cho rằng dù khoa học (thời điểm đó) chỉ có thể kết luận có ba chủng tộc đang cùng tồn tại (đen, trắng, vàng), lại có đến bảy – tám loại chủng tộc tinh thần đang tồn tại song song với những đặc trưng văn hóa, chính trị, xã hội hoàn toàn khác biệt, và việc tìm hiểu chúng không thể chỉ giới hạn trong “màu” của làn da.
Các các đề xuất của Du Bois trở thành những tiếng nói vượt thời gian, là nền tảng của không chỉ của các thảo luận mới về người gốc Phi, mà còn của triết học chủng tộc trong tương lai lâu dài phía trước.