Tôi không nghĩ đã có dân tộc nào trên thế giới mở đầu trang sử của mình bằng một cuộc phân ly. Nhưng rủi thay, dân tộc ta đã có một trang sử khởi đầu như vậy. Đọc sử, chúng ta hãnh diện tự tôn về dòng giống con rồng cháu tiên. Điều đó, làm chúng ta quên bẵng đi ý nghĩa câu chuyện mẹ Âu Cơ đem 50 con lên núi, cha Lạc Long Quân đem 50 con xuống biển để bắt đầu một phân ly tiên khởi như định mệnh dân tộc.
Ngẫm xem, dân tộc này đã trải qua bao nhiêu cuộc phân ly kể từ ngày ấy? Ngày nay, lúc này, xứ sở thống nhất về lãnh thổ, nhưng cuộc phân ly từ lòng người vẫn cứ còn nguyên đó với nhiều sắc màu, vượt trội nhất với đỏ và vàng.
Cũng lạ, như một định mệnh trớ trêu, trong lá cờ đỏ lại có ánh vàng, trong lá cờ vàng lại có sắc đỏ, trong mình có ta, trong ta có mình, ta với mình đều là người Việt, mình với ta đều là đồng bào, ta với mình đều vỗ ngực yêu nước, nhưng mình với ta không đứng chung trong một sắc cờ! Và nếu cần phải chiến đấu với ngoại xâm, liệu ta với mình có đứng chung trong một chiến hào?
Tôi mơ hồ về câu trả lời, nhưng tôi sẽ chắc chắn hơn với câu trả lời “Có”, chỉ khi mà “ta” với “mình” đã có sự hòa hợp, hòa giải với nhau!
Vâng, sự hòa giải đấy là nan đề xứ sở, là giấc mơ 45 năm chưa trọn !
Đối diện với mỗi vấn đề, tôi vẫn thường hướng sự suy nghĩ của mình bắt đầu từ quá khứ để biết các bài học của lịch sử … Nhưng với vấn đề hòa giải, tôi muốn chúng ta bắt đầu câu chuyện từ nước Đức.
Không phải về một nước Đức phát xít của Hitler đã từng làm nhân loại kinh sợ, mà về một nước Đức thống nhất đã từng làm nhân loại phải ngã mũ kính phục từ sau sự kiện bức tường Berlin bị phá bỏ năm 1989. Chính là nước Đức mà khiến chúng ta, đã không thể đặt vô số câu hỏi tại sao khi đối chiếu với những vấn đề của đất nước mình.
Nước Đức, sau ngày thống nhất, chúng ta không rõ tại sao họ không đặt ra vấn đề buộc những người cộng tác với chính quyền Đông Đức cũ phải đi học tập cải tạo như đất nước ta ? Nhưng chúng ta phải nhận thấy rằng, nhờ đó, nước Đức đã không mất đi nguồn nhân lực chất xám cực lớn và quý báu từ một nửa quốc gia còn lại, xã hội không bị xáo trộn và cũng không phải đau đáu về việc phải hòa giải với các cựu thù hàng mấy thế hệ, mà nay tất cả đang là những đồng nghiệp với nhau, cùng kề vai sát cánh phụng sự trong chính quyền nước Đức, vì quyền lợi dân tộc Đức.
Nước Đức, sau ngày thống nhất, chúng ta không hiểu tại sao người dân Đông Đức cũ đã không chọn con đường đào thoát, tỵ nạn ra nước ngoài như người dân đất nước ta ! Và chúng ta cũng nhận thấy rằng, nhờ đó, hàng triệu người dân nước Đức đã không phải phiêu lưu đánh đố số phận của mình trên những chiếc ghe nhỏ giữa đại dương, với vô vàn bất trắc : bão tố, sóng biển, cá mập, hải tặc, tù đày và kể cả điều xấu nhất là cái chết trước khi đến được bến bờ mong muốn. Hơn cả thế, người dân Đức không phải đối diện với sự mất mát và nước Đức cũng không phải đối diện với sự ly tán hiện hữu dai dẳng trong lòng người dân nước mình.
Nước Đức, sau ngày thống nhất, chúng ta không rõ tại sao và như thế nào mà họ lại có thể chấp nhận một người vốn xuất thân từ một đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Đức thuộc Đông Đức cũ, nhưng chỉ 15 năm sau khi thống nhất, thì người này đã có thể trở thành người phụ nữ đầu tiên và trẻ nhất đắc cử vào chức vụ Thủ tướng đầy quyền lực của nước Đức thống nhất ? Bà Angela Merkel ! Bạn có nghĩ rằng, nếu người phụ nữ tài trí kiệt xuất này sống ở đất nước chúng ta, Bà có thể đã có một tương lai rất khác, khi mà đất nước chúng ta sau ngày thống nhất vẫn còn nguyên đó sự dè dặt trước những người có lý lịch không tương thích với chính quyền và trong quá khứ đã từng có chính kiến rất khác biệt với chính quyền.
Không chỉ câu chuyện từ nước Đức, mà những câu chuyện về sự hòa giải, hòa hợp từ Nam Phi, Miến Điện, thậm chí từ quốc gia Cao Miên láng giềng cũng đều là bài học hữu dụng.
Tại sao và tại sao ? Trả lời được những thắc mắc đó, chúng ta có thể trả lời cho con cháu đời sau biết lý do tại sao ông cha của chúng hiện nay phải kêu gọi hòa giải mối bất hòa có từ những thập kỷ năm mươi và một lần nữa vào thập kỷ bảy mươi của thế kỷ trước, giữa những người Việt có chung giòng máu Lạc Hồng, sinh từ cùng một bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ ?
Giữa thập kỷ năm mươi, năm 1954, không phải là một quốc gia bại trận như nước Đức. Trái lại, xứ sở chúng ta vừa mới bước ra khỏi cuộc chiến với tư cách là một quốc gia chiến thắng. Nhưng phần thưởng cho người chiến thắng không vinh quang như chúng ta thường nghĩ, thường thấy, mà cũng lại là sự phân ly như nước Đức bại trận !?
Giữa thập kỷ bảy mươi, năm 1975, sau cuộc chiến khốc liệt dai dẵng kéo dài hằng hai thập kỷ, trả giá bằng sinh mệnh của nhiều triệu đồng bào, cuối cùng xứ sở của chúng ta cũng có được thống nhất dưới bánh xích xe tăng nghiến trên đường phố Sài Gòn. Nhưng kể từ ngày ấy cho đến nay đã là 45 năm, xứ sở thống nhất, nhưng lòng người dân nước ta chưa bao giờ thống nhất! Vẫn vẹn nguyên sự phân ly như những ngày nội chiến tương tàn!
Sự phân ly lòng người đau đớn lắm, nó làm thân thể người mẹ Việt xanh xao yếu ớt, như vết thương mãi rỉ máu, chẳng bao giờ biết liền sẹo …
Ngẫm lại, quả là chúng ta đã từng có một Diên Hồng chói lọi trong lịch sử đoàn kết dân tộc vào thời Trần, nhưng suốt bốn ngàn năm lịch sử cho đến nay, hình như chúng ta cũng chỉ có mỗi trang sử lẻ loi ấy?! Thỉnh thoảng, tinh thần Diên Hồng ấy lại chớp lóe trong những thời khắc vận nước lâm vào cơn nguy khốn cùng cực, khi cơn nguy khốn đã qua, thì tinh thần Diên Hồng cũng chóng tan như làn sương sớm mai !
Chúng ta phải tự hỏi : Đã có thể chìa bàn tay hòa giải với các cựu thù ngoại nhân như Pháp, Nhật, Mỹ ! Nhưng chìa bàn tay hòa giải với chính đồng bào mình sao lại khó quá ?
Hòa giải, giấc mơ 45 năm chưa trọn. Có thể, sau 100 năm kể từ thời điểm 1975, khi những con người đã từng là đạo diễn, diễn viên và khán giả của câu chuyện phân ly lòng người khuất bóng, thì có thể con cháu của họ sẽ ngồi lại với nhau để viết nên trang sử mới của dân tộc, trang sử không còn bóng dáng của sự phân ly trong lòng người Việt ! Trang sử không còn sự phân ly như định mệnh dân tộc của tiền nhân để lại.
Như cô Tấm mong có ông Bụt, tôi mong dân tộc tôi có một phép mầu …
Tháng 04/2020
Manh Dang