Nước Mỹ xuất khẩu hàng hóa đứng thứ nhì thế giới sau Trung Quốc. Tuy xuất nhiều thế nhưng Mỹ lại nhập còn nhiều hơn nữa. Năm 2019 Mỹ nhập siêu đến 853 tỷ USD bằng 320% GDP Việt Nam, đứng đầu thế giới. Nước Mỹ từ xưa đến giờ vẫn duy trì nguyên tắc mua nhiều hơn bán. Nếu nói theo ngôn ngữ bình dân là nước Mỹ tiêu xài nhiều hơn làm ra. Thế nhưng có một điều lạ là, chỉ có làm như vậy thì nước Mỹ mới duy trì sự thống trị của mình, chứ không phải cứ cố gắng bán nhiều hơn mua như các nước khác mà có thể làm cho nước Mỹ vững mạnh đâu. Đây là một nghịch lý so với các nước khác trên thế giới, nhưng nó lại là hợp lý đối với Mỹ. Tại sao như vậy?
Thứ nhất, nước Mỹ duy trì việc mua nhiều hơn bán chứng tỏ là sức tiêu thụ nội địa của Mỹ rất mạnh. Mỹ là nước duy nhất trên thế giới 8 năm liền duy trì nhập khẩu trên 2.000 tỷ USD mỗi năm mà cứ tăng đều. Với sức tiêu thụ như thế thì nếu vì lí do gì đó mà hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ bị sụt giảm, thì rõ ràng đấy là lỗ trống cho doanh nghiệp Mỹ trám vào.
Thứ nhì, có thể nói hiện nay nước Mỹ là nước duy nhất xuất khẩu tiền ra thế giới. Như ta biết, trên thế giới có 3 nền kinh tế trên 10.000 tỷ USD gồm: Mỹ đứng đầu với 21.447 tỷ USD, EU thứ nhì với 18.292 tỷ USD, và thứ 3 là Trung Cộng với 14.300 tỷ USD. Thế nhưng trong 3 nền kinh tế đó thì chỉ có Mỹ là xuất đồng tiền của mình ra thế giới còn 2 nền kinh tế kia thì không. Vì sao? Vì chỉ có Mỹ mới nhập siêu, mà nhập siêu của Mỹ cũng đồng nghĩa với việc họ xuất đồng USD của họ ra bên ngoài biên giới. Và những đồng USD đó sẽ được các nước trên thế giới dùng vào mục đích dự trữ ngoại tệ và thanh toán quốc tế. Đấy là chưa nói đến có một số nước trên thế giới lại dùng USD thay thế đồng nội tệ của họ. Hiện tượng này người ta gọi là hiện tượng Dollar hóa. Những nước dùng USD thay nội tệ có thể kể đến như Ecuador, El Salvador, Zimbabwe và Đông Timor. Còn những nước như Argentina, Angola, Campuchia, Nicaragua và Nga thì cho phép dùng USD thanh toán nội địa song song với đồng nội tệ của họ. Như vậy nhu cầu USD trên thế giới là rất lớn, nó lớn hơn EURO rất nhiều nên cứ thế Mỹ xuất USD nhập hàng hóa của thế giới về xài chứ dại gì mà xuất hàng để rồi nhập chính đồng tiền của mình về lại chốn mà nó được in ra? Mỹ đâu có ngu? Chính vì thế, việc duy trì sức mạnh số 1 cho đồng USD và duy trì nhập siêu lớn để thế giới phục vụ nước Mỹ là cách mà nước Mỹ hưởng lợi từ sức mạnh đồng tiền của họ.
Như vậy ta thấy, cuộc chiến giữa USD, EURO thì USD đã thắng áp đảo như thế. Hiện nay đồng USD đang chiếm 88% trên thị trường ngoại hối trên thế giới, bỏ xa đồng EURO. Còn đồng Nhân Dân Tệ thì không có cửa để cạnh tranh với 2 đồng tiền này được nên không bàn. Đấy là những gì mà nền kinh tế lớn số 1 thế giới có được mà những nền kinh tế khác không hề có. Vậy nên khi Mỹ bung ra gói cứu trợ 2.000 tỷ USD bằng 9,3% GDP thì tất nhiên, đồng USD có nguy cơ sụt giá, nhưng sự sụt giá của đồng USD ấy không phải mình dân Mỹ gánh mà cả thế giới phải chìa vai vào gánh chung với dân Mỹ. Vì sao? Vì hiện nay không một chính phủ nào trên thế giới mà không dự trữ USD. Cho nên sự sụt giá ấy không nhiều dù cho gói cứu trợ ấy rất lớn so với GDP.
Đó là chuyện của nước Mỹ xa xôi, còn chuyện Việt Nam. Cho đến hôm nay, chính quyền CS dự định bung ra tất cả 3 gói hỗ trợ với tổng số tiền lên đến với 16,6 tỷ đô bằng 6,3% GDP, tỉ lệ thấp hơn gói hỗ trợ của tổng thống Trump cho nền kinh tế Mỹ nhưng nền kinh tế Việt Nam gặp nguy hiểm hơn vì sao? Vì như đã nói khi Mỹ bung tiền kích cầu thì cả thế giới chìa vai đỡ cho nước Mỹ, còn Việt Nam được như vậy không? Cho nên mọi sự thiệt hại do gói cứu trợ ấy thế nào cũng đổ lên đầu dân. Đấy là chưa nói gói cứu trợ của chính quyền CS chưa chắc gì đến được nơi cần cứu vì bị tham nhũng rút rỉa và các nhóm lợi ích tranh thu hớt hết phần ngọn của gói ấy.
Hôm nay trên báo Vnepress có bài “Các nước đang phát triển lấy tiền đâu cứu kinh tế?” đã nói rằng “các nước đang phát triển có ít lựa chọn hơn và khó khăn hơn về cách đối phó với đại dịch. Khi mọi người chỉ kiếm được vừa đủ sống và không có phúc lợi xã hội, mất thu nhập có thể đồng nghĩa thiếu ăn. Tuy nhiên, các nước này không có điều kiện để làm theo Mỹ khi tung ra gói hỗ trợ kinh tế trị giá tới 2.000 tỷ USD”
Vâng! Đây là cái khó, khi mà nền sản xuất Việt Nam vốn nhỏ bé giờ lại sản xuất đình trệ. Xuất khẩu bị hủy hàng thì nguồn thu ngoại tệ quốc gia cũng cạn dần thì chính phủ cũng sẽ gặp khó khăn trong việc ghìm giá đồng tiền nội tệ. Hiếm hàng thừa tiền là viễn cảnh sẽ xảy ra với người dân Việt Nam. Nó rất gần. Chính phủ bung tiền kích cầu, mà kích đúng vị trí không nói gì, đàng này tham nhũng với lợi ích nhóm làm cho gói kích không đặt đúng điểm cần kích nên dân nghèo và doành nghiệp nhỏ khó tránh khỏi gặp cảnh khốn đốn. Thấy Mỹ bung tiền kích cầu không có nghĩa là Việt Nam cũng làm được như thế, kết quả sẽ không như nhau được. Nền kinh tế Việt Nam rất mong manh, bộ máy quản lý yếu kém cho nên nếu có đại dịch ập đến thì nhân dẫn sẽ khốn khổ. Cho nên mọi người cần chuẩn bị tâm lí./.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
https://vnexpress.net/cac-nuoc-dang-phat-trien-lay-tien-dau…
https://www.bullionstar.com/…/how-much-u-s-currency-is-hel…/
https://www.statista.com/…/total-value-of-us-trade-in-good…/
https://www.statista.com/…/total-value-of-us-trade-in-good…/
http://www.worldstopexports.com/worlds-top-export-countries/
https://ec.europa.eu/…/index.p…/International_trade_in_goods
https://www.investopedia.com/…/u/usd-united-states-dollar.a…