Cho đến khi tin ông Phước nhảy lầu được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, dư luận mới ngỡ ngàng và bàng hoàng về số phận một người đàn ông, vốn chịu nhiều đau khổ trước đó, với một cuộc đời bất hạnh bị dòng đời xô dạt theo cái chết của người con gái…
Trôi từ Long An, ông Phước cùng 2 người chị dạt về Đồng Xoài, mua được mấy mẫu đất trong suối Bàu Năng, cuối cùng mảnh rẫy của ba chị em cũng bị thu hồi không một đồng đền bù!
Có lẽ Lương Hữu Phước đã chọn cho mình một cách ứng xử ẩn nhẫn nhất, cốt chỉ mong được sống một cuộc đời bình lặng, sau những dập vùi!
Lương Hữu Phước – một người đàn ông bình thường – không ai biết tới ngoài vài người bạn cũng bình thường nốt – lại trở thành đại diện cho nỗi oan ức của người Việt Nam – bằng cái chết bi thảm trong một vụ án thật… đơn giản (!)
Dấy lên trong suy nghĩ của người đời, lại là chi tiết “được tại ngoại” suốt 3 năm qua, để giấc sáng của phiên phúc thẩm nghe tuyên án, rồi giờ chiều cùng ngày, Lương Hữu Phước chọn ngay trụ sở tòa Bình Phước để nhảy lầu, không phải một nơi nào khác…
Có lẽ suốt 3 năm tại ngoại, sự việc người bạn chết cũng dần phai nhạt trong tâm trí Lương Hữu Phước – bởi vốn dĩ ngay cả luật sư cũng xác định, lỗi không phải của ông?
Có lẽ cũng vì thế, người ta có thể hiểu được tâm trạng của Lương Hữu Phước – một tâm trạng của người đinh ninh mình vô tội?
Có lẽ cũng vì thế, Lương Hữu Phước sốc nặng với lời tuyên án lạnh lùng từ bà thẩm phán Lê Hồng Hạnh?
Có lẽ cũng vì thế, trước khi nhảy lầu tự vẫn, ông Phước đã viết trên facebook cá nhân: “Nếu cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chớ!”?
Ba năm tù giam không phải là thời gian quá dài cho một cuộc đời, tại sao hành động nông nổi vậy?
Ba năm tù giam để đánh đổi cả một sinh mạng là điều dại dột?
Biết bao nhiêu người oan khiên gấp trăm lần, người ta vẫn không chọn cái chết, tại sao Lương Hữu Phước chọn?
Hồ Duy Hải – một thanh niên vô tội bị kết án tử hình vẫn thiết tha sống kia mà?
Tại sao Lương Hữu Phước không sống để đi đòi công lý?
Cái chết của Lương Hữu Phước “đáng” cho những ai và cho điều gì?
Người ta không kịp hỏi hay ông Phước chưa kịp nói trong tâm trạng tuyệt vọng tột độ vào lúc đó?
Bất giác, những câu nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bỗng vang lên:
Người nằm co như loài thú khi mùa đông về
Người nằm yên không kêu than buốt xương da mình
Từng tiếng người, nhiều tiếng người gọi hoài giữa đêm
Người nằm co như loài thú trong rừng sương mù
Người nằm yên không kêu than chết trên căn phần…
Dáng người đàn ông nằm chết cong queo như dấu chấm hỏi…
Quá nhiều dấu chấm hỏi từ cái chết của Lương Hữu Phước nhưng có lẽ người dân Việt Nam không cần câu trả lời từ “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”?
Và một dấu chấm hỏi cuối cùng, hỏi thay giùm Lương Hữu Phước:
Cái chết mang hình dấu chấm hỏi của người đàn ông bình thường, tội nghiệp đó, có bao giờ người Cộng Sản Việt Nam hồi đáp bằng lương tri và lương tâm làm người?
_______________
Nguyễn Ngọc Già