Tiền tệ hóa giáo dục và lời hứa bình đẳng về cơ hội học hành

Ảnh: Thanh Tùng/Vietnamnet
- Quảng Cáo -

Chúng ta cần phải cải cách giáo dục, nhưng cái giá là gì, và ai sẽ chịu trả nó?

Việc nữ sinh lớp 10 uất ức phải tự tử tại An Giang, quanh đi quẩn lại, theo thông tin có được cho đến nay, dường như vẫn là tiền. Có thể tranh luận rằng cái lỗi “nặng” nhất của nữ sinh này, dẫn đến những xung đột nhỏ nhặt khác như quần áo mỏng, ghi âm giáo viên nói và hàng loạt các “đòn thù” sau đó… đến từ việc gia đình cũng như nữ sinh trong vụ việc không chấp nhận việc đóng học phí học phụ đạo hằng năm cho nhà trường. Tư duy duy vật biện chứng của Karl Marx giờ quay trở lại ám ảnh những người tin yêu, thờ phượng nó: vật chất quyết định ý thức.

Nếu thật sự cái gốc của vấn đề là chỗ này, thì đây hẳn là vấn đề hệ thống nói chung của nền giáo dục Việt Nam, cũng như rất nhiều “nền” khác.

- Quảng Cáo -

Giáo viên, giảng viên lương không đủ sống.

Giáo viên, giảng viên chật vật làm thêm để theo nghề.

Đấy là chưa kể hàng loạt những tiêu cực kèm theo đó để “vào biên chế”, để “làm lãnh đạo”.

Các nhà “thị trường chủ nghĩa”, những người cấp tiến và theo tư tưởng tự do nhất tại Việt Nam, lâu nay vẫn kêu gọi cho một nền giáo dục cởi mở hơn. Nhưng cái giá của nó, cũng theo họ, là giáo dục phải được định giá theo giá thị trường.

Tôi vẫn nhớ từng tranh luận gay gắt thông qua mạng xã hội với một giảng viên danh tiếng trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Bà chắc nịch rằng giáo dục phải đắt, bất kể tư hay công.

Đắt thế thì mới có chất lượng.

Đắt thế giảng viên mới dư sống, mới cống hiến được.

Giá cao, chất lượng cao, đời sống giáo viên – giảng viên bảo đảm thì ai cũng đều thắng – họ tin tưởng. Sinh viên, học sinh chấp nhận bỏ tiền ra mua dịch vụ thì vị thế khác, cũng không phải sợ trù dập hay áp bức gì ghê gớm.

Tư duy này thắng thế hoàn toàn ở Việt Nam.

Phong trào tự chủ (mà quan trọng nhất là tài chính) trong giáo dục đại học, rồi từ đó có khả năng mở rộng tự chủ trong giáo dục phổ thông, gần như trở thành phương hướng đúng đắn không thể bàn cãi, không thể suy xét lại.

Chính phủ thì nhẹ gánh tài chính.

Nhà trường thì tự do tăng thu nhập và mở rộng “sản xuất – kinh doanh”.

Thực trạng cho thấy chi phí đào tạo giáo dục tại Việt Nam vẫn đang tăng phi mã hàng năm, với khả năng bắt kịp mức trung bình khu vực.

Nhưng còn những lời hứa của chủ nghĩa xã hội thì sao?

***

Chủ nghĩa Marx truyền thống luôn có cái nhìn tiêu cực về hệ thống giáo dục – đào tạo nghề nói chung của xã hội phương Tây.

Theo họ, hệ thống giáo dục này tái củng cố bất công giai cấp (trẻ em thuộc giai cấp cao hơn nhận được nền giáo dục tốt hơn), hợp lý hóa bất công giai cấp (bởi các thế hệ mới tin rằng vì mình không giỏi bằng bè bạn thì đương nhiên phải ở địa vị thấp hơn), và đào tạo kỹ năng cần thiết để phục dịch giới tư bản (học nghề, thu thập kiến thức cũng chỉ nhằm cạnh tranh trong thị trường lao động và sau đó bị các nhà tư bản bóc lột).

Dựa trên nền tảng triết lý đó, giáo dục xã hội chủ nghĩa, hình thái bắt buộc phải trải qua để tiến lên chủ nghĩa cộng sản không nhà nước, theo các nhà Marxist truyền thống, phải là nền giáo dục phổ quát, phải là nền giáo dục mà ai cũng có thể tiếp cận. Chỉ có như thế, họ mới tạo ra được những con người xã hội chủ nghĩa, những người tự do hơn tự do của tư bản và đạt năng suất cao hơn năng suất tư bản, theo đó thay đổi và tái cấu trúc xã hội loài người.

Sau năm 1986 và hàng loạt những cải cách sau đó, lời hứa về một cuộc sống an bình và đầy đủ bất kể năng lực của bạn như thế nào, đã chết. “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” và “Đại đồng xã hội” tiêu biến.

Phân hóa xã hội Việt Nam dựa trên tư bản và quyền sở hữu tư liệu sản xuất đang cao hơn bao giờ hết.

Cái gốc cuối cùng còn lại của lời hứa xã hội chủ nghĩa là một xuất phát điểm và cơ hội bằng nhau cho tất cả các đứa trẻ: giáo dục.

Khi mà chủ nghĩa thực dụng (pragmatism) và chủ nghĩa tương đối (relativism), trong cái áo của chủ nghĩa Marx, thắng thế, người ta bắt đầu xét lại các nguyên tắc Marxist và hô hào cho một nền giáo dục thị trường. Cái rễ cuối cùng, và lời hứa tốt đẹp cuối cùng của chủ nghĩa xã hội, bật gốc.

***

Tôi có khá nhiều bất đồng về tư tưởng với Marx và khá nhiều vấn đề cá nhân với mô hình nhà nước Việt Nam đương đại. Tôi có một niềm tin mãnh liệt vào tự do học thuật và thị trường giáo dục tư nhân. Tuy nhiên, tôi vẫn nhận thức được rằng mình (và rất nhiều đứa trẻ cùng hoàn cảnh tương tự) may mắn là một sản phẩm của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa.

Trường Đại học Luật ngày xưa tôi theo học, chỉ cách đây 10 năm, thu học phí vừa hơn hai triệu đồng cho một năm học. Với học bổng khuyến khích học tập ở khoảng hai triệu đồng một học kỳ, tôi có thể cố gắng theo học gần như hoàn toàn miễn phí.

Xuất thân gốc gác bần cố nông, năng lực của tôi vẫn được ghi nhận một phần. Tôi có cơ hội tiếp cận với giáo dục phổ thông, với giáo dục đại học, với Anh ngữ và rồi từ đó có cơ hội theo học và tiếp thu kiến thức tại các trường đại học nước ngoài. Điều đó chỉ có thể nhờ vào nền giáo dục đại chúng và phổ quát xã hội chủ nghĩa, nhờ vào quá trình bình đẳng hóa cơ hội dành cho mọi trẻ em, mọi thanh thiếu niên thế hệ đầu sau Đổi Mới.

Nó là lý do duy nhất giúp người viết không phải cúi mặt khi đứng cùng con cháu của những “tầng lớp tinh anh”, “tài phiệt” trong thời kỳ này. Ít nhất là về sự tự hào tri thức.

Nay, các trường Y, Dược (vốn đều là các trường công) đã bắt đầu thu học phí hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Các trường đại học công lập khác trên toàn quốc đã có mức học phí hằng năm trung bình từ 40 triệu đến 60 triệu một năm, tức gấp 6 lần thu nhập bình quân năm thấp nhất của người dân Việt Nam. (Số liệu GDP per capita tham khảo tại đây)

Áp lực thị trường và đời sống đẩy các trường học thuộc cấp phổ thông phải chạy đua theo để tăng thu nhập cho nhân viên, giảng viên.

Giáo dục Việt Nam có hàng vạn vấn đề. Chương trình dạy học, mô hình đào tạo và tuyển chọn giáo viên, chênh lệch ngân sách giữa vùng núi và vùng đồng bằng, ngân sách chung cho toàn bộ ngành so với các ngành khác (như công an chẳng hạn)… Tôi nhận thức được rằng chúng ta cần phải cải cách, hướng tới một tương lai giáo dục mới cho trẻ em, thanh thiếu niên Việt Nam.

Song tôi cũng nhận thức được rằng cái giá của sự đổi thay đó, từ tăng lương, đổi mới giảng đường, tăng cường hiệu quả giảng dạy… có thể được trả bằng rất nhiều chủ thể nhà nước khác nhau.

Trớ trêu thay, khi không chủ thể nào mong muốn quyền lợi của mình bị xâm phạm, và cái giá của sự thay đổi đó được đặt lên đầu của trẻ em, bằng cách tiêm nhiễm vào đầu chúng nền giáo dục dành cho người giàu và nền giáo dục dành cho người nghèo, phép nhiệm màu xã hội chủ nghĩa còn lại gì? Và chúng ta theo đuổi chúng để được gì?

Nguồn: Luật Khoa Tạp Chí

- Quảng Cáo -