Trần Diệu Chân
Sau cuộc đổi đời kinh hoàng ngày 30-4-1975, biết bao nhiêu biến chuyển đã xảy ra trên đất nước Việt Nam và trong đời sống của hàng triệu gia đình đã liều mình chạy trốn ách độc tài Cộng sản. Những chuyển biến đó đã để lại cho chính chúng ta và con cháu hậu duệ rất nhiều bài học xương máu mà dân tộc Việt Nam đã phải trả bằng mạng sống của hàng triệu sinh linh.
Nhân đánh dấu 45 năm biến cố 30 tháng 4, chúng ta cần nhìn lại một số điều như những bài học cần rút tỉa, để tránh được những lầm lỡ tai hại, giúp lịch sử dân tộc được sang trang, khép lại những tháng ngày đen tối và mở ra một chân trời mới bình an, hạnh phúc.
Bài học I : Không có “bữa ăn trưa” nào miễn phí
Người Tây Phương có câu “no free lunch,” tạm dịch là không có bữa ăn trưa nào miễn phí. Triết lý này đặc biệt đúng trong quan hệ quốc tế, nơi chỉ có tương quan quyền lợi, sự giúp đỡ của nước khác với nước ta sẽ không bao giờ hoàn toàn là vì lòng nghĩa hiệp.
Do vậy, trong tương quan quốc tế, chúng ta cần biết cân nhắc và đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết để không bị lợi dụng hoặc thất vọng vì mong chờ được giúp đỡ miễn phí, mà hãy nhớ rằng mọi bang giao hay trợ giúp từ ngoại bang đều nhắm vào một điểm lợi nào đó cho họ trong ngắn hạn hay dài hạn. Khi đối tượng là một thể chế xấu, càng phải cẩn trọng hơn như trường hợp Trung Cộng đối xử với nước ta từ bấy lâu nay – luôn coi Việt Nam là chư hầu để khai thác kinh tế và chính trị.
Trong cuộc chiến Quốc-Cộng (1954-1975), chính thể miền Bắc đã sai lầm đi theo khối Cộng sản Quốc tế, làm tay sai cho Trung Cộng và Liên Sô trong âm mưu cộng sản hoá Đông Dương, gây ra cuộc chiến tương tàn đẫm máu giữa hai miền đất nước. Miền Nam muốn bảo vệ phần đất tự do từ khối Cộng Sản nên phải nhờ đến đồng minh Mỹ và khối Tự Do, nhưng đã quá tin tưởng hầu như “tuyệt đối” vào vai trò “tiền đồn chống Cộng”, tới độ tự hào mà không đề phòng để sửa soạn cho mình một tinh thần và thế đứng tự lập, tự cường khi đồng minh thay đổi đường lối và chính sách “be bờ – chống cộng.” Bài học đau đớn của người Kurks tại Bắc Syria mới đây khi bị đồng minh Mỹ bỏ rơi (tháng 10/2019) đã gợi nhớ cho chúng ta thảm cảnh 30-4-1975.
Ngoài ra, việc Trung Cộng tiến hành chính sách xâm lược Biển Đông cùng chiến lược Hán hóa Việt Nam trong nhiều thập niên qua đã cho thấy dã tâm bành trướng của Phương Bắc, thế mà Cộng sản Việt Nam (CSVN) vẫn ôm cứng Bắc Kinh với cái gọi là láng giềng hữu nghị “16 vàng – 4 tốt.” Họ đã hoàn toàn bị Bắc Triều khống chế, trở thành công cụ cho ngoại bang và đi ngược lại với quyền lợi của dân tộc chỉ vì muốn giữ chặt quyền lực độc tôn của đảng.
Ngày nay, chúng ta có thể khẳng định rằng tình trạng lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Cộng chỉ có thể chấm dứt khi tập đoàn lãnh đạo CSVN không còn cầm quyền, và được thay thế bởi một chính quyền do chính lá phiếu của người dân chọn lựa. Đừng bao giờ chờ đợi lãnh đạo CSVN biết đặt quyền lợi của dân tộc lên trên quyền lợi của đảng, trở về với dân, và dựa vào sức mạnh của dân tộc để xây dựng thế độc lập hầu thoát khỏi vòng kim cô Trung Cộng.
Bài học II : Sức mạnh dân tộc là chính. Vận mệnh dân tộc nằm trong tay người Việt.
Sẽ không cường quốc nào có thể thao túng, lợi dụng hay quyết định số mệnh của Việt Nam nếu chúng ta biết đoàn kết và đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết.
Sẽ luôn luôn có những thế lực bên ngoài muốn ảnh hưởng hay khai thác đất nước ta, nhất là với một vị trí địa dư quan trọng và dân số đông gần 100 triệu người. Nhưng từ mối tương quan quyền lợi trong bang giao quốc tế, chúng ta phải biết khai dụng sức mạnh chính trị, kinh tế, và địa dư của đất nước để phục vụ cho quyền lợi của dân tộc. Và giá trị hơn cả vẫn là sức mạnh đoàn kết của toàn dân thể hiện qua những người đại diện xứng đáng trong một chính quyền thực sự vì dân và do dân bầu ra. Hiểu rõ sức mạnh “tự thân” này, chúng ta sẽ vượt qua mặc cảm nhược tiểu, không chờ đợi ai ban phát điều gì, không để bị cường quốc nào thao túng hay khai thác, và sẽ tự quyết định lấy vận mệnh của dân tộc qua những chính sách đối ngoại thân thiện, khéo léo, hài hòa, hợp tác khôn ngoan và bình đẳng với mọi quốc gia trên thế giới.
Bài học III : Công bằng xã hội chỉ nẩy nở trong một thể chế đa nguyên
Thể chế chính trị Độc tài-Độc đảng-Xã hội Chủ nghĩa (XHCN) hay Cộng sản, và nền “Kinh tế Thị trường dưới Định hướng XHCN” đã bị chứng minh là tai hại, kém cỏi, thua xa thể chế Tự do-Dân chủ và nền Kinh tế Thị trường Tự do trong mục tiêu phát triển và phục vụ con người. Thế giới trong hơn một thế kỷ qua đã cho thấy: một đất nước, một xã hội chỉ có thể phát triển và thăng hoa khi chấp nhận sự khác biệt và giải quyết những khác biệt đó bằng nền tảng sinh hoạt chính trị đa nguyên, đa đảng.
Bằng chứng cụ thể nhất là các quốc gia Đông Âu sau cuộc cách mạng dân chủ vào năm 1989, đã may mắn thoát ra khỏi guồng máy Cộng sản và theo đuổi mô hình chính trị tự do-dân chủ trong 30 năm qua, nay trở thành cường quốc so với Việt Nam trong cùng một giai đoạn (1989-2019) dù tài nguyên thua xa Việt Nam. Chỉ cần nhìn qua một số đối chiếu sau đây, chúng ta thấy rõ Việt Nam đã và đang bị tụt hậu đối với Đông Âu, qua những chỉ số phát triển được định hình bởi các tổ chức quốc tế:
Thứ nhất, chỉ số Thu nhập Quốc dân (Gross National Income – GNI), là chỉ số kinh tế xác định tổng thu nhập của một quốc gia trong một năm, và là chỉ tiêu đo thực lực của quốc gia.
Theo số liệu công bố năm 2018 của Quỹ Tiền Tệ IMF, lợi tức đầu người (tức GNI chia đều cho dân số) của 170 quốc gia trên toàn thế giới, bao gồm một số các nước cựu cộng sản được xếp theo thứ tự cao-thấp như sau: Cộng hòa Slovenia, 26.000 Mỹ kim – đứng thứ 32/170; Cộng hòa Tiệp, 22.000 Mỹ kim – đứng thứ 28/170; Hungary, 16.000 Mỹ kim – đứng thứ 52/170; Ba Lan, 15.400 Mỹ kim – đứng thứ 54/170; và Rumania, 13.000 Mỹ kim, đứng thứ 67/170. Trong khi đó, GNI của Việt Nam là 2.800 Mỹ kim và đứng thứ 129/170.
Chỉ số GNI nói trên cho thấy là tiềm năng kinh tế của các quốc gia tại Đông Âu đã không những phục hồi tốt đẹp mà còn bỏ xa Việt Nam ngày nay, dù mức độ kinh tế của Đông Âu và Việt Nam vào năm 1990 có cùng một điểm xuất phát là rất nghèo.
Thứ hai, chỉ số phát triển con người (Human Development Index – HDI) là chỉ số tổng hợp của tuổi thọ trung bình, tỷ lệ biết chữ, giáo dục và các tiêu chuẩn về cuộc sống của các quốc gia trên thế giới. Đây là chỉ số đánh giá chất lượng cuộc sống, đặc biệt là phúc lợi trẻ em. Đây cũng là chỉ số xác định ảnh hưởng của các chính sách kinh tế đến chất lượng cuộc sống.
Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) vào năm 2017 đã công bố chỉ số phát triển con người (HDI) của 197 quốc gia và khu vực để so sánh, với kết quả cho thấy: Cộng hòa Slovenia đứng ở vị trí 26/197; Cộng hòa Tiệp ở vị trí 27/197; Ba Lan ở vị trí 36/197; Rumania ở vị trí 50/197; Cộng hòa Albania ở vị trí 68/197. Việt Nam đứng ở vị trí 116/197 thuộc hạng nước kém phát triển.
Thứ ba, chỉ số dân chủ (Index of Democracy) do tạp chí Economist ở Anh khảo sát dựa trên năm phân loại chung: 1) Việc tiến hành bầu cử công bằng và tự do; 2) Các quyền tự do của công dân; 3) Sự hoạt động của chính quyền; 4) Việc tham gia chính trị; và 5) Văn hóa chính trị.
Năm 2018, Tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) đã xếp hạng các quốc gia cựu cộng sản Đông Âu về chỉ số dân chủ như sau: Cộng Hòa Tiệp đứng hàng thứ 34/167; Cộng Hòa Slovenia 36/167; Bulgary 46/167; Ba Lan 54/167; Hungary 57/167; Rumania 66/167; và Việt Nam 139 /167.
Dựa vào các chỉ số nói trên, rõ ràng là người dân tại những quốc gia cựu cộng sản Đông Âu sau 30 năm thay đổi, đã được hưởng những quyền lợi căn bản về an sinh xã hội, giáo dục, chính trị và các quyền tự do căn bản khác như người dân tại các quốc gia Tây Âu vốn có một nền dân chủ lâu đời.
Bài học IV: Sức mạnh dân tộc sẽ chỉ có thể phát huy trên nền tảng nhân bản – tôn trọng nhân quyền và nhân phẩm.
Nhân bản là nền tảng để vạch ra những chính sách phục vụ cho hạnh phúc của người dân. Đây là kim chỉ nam để xây dựng đất nước và thực hiện những chính sách vừa ổn định được xã hội, vừa mời gọi được sự đóng góp tích cực của nhân dân, vừa phát triển được mọi tiềm năng của dân tộc.
Những chính sách được soi sáng bởi mục tiêu phục vụ và nhân bản này sẽ đem đến các thành quả mà chúng ta đã thấy tại các quốc gia phát triển đứng đầu thế giới về chỉ số hạnh phúc như các nước Bắc Âu, Thụy Sĩ, Hòa Lan, Canada, Úc, New Zealand, Đức … nơi người dân tuy không giầu có bằng Mỹ, nhưng lại sống an nhàn, bớt căng thẳng, và hạnh phúc hơn, không bị bạo lực súng đạn đe dọa, được bảo vệ sức khỏe khi đau ốm v.v… Gần Việt Nam về địa dư và văn hóa là các quốc gia có mẫu mực phát triển đáng học hỏi như Đài Loan, Nam Hàn, Nhật Bản, Singapore, đã giúp họ trở thành những cường quốc kinh tế, được thế giới vì nể, và người dân hãnh diện được làm con dân của đất nước mình.
Vì thế, một nước Việt Nam văn minh, tiến bộ trong thế kỷ 21 khiến người Việt hãnh diện sẽ là một đất nước mà mọi người, mọi giới, mọi sắc tộc đều được tôn trọng như nhau, cùng có cơ hội bình đẳng để theo đuổi ước mơ riêng và sống đời hạnh phúc. Muốn như vậy, luật pháp quốc gia được soạn thảo là để bảo vệ và phục vụ người dân, không dùng để đàn áp người dân hầu bảo vệ quyền lợi cho một thiểu số cầm quyền. Đặc biệt là xã hội phải luôn luôn khuyến khích và chú tâm vào việc phát huy và xây dựng tin yêu, đoàn kết để hàn gắn những đổ vỡ, đau thương. Dựng lại niềm tự hào dân tộc trong tinh thần khiêm cung và sống thân ái với mọi quốc gia bạn.
Kết luận : Bốn bài học nói trên sẽ giúp dân tộc chúng ta “đốt giai đoạn” để mau chóng bắt kịp đà văn minh của nhân loại và thực hiện ƯỚC MƠ VIỆT NAM mà biết bao thế hệ đã anh dũng hy sinh nhưng vẫn chưa đạt được, đó là niềm hãnh diện được sống trên quê hương giầu đẹp, trong tự do, no ấm, thái hòa, người người biết thương yêu nhau, nhân vị được tôn trọng; không còn bị bạo lực, áp bức, bất công, sợ hãi và đói nghèo vây bủa.
Ước mơ này sẽ trở thành hiện thực một ngày không xa nếu chúng ta quyết tâm hành động bằng sự chung sức của mọi người. Tưởng niệm 45 năm Quốc Hận 30 tháng 4 chính là cơ hội lớn để mọi con dân Việt Nam cùng cam kết thực hiện ƯỚC MƠ VIỆT NAM trong tinh thần tri ân sâu xa, và đền đáp nghĩa cử của biết bao người đã nằm xuống vì tiền đồ của dân tộc.
Ngày 8/4/2020
Trần Diệu Chân