Nguyện vọng cuối cùng phải đánh đổi bằng mạng sống của ông Lương Hữu Phước sẽ không thể thành hiện thực. Bởi nền tư pháp tỉnh Bình Phước và của cả Việt Nam sẽ vẫn không thể thức tỉnh dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng cộng sản vô địch, cùng sự chi phối của tiền và quyền thế trong các bản án.
Không phải đến hôm nay mới có ông Phước thể hiện sự việc mong đợi một bản án công tâm bằng cái chết. Trước đó đã có người uống thuốc độc tại tòa Ninh Thuận, mổ bụng trong tòa ở Cần Thơ… để mong có bản án công minh trước sự oan ức của mình cũng chẳng làm các quan cộng sản trong bộ mặt phán xử băn khoăn.
Quan tòa và cả hệ thống cầm quyền vẫn luôn tự cho mình luôn làm đúng, hoàn thành chức trách một cách công tâm, trên nền tảng pháp lý chặc chẽ. Vậy ở đâu có những bản án đầy oan ức, với nhiều năm tù đầy cay nghiệt cho Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén, Trần Văn Thêm…?
Và Hồ Duy Hải trong một bản án tử đang có quá nhiều sai sót của cơ quan điều tra, hồ sơ, tố tụng, lẫn xét xử. Thêm một mạng người có thể sắp bị tước đoạt bởi nền tư pháp xã hội chủ nghĩa với công lý không cần phải được thực thi.
Tại Việt Nam án dân sự việc tuyên bên nào thắng, mức độ nặng nhẹ không phải được quyết định bởi sự việc, chứng cứ, công lý, mà ở việc các bên bỏ tiền ra như thế nào, đến những đâu và thân thế ra sao. Trong các án hình sự chuyện này đâu phải không có.
Các vụ án liên quan đến chính trị, an ninh lại càng không có công lý. Ý thức hệ cộng sản dẫn dắt công an, chễm chệ ngồi ghế công tố, phán xử với những bản án đã được soạn sẵn trước phiên tòa diễn ra.
Nền tư pháp Việt Nam thời chính quyền Cộng Sản luôn thể hiện què quặt, bởi sự bẻ cong luật pháp. Một nhóm người có đặc quyền về nhân thân, truyền thống gia đình, đóng góp từ đời tám hoánh để được ưu ái đánh khẽ, bỏ mặt tên tội phạm từ “nhân thân tốt” chạy loanh quanh.
Ở đó người ta phải ở tù chẳng cần tòa án xử. Người đi tù không hẳn vì có tội. Người có tội thực sự chưa chắc phải thân phải ở tù. Những việc như thế xảy ra khắp mọi nơi trên đất mẹ Việt Nam trong hơn 75 năm qua đến hôm nay vẫn chưa có tín hiệu kết thúc.
Ngoài chốn công đường, người Việt Nam đa phần vẫn giữ thái độ thờ ơ trước bất công, tự lý giải việc đó chưa động đến, chẳng liên quan của mình. Trong suy nghĩ, hơi đâu lo chuyện bao đồng. Chỉ có người ngu, kẻ dại đi rước cái khổ vào thân khi đấu tranh với nhà cầm quyền. Người Việt thiếu khao khát một nền tư pháp độc lập, công lý được tôn trọng, thực thi theo tiêu chuẩn thượng tôn pháp luật.
Chỉ cần một Mohamed Bouazizi, ở Tunisia đã thổi bùng lên ngọn lửa thiêu rụi nhiều thể chế độc tài châu Phi, Trung Đông.
Chỉ cần một George Floyd bị cảnh sát khác màu da khống chế quá mức trong sự vô cảm đã đưa nhiều người Mỹ xuống đường trong ý thức khát khao khát sự bình đẳng thật sự từ trong suy nghĩ.
Nhưng ở Việt Nam có thêm hàng trăm cái chết đầy oan ức như Lương Hữu Phước, Lê Đình Kình… bởi những kẻ nhân danh chính quyền, công lý người dân vẫn cứ dửng dưng, hoặc tìm cách chạy trốn trong một lý do khác.
Người Việt hôm nay sẵn sàng thỏa hiệp với cái xấu để yên thân, làm giàu… Làm ngơ trước bất công, bạo quyền để kiếm tiền, một chút bố thí qua từ thiện, cúng vái thần thánh, trời phật mua chuộc đời sau.
Người Việt đang thiếu tổ chức tin cậy, sự vận động đúng cách. Trên hết người Việt hôm nay còn thiếu cả sự căm hờn bất công.
Tôi mong người Việt khao khát một nhà nước tử tế như khao khát, ý thức độc lập quốc gia. Bởi trong việc này, người Việt từ bao đời nay sẵn sàng đánh đổi máu, khác biệt được gác lại để dành độc lập.
Người Việt hàng ngàn năm dưới sự cai trị, đúng hơn nô lệ của Khổng giáo, gần 75 năm dưới chế độ toàn trị cộng sản, thuần phục, sợ hãi nhà cầm quyền trở thành truyền thống xuyên thời đại./.