Nước Mỹ đã mất hàng trăm ngàn nhân mạng, đã chi hàng tỉ USD để hỗ trợ người dân của họ và chi nhiều tỉ USD nữa để hỗ trợ các quốc gia khác.
Chính phủ Việt Nam đã chi 62 ngàn tỉ đồng cho người dân nhưng tiền vẫn đến nhỏ giọt với người dân, một số tỉnh vận động dân không nhận tiền hỗ trợ.
Giá xăng dầu và các mặt hàng rớt, giá vàng tăng.
Chứng khoán của một số quốc gia tuột dốc thê thảm.
Nền kinh tế của nhiều quốc gia đối mặt với cái chết lâm sàn.
Nền kinh tế mũi nhọn, tức ngành du lịch Việt Nam và mọi quốc gia đều đông cứng gần nửa năm nay.
Mặc dù là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhưng Mỹ vẫn dốc túi để cứu trợ thế giới, điều này mang ý nghĩa gì?
Thực tế, nếu chỉ nhìn việc Mỹ dốc túi để viện trợ các quốc gia khác bị thiệt hại bởi dịch cúm Vũ Hán trên góc độ nhân đạo không thôi thì chưa đủ. Đương nhiên, nếu không vì nhân đạo, Mỹ sẽ lựa chọn một phương cách khác. Nhưng ở đây, vì nhân đạo, và vì một tiến trình phát triển kinh tế thế giới theo hướng nhân đạo nên Mỹ buộc phải dốc túi để viện trợ thế giới trong khi những nước được nhận viện trợ không bị thiệt hại bởi cúm Vũ Hán nặng nề giống như Mỹ.
Nếu nhìn bên ngoài sẽ thấy ở đây một sự phi lý. Nhưng nhìn sâu vào bản chất của nền kinh tế Mỹ thì chắc chắn một điều, đây là cách lựa chọn của một quốc gia đàn anh, một lãnh đạo kinh tế và chính trị thế giới. Và có một điều dễ hiểu, Mỹ là quốc gia của tiêu thụ, cung cách Mỹ là cung cách tiêu thụ, bản chất kinh tế Mỹ là nền kinh tế tiêu thụ. 1.200 USD/mỗi công dân Mỹ bởi chính phủ viện trợ nó không phản ánh rằng người dân Mỹ đói kém, không còn khả năng tồn tại mà phải dựa vào số tiền của chính phủ để thoi thóp sống. Không, hoàn toàn không phải vậy, vấn đề ở đây là chính phủ Mỹ tuyệt đối không để nền kinh tế quốc gia đi đến chỗ đóng băng. Nghĩa là cho dù trong tình trạng cách ly, nhưng các công ty như Walmart, Amazone, Lowe’s… vẫn hoạt động và tăng cường công suất hoạt động lên vài trăm lần, tuyển dụng một lượng lớn nhân viên đi giao hàng để đảm bảo các hoạt động mua bán không bị đình trệ.
Và đương nhiên, với tình trạng cách ly, nhiều cơ xưởng tạm đóng cửa, mối lo lớn nhất của chính phủ là người dân sẽ tự giảm sức mua, tiết kiệm tiền phòng thân. Một khi sức mua giảm thì kéo theo chuỗi hệ lụy các sản phẩm giảm lượng tiêu thụ, sức sản xuất bị co cụm tỉ lệ. Và một khi chuỗi co cụm này diễn ra thì nền kinh tế quốc gia có nguy cơ dẫn đến đông cứng và đi đến kiệt quệ. Chính vì lo sợ trước nguy cơ này mà chính phủ Mỹ đã kích hoạt sức mua bằng gói viện trợ 1.200 USD cho các công dân của họ. Điều này đừng nhầm tưởng đây là gói cứu đói hoặc gói cứu tế. Hoàn toàn không phải vậy, nước Mỹ, một siêu cường kinh tế, không dễ dầu gì người dân của họ có thể nhanh bị đói, nhành bị rỗng túi mới chỉ sau hơn tháng cách ly như vậy được!
Và, tại Việt Nam, cũng có gói viện trợ 62 ngàn tỉ đồng cho những người thuộc diện chính sách, người nghèo, người cận nghèo và khó khăn. Đương nhiên, tại Việt Nam công tâm mà nói, người nghèo, người khó khăn đã có những ATM gạo, có các hội từ thiện, có các chùa, các tăng đoàn và Phật tử, các giáo xứ trợ giúp. Nếu xét trên diện thiếu ăn, đói ăn trong đợt dịch này, có vẻ như Việt Nam không mắc phải. Bởi lẽ, bình thường, những người khó khăn không biết dựa vào ai thì khi dịch tới, trên tinh thần lá lành đùm lá rách, người có tiền đã rộng tay giúp đỡ người nghèo khó, chén cơm chan hòa, không có người bị đói, chắc chắn là như vậy. Hơn nữa, vấn đề giãn cách cũng không đến nỗi gây đứt gãy mọi hoạt động giống như cách ly nên vấn đề kiếm cái ăn cũng không đến nỗi bí đường như tình trạng cách ly toàn diện.
Rõ ràng, gói cứu trợ 62 ngàn tỉ của chính phủ Việt Nam không đóng vai trò cứu đói và càng không đóng vai trò cứu trợ nhân đạo. Trên thực tế, gói 62 ngàn tỉ là một gói cứu trợ thông minh của chính phủ nhằm tạo ra lực kích cầu. Có lẽ chính vì vậy mà Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đôn đốc rằng phải gấp gáp, bằng mọi giá, trả hết tiền cứu trợ cho dân, không giữ bất kì đồng nào trong ngân sách. Điều này không phản ánh tính nhân đạo, bởi ngay từ đầu, vấn đề chưa đến nỗi phải cứu trợ nhân đạo mà mục tiêu của nó là kích cầu, tạo sức mua. Bởi một khi những người ít có khả năng mua cầm được tiền, đi mua sắm sẽ kích hoạt các hoạt động mua bán trong thị trường và kéo theo xung năng mua bán ở những nhóm khác có nhiều tiền hơn. Đây là thứ qui luật tâm lý lây lan trên thị trường mà Chính phủ Việt Nam đã sớm nhận biết. Có thể nói rằng gói cứu trợ 62 ngàn tỉ của Chính phủ cộng với hàng loạt mặt hàng được trợ giá là một hành xử thông minh của Chính phủ Việt Nam.
Thế nhưng bên dưới Chính phủ lại không thiếu những kẻ có tư duy rất giống loài gặm cỏ, cứ nghĩ rằng đơn giản đây là gói cứu trợ chống đói và là cơ hội để làm loe, để chứng minh với trung ương, với bên ngoài rằng “tỉnh em rất ngon lành, tỉnh em từ chối cứu trợ, tỉnh em tuy khó khăn nhưng đạt chỉ tiêu trên giao và người dân có ý thức, tỉnh em bla bla bla… ngon!”. Rõ ràng, kiểu tư duy thi đua, gương mẫu, đạo đức xã hội chủ nghĩa, người tốt việc tốt… đang được vận dụng tối đa trong việc giải ngân. Và các lãnh đạo tỉnh không hề nghĩ rằng đây là gói cứu trợ bắt buộc để kích cầu và bên cạnh đó, nhờ gói 62 ngàn tỉ này mà Chính phủ mới có cơ hội nhận gói 9,2 triệu USD của Mỹ viện trợ (cũng chẳng nhân đạo gì, đơn giản là một kiểu đảm bảo cung và cầu liên đới trên toàn thế giới).
Và ở đây, xúi dân từ chối nhận viện trợ chính phủ không những là không tốt mà lợi bất cập hại! Bởi một khi kèn chính phủ thổi xuôi, trống chủ tịch tỉnh đánh ngược, mục đích kích cầu của chính phủ bị chặn đứng bởi kiểu tư duy vừa dốt nát lại vừa ưa làm le của một số chủ tịch tỉnh. Hệ lụy của việc này, chắc không cần nói thêm, người nghèo thì không có tiền để mua sắm thêm một thứ gì đó, lại phải ăn nhín uống nhịn, thị trường lại tiếp tục giảm sức mua. Và khi sức mua giảm, kéo theo dây chuyền sản xuất đình trệ.
Có vẻ như chính phủ Mỹ và chính phủ các quốc gia phát triển đều thấy được điều này, trong đó gồm cả Việt Nam, nên việc ngưng xuất khẩu gạo, giảm giá các mặt hàng, mở gói cứu trợ là một cách đảm bảo an ninh tài chính không bị tổn thương. Có thể nói đây là lựa chọn tốt nhất. Nhưng chính cái kiểu tư duy nông cạn, quen với thành tích và thiếu trung thực của cấp dưới chính phủ đã đẩy sự việc đến chỗ vừa làm mất uy tín của chính phủ lại vừa gây tổn thất không nhỏ cho thị trường.
Cuối cùng, cúm Vũ Hán kéo qua như một bóng ma, hay nói khác đi, nó là loại thần chết với quán nhiều lưỡi hái trên tay và mạng người rụng xuống. Giữa thế kỉ 21 tiên tiến và khoa học tối tân, y tế đã đạt những thành tựu đỉnh cao, thế nhưng mọi thứ đều thúc thủ và tan tành trước cúm Vũ Hán. Hàng triệu người nhiễm, hàng trăm ngàn người chết, và con số nhiễm, con số người chết sẽ còn tăng nữa, chưa biết bao giờ mới chịu ngừng!
Trong đại dịch, nước Mỹ đã mất đi hàng trăm ngàn nhân mạng, chính phủ Mỹ đã chi hàng tỉ USD để hỗ trợ người dân của họ, ngoài ra, chính phủ Mỹ còn chia sẻ tài chính với nhiều quốc gia khác gồm cả Việt Nam. Đó là cách để xua đi bóng ma chết chóc trong nền kinh tế và an sinh xã hội toàn thế giới.
Thế nhưng có những bóng ma dốt nát đang nấp bóng đằng sau tấm thẻ đảng, những bóng ma phá hoại đang khoác áo thành tích, đang góp một phần không nhỏ vào nỗi chết chóc của nền kinh tế quốc dân và nền kinh tế khu vực, thậm chí nền kinh tế thế giới trong đại dịch này.
Rõ ràng, trong dịch có dịch và dịch cũng chỉ cho con người thấy được sự thật về khả năng, về năng lực của những kẻ ăn cơm của dân với danh nghĩa cán bộ nhà nước. Những kẻ có thể hô biến thiết bị y tế chống dịch lên vài tỉ đồng một cách dễ dàng nhưng người dân muốn nhận tiền từ chính phủ qua tay của họ thì khó vô cùng!