VnExpress, qua một thăm dò ý kiến bạn đọc về việc tòa án nhân dân tối cao dự kiến dựng tượng vua Lý Thái Tông làm biểu tượng xét xử, đã thu về 26% ý kiến đồng ý và 74% ý kiến không đồng ý.[1]
Số lượt bình chọn cho thăm dò này là hơn 10500, tính đến 6 giờ chiều ngày 30/4 theo giờ Việt Nam.
Các bài báo cùng các ý kiến trên các diễn đàn và mạng xã hội, theo quan sát của tôi, chủ yếu ngả theo chiều phản đối.
Nếu quan sát của tôi là đúng, có thể giải thích cho điều này bằng một vài lý do.
Lý do đầu tiên, dễ nhận thấy, là Việt Nam còn đầy rẫy bất công, và không ít bất công xuất phát từ chính hoạt động xét xử. Trước thực tế này, việc dựng tượng công lý là mang tính hình thức và gần như vô nghĩa.
Ngọn nguồn của bất công một phần là ở nơi người dân, và một phần khác, là ở nơi chính quyền. Nhưng trong khi người dân chỉ có thể gây bất công cho nhau với hậu quả kiểm soát được, thì chính quyền có thể gây bất công cho người dân với hậu quả từ kiểm soát được đến không thể kiểm soát.
Mặc dù hình thức trong chừng mực nào đó có thể thúc đẩy nội dung, cũng như chiếc áo lịch thiệp có thể làm cho người mặc cư xử phù hợp hơn với nó, song nếu bản chất của người mặc là thô kệch, thì chiếc áo không làm cho người mặc lịch thiệp hơn.
Lý do thứ hai, liên quan mật thiết với lý do thứ nhất, là cả ba nhánh quyền lực – lập pháp, tư pháp và hành pháp – với những điểm đặc thù trong cơ chế đặc thù, khó có thể thúc đẩy công lý đi lên.
Cơ quan lập pháp thiếu tính đại diện và năng lực làm luật. Cơ quan tư pháp thiếu tính độc lập và chí công vô tư. Cơ quan hành pháp thiếu tôn trọng pháp luật và thừa tính tùy tiện, bừa bãi.
Những con người trong các cơ quan này không phải không có khả năng nhận thức về công lý, mà vì cơ chế bất cập khiến họ dễ tha hóa và không có nhiều động lực để bảo vệ hay thực thi công lý như lẽ ra họ phải làm.
Lý do thứ ba, như nhiều người đã nêu, Lý Thái Tông không phải là một biểu tượng phù hợp cho công lý, khi các giá trị liên quan đến ông cũng như hệ thống pháp luật thời đó không hẳn phù hợp với công lý mà chúng ta nhận thức và cảm nhận ngày nay.
Lý Thái Tông có thể là một biểu tượng cho sự anh minh và nhân từ trong việc trị quốc, nhưng công lý là một hệ thống các nguyên tắc thuận với lẽ tự nhiên và có tính phổ quát, bao trùm, vì vậy, vượt lên trên phẩm hạnh của người phẩm hạnh nhất thế gian.
Nếu vẫn muốn chọn một biểu tượng công lý, hãy gác lại việc đó cho mai sau. Ngay cả khi ấy, thay vì chọn một nhân vật lịch sử, chúng ta nên chọn một biểu tượng mang tính toàn cầu – mà nói theo cách của nhà sử học Nguyễn Thị Hậu – sẽ giúp chúng ta hòa nhập tốt hơn với thế giới.[2].
Với ba lý do trên, chưa kể các lý do khác nữa, việc dựng tượng nói chung là không phù hợp vào lúc này, và việc dựng tượng Lý Thái Tông nói riêng lại càng không phù hợp, dù vào lúc này hay lúc khác.
Công lý là thứ mà nhân loại, từ khi bắt đầu nhận thức về nó, đã, đang và sẽ luôn mưu cầu, và sự mưu cầu này cốt ở việc nhận thức đúng đắn về nó, bảo vệ nó cùng các giá trị liên quan. Khi chúng ta tâm niệm điều đó, chúng ta sẽ tập trung vào công lý thực sự, mà không, hay hạn chế chú ý vào công lý biểu tượng.
Dù hình thức có lúc cần thiết, song phải tương xứng với nội dung. Khi nội dung còn nhiều bất ổn, điều chúng ta cần làm là chăm lo cho nội dung và đừng để hình thức làm chúng ta sao lãng.
Chú thích:
[1] Tranh luận dựng tượng vua Lý Thái Tông làm biểu tượng xét xử
https://vnexpress.net/tranh-luan-dung-tuong-vua-ly-thai-tong-lam-bieu-tu…
[2] ‘Nên đặt trước công đường cái trống hơn là tượng vua Lý’
https://tuoitre.vn/nen-dat-truoc-cong-duong-cai-trong-hon-la-tuong-vua-l…