Trong lần về quê ăn Tết hồi đầu năm nay, để rồi ‘kẹt’ luôn ở Việt Nam đến tận lúc này vì con virus cúm Tàu, tôi đã ngớ ra khi vài người bạn học cũ nói sở dĩ miền Tây cạn nước vì người miền Bắc vô đây nhiều quá.
“Hồi đó mần lúa một vụ, kéo dài cả 6 tháng, tụi tui đâu cần chi đến chuyện thủy lợi, rồi đắp đê ngăn mặn, giữ nước ngọt để làm luôn một lèo 3 vụ/ năm. Hồi mấy chục năm trước, lúa gạo miền Nam ùn ùn ra Bắc để trả nợ viện trợ chiến tranh. Giờ nợ dứt rồi, sao cứ ép tụi tui nghề mần ruộng vẫn phải nai lưng ra làm để cho tụi nó ăn?”.
Ông anh hai của bạn tôi, năm nay tuổi ngoài 70 rồi, đã nhiều lần ý tứ như trên ở mấy buổi nhậu.
Năm nay hạn mặn ở xứ tôi kéo dài lắm, từ tháng chạp năm ngoái đến tận bây giờ. Lúa chết, sầu riêng ngoắc ngoải, chuối vàng là, dừa không đậu trái, người dân thì… ở dơ thường kỳ vì phải dành nước ngọt cho nấu ăn, và cho… bò, dê uống nữa (cứ hễ mấy con vật này mà uống nước nhiễm mặn là nó bị ‘Tào Tháo’ rượt ngay!).
Ông anh hai của bạn tôi có quen một ông bạn tên Dương Văn Ni, dạy bên trường Đại học Cần Thơ. Ông thầy giáo này nói rằng chuyện hạn mặn hiện nay, thật ra là bắt đầu từ hồi có những công trình lớn như đê biển, kênh mương dẫn ngọt, cống đập ngăn mặn nhằm chuyển dịch một nền sản xuất cổ truyền sang hiện đại. Như thay đổi giống cây trồng vật nuôi, thêm nguồn phân bón hóa học, thuốc sâu thuốc bệnh, tưới tiêu chủ động bằng những trạm bơm và hệ thống mương nổi mương chìm…
Ông thầy giáo không đổ thừa tại người miền Bắc, nhưng ông lại ý nhị nói vầy, xin kể ra đây như câu chuyện để suy ngẫm trong thời gian dịch corona hoành hành, đặc biệt là giai đoạn mà nhân sự cho nhiệm kỳ mới của đảng cầm quyền đang rốt ráo nước rút:
“Hãy bắt đầu bằng cách hỏi xem có bao nhiêu người đã tự hỏi ‘làm sao đủ nước?’ trước khi quyết định ra định cư ở vùng ven biển. Và nếu bản thân họ chưa chuẩn bị lu kiệu để hứng nước mưa; chưa chuẩn bị đào ao, đào đìa để giữ nước mặt, thì xem như mục tiêu bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho cộng đồng đã bị ‘thất thủ’ từ vòng một.
Kế đến là xem các cấp chính quyền địa phương có quy hoạch khu dân cư không? Nếu có thì ắt phải có hạ tầng nước sạch, còn nếu chưa, thì với mật độ dân cư đông đúc và chính sách hợp lý, thì cũng sẽ có người đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch. Lúc này việc dẫn đường ống cấp nước, đào hồ chứa, khoan giếng hoặc xây nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt cũng trở nên dễ dàng hơn, miễn là có hiệu quả kinh tế. Còn nếu người dân vẫn ở rải rác như hiện nay và cũng không có quy hoạch cụm tuyến dân cư, thì xem như mục tiêu cung cấp đầy đủ nước sinh hoạt cho cả vùng duyên hải đã bị ‘vỡ trận’ ở vòng hai.
Rồi mọi người từ cấp nông hộ, địa phương đến trung ương cũng phải xem cây trồng, vật nuôi đang sản xuất có ‘thuận thiên’ chưa? Đưa một giống cây con không có khả năng chịu mặn vào một vùng thường xuyên bị ảnh hưởng mặn, thì chỉ làm tăng rủi ro trong tương lai, dẫn đến hao tiền tốn của người dân và lãng phí nguồn lực của xã hội. Điều này nên được tư duy lại theo dạng đầu tư kinh tế, ví như việc xây một công trình ngăn mặn hay trữ ngọt thì phải tính cho sản xuất cái gì và trong bao lâu sẽ thu hồi đủ vốn.
Cuối cùng cũng cần tìm hiểu xem vì sao người dân phải ra vùng còn nhiều khó khăn như vậy để định cư? Và nếu họ đến nơi đây không phải để ‘làm giàu’, mà để ‘sống qua ngày’ thì nên hiểu vấn đề cần giải quyết không phải chỉ đơn giản là ‘thiếu nước’!…”.
Ông anh hai của bạn tôi thì không dông dài như ông thầy giáo, song nghe vẫn đầy bụng chữ nghĩa của một lão nông từng là cựu sĩ quan võ bị Đà Lạt thời Việt Nam Cộng Hòa: “Bằng thời gian sống và thích nghi trên những vùng khác nhau, ông bà tụi tui đã chọn lựa ra hàng trăm giống cây trồng, vật nuôi với vô số kinh nghiệm từ làm đất, giữ nước, kê liếp rỏ mặn, hay tiêu úng xổ phèn.
Những con người tiên phong đó cùng với kho tri thức bản địa quý báu tích cóp trong quá trình sản xuất, góp phần hình thành nên một đồng bằng sông Cửu Long trù phú. Họ không cần đến một bảo tàng để tôn vinh, mà con cháu của họ hôm nay cần những nhà quản lý biết thuận thiên, biết dừng nhiệt tình cộng khoác lác lại là được…”./.