Nguyễn Nam – (VNTB) – Một du khách là người Hà Nội kể rằng ông quá đỗi ngạc nhiên, khi ở một số nơi từng là cái nôi của cách mạng miền Nam, nhưng giờ đây dường như dân chúng nơi đó vẫn khốn khó hệt thời chiến tranh nồi da, xáo thịt.
**
Covid-19 đã cản bước chân của tôi ròng rã cả trăm ngày. Vừa giảm bớt cách ly xã hội, tôi phòng bị ra đi. Băng từ Buôn Mê Thuột xuống TP.HCM rồi đi xuyên ngang, dọc miền Tây tới tận đất mũi Cà Mau bằng xe hơi. Chuyến đi vào những ngày nghỉ 30-4 và 1-5 này tràn đầy cảm xúc.
Tôi có hai ngạc nhiên lớn: Thứ nhất, các thành phố như Cần Thơ, Bến Tre, Long Xuyên, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… đẹp đẽ, sạch sẽ, thông thoáng, trật tự, hiện đại và dễ chịu làm tôi rất ngạc nhiên. Tôi cứ phân vân mãi với câu hỏi không biết chính quyền địa phương Hà Nội có biết ngượng không khi vào học hỏi những nơi này?
Thứ hai, đi qua những địa phương giàu truyền thống cách mạng như Mỏ Cày, Sóc Bom Bo…, tôi được biết trước kia nhân dân ở đó rất nghèo khổ nhưng vẫn một lòng, một dạ làm cách mạng. Nhưng sao cho tới bây giờ họ vẫn rất nghèo khổ, khi cách mạng đã thành công non nửa thế kỷ rồi? Thật ngạc nhiên!”
Thật ra thì ở xứ dừa đồng khởi Bến Tre còn nhiều nơi nghèo khó lắm, chứ chẳng riêng Mỏ Cày. Với tỉnh này thì nơi nào mà chẳng giàu truyền thống cách mạng. Bến Tre đứng đầu bảng về địa phương hồi trước 1975, nổi tiếng toàn Việt cộng. Thế nhưng dường chừng nơi đây đời sống người dân không phải vì có công trạng với cách mạng mà được sung túc hơn – chưa kể dân oan Bến Tre chầu chực thưa kiện đất đai ra tận Hà Nội, nghe đâu cũng bộn.
So nhiều tỉnh, thành khác cùng ở miền Nam, đúng là Bến Tre nổi danh cái nôi của Việt cộng, nhưng lạ một điều là từ sau tháng tư 1975 đến nay, gần như trong hệ thống công quyền không có sự hiện diện của những người đến từ Hà Nội. Các quan chức trong bộ máy Đảng và Chính quyền ở Bến Tre toàn là người Bến Tre; và đến tận lúc này, mặc dù vậy, đây vẫn là tỉnh ‘đỏ’ nhất ở miền Tây.
Thậm chí những ‘tù nhân lương tâm’ tiếng là ở Bến Tre, thật ra cũng là người từ nơi khác đến tá túc. Nghĩa là tới tận hôm nay, vẫn là tỉnh ‘thuần’ cách mạng kiểu miền Nam như thời Mặt trận Dân tộc Giải phóng nhất, và trớ trêu thay cũng là tỉnh nghèo nhất nhì đồng bằng sông Cửu Long.
Có lẽ cũng nói thêm, dân Bến Tre vượt biên sau năm 1975 cũng nhiều, chẳng thua kém gì các nơi khác. Không ít Việt kiều xứ dừa đã về lại quê nhà để đầu tư làm ăn. Không ít dân Bến Tre là chính khách máu mặt cả thời chiến lẫn thời bình ở cả 3 bên: thắng cuộc – thua cuộc – bỏ cuộc (!?). Thế nhưng vì sao Bến Tre vẫn chưa giàu; và vì sao Bến Tre vẫn tiếp tục không chấp nhận để bất kỳ cán bộ nào đến từ miền Bắc theo chính sách ‘cơ cấu – luân chuyển’ về đây? – Đó là điều vẫn đang chờ đợi ở những bàn luận… công khai.