Phiên tòa Giám đốc thẩm vào ngày 6/5/2020 vụ án Hồ Duy Hải vừa được mở với kháng nghị của Viện Kiểm sát hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại, đã được sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội và cộng đồng mạng. Vụ án xảy ra từ năm 2008, với nhiều tình tiết oan sai, và sự kiên trì kêu oan của gia đình Hồ Duy Hải đã nhận được sự quan tâm rất nhiều của công luận, có thể trở thành vụ án oan điển hình của cả nền tư pháp Việt Nam từ trước tới nay.
Vụ án Hồ Duy Hải là một vụ án hình sự nổi tiếng ở Việt Nam xảy ra vào tối ngày 13 tháng 1 năm 2008 tại Bưu điện Cầu Voi, ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Trong đó, hai nữ nhân viên bưu điện tên Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân bị giết bằng cách cắt cổ. Đã có rất nhiều bài báo, bài viết nói về những sai sót, những vô lý của vụ án và những cái chết của 4 người có liên quan đến việc kết tội Hồ Duy Hải. Chúng ta chỉ đi vào một số ý kiến của Viện Kiểm sát Tối cao khi kháng nghị giám đốc thẩm vụ án.
“Theo Viện Kiểm sát, bản án sơ và phúc thẩm có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án.
Việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ, nhiều nội dung cần chứng minh của vụ án còn mâu thuẫn nhưng chưa được làm rõ.
Cụ thể, nội dung lời khai của Hồ Duy Hải mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi nhưng chưa được điều tra, thẩm vấn làm rõ tại phiên tòa.
Nhiều nội dung thể hiện sự mâu thuẫn về thời gian sau khi gây án, về việc tiêu thụ tài sản, về hành vi hiếp dâm bị hại. Kết quả khám nghiệm hiện trường và lời khai nhận tội của bị cáo có nhiều mâu thuẫn…” – Báo Pháp Luật Online ngày 6/5/2020.
Phiên tòa Giám đốc thẩm đã được mở, điều mà người ta quan tâm nhất, đó là Hồ Duy Hải có được minh oan, và thủ phạm vụ sát hại hai thiếu nữ có được tìm ra hay không, hay nói cách khác, công lý có được thực thi hay không?
Bởi vì ở Việt Nam, hoạt động tư pháp không độc lập, sự can thiệp của chính trị, nạn hối lộ cũng như những yếu kém nội tại của nền tư pháp đã dẫn tới rất nhiều oan sai cho người dân. Bản thân vụ án Hồ Duy Hải cũng là một điển hình về sự thiếu vắng công lý của nền tư pháp Việt Nam. Chính vì vậy, việc xem xét kết quả Giám đốc thẩm vụ án này không phải căn cứ vào các tình tiết của vụ án, không phải những chứng cứ ngoại phạm của Hồ Duy Hải… mà căn cứ vào các yếu tố dẫn tới việc đưa vụ án ra xét xử Giám đốc thẩm, và bối cảnh nền chính trị hiện nay ở Việt Nam.
Có rất nhiều yếu tố đưa tới việc quyết định mở ra phiên tòa Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, nhưng có hai yếu tố có lẽ có tầm ảnh hưởng quyết định việc Giám đốc thẩm vụ án cũng như quyết định kết quả của phiên tòa đặc biệt này.
Thứ nhất, Ân xá Quốc tế Na Uy đã gửi thư kêu gọi đến Chủ tịch nước trước đây là ông Trần Đại Quang vào ngày 07/5/2018 và Chủ tịch nước hiện nay là ông Nguyễn Phú Trọng vào ngày 23/10/2019 kèm theo chữ ký của 25.543 người Na Uy kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ bản án tử hình Hồ Duy Hải, và bảo đảm rằng Anh được hưởng một quy trình tái xét xử công bằng. Trong bối cảnh vài ba năm trở lại đây, Việt Nam đã có nhiều vết nhơ trên trường quốc tế, như vụ Trịnh Xuân Thanh, các vụ bắt bớ và đàn áp người bất đồng chính kiến, vụ giết cụ Lê Đình Kình ở Đồng Tâm…vv… thì việc vớt vát lại hình ảnh thông qua phiên tòa trả tự do cho người vô tội cũng là điều đáng thực hiện. Nếu Hồ Duy Hải được trả tự do thông qua phiên tòa này thì hệ thống tuyên truyền của đảng và nhà nước sẽ có cơ hội thể hiện cả trong và ngoài nước. Xin nhắc lại rằng, có nhiều yếu tố tác động tới việc mở ra phiên tòa Giám đốc thẩm, yếu tố này chỉ là một yếu tố quan trọng mà thôi.
Thứ hai, Ngày 24 tháng 7 năm 2019, Văn phòng Chủ tịch nước có công văn số 688 thông báo ý kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí xem xét, quyết định theo thẩm quyền, bảo đảm đúng pháp luật vụ án Hồ Duy Hải. Đây là yếu tố quan trọng số một trong việc mở ra phiên tòa Giám đốc thẩm cũng như kết quả của phiên tòa. Trong nền chính trị Việt Nam, với cơ chế tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, nếu như trước đây vị trí chủ tịch nước cũng chỉ là một trong ba bốn vị trí quan trọng, cá mè một lứa như nhau, thì một công văn này hầu như cũng không có tác dụng gì. Nhưng với ông Nguyễn Phú Trọng thì khác, ông ta đã xác lập được uy quyền bằng việc loại bỏ các đối thủ cũng như phát động chiến dịch Đốt Lò tương đối thành công, vì vậy tiếng nói của ông ta không thể xem thường và bỏ qua được.
Nhưng tại sao lại nói, công lý chưa chắc sẽ được thực thi? Bởi vì thực thi công lý thì phải tìm được thủ phạm của vụ án và lôi ra ánh sáng. Việc trả tự do, xóa án cho Hồ Duy Hải có thể sẽ được thực hiện, nhưng chưa chắc đã tìm được thủ phạm vụ án và đưa ra xét xử. Điều này có thể giải thích không khó lắm. Nếu truy cùng đuổi tận, sẽ lòi ra những sự can thiệp ở tầm mức rất cao, bứt dây động rừng. Yêu cầu công lý được bảo đảm không chắc so sánh được với sự bê bối của hệ thống được lộ ra trước bàn dân thiên hạ. Mặt khác, việc xử lý các cán bộ từ điều tra, tới viện kiểm sát và tòa án ở hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm sẽ làm đảo lộn toàn bộ cách thức, cơ chế của hoạt động tư pháp đang diễn ra hiện nay. Điều này thì ngay bản thân ông Nguyễn Phú Trọng cũng không muốn và cũng không thực hiện nổi. Vậy nên, điều hi vọng duy nhất, đối với những người quan tâm tới phiên tòa, đó là tự do cho Hồ Duy Hải mà thôi./.
Hà Nội, ngày 07/5/2020