Sau khi được Bộ Công Thương kiến nghị ngừng xuất khẩu gạo vì dịch cúm thì ngày 23 tháng 3, ông Nguyễn Xuân Phúc ký Thông Báo số 121/TB-VPCP cho tạm ngưng xuất khẩu để đảm bảo anh ninh lương thực. Đây nói thẳng ra là lệnh cấm xuất khẩu gạo. Thế nhưng chỉ một ngày sau, Bộ Công Thương phát đi một công văn hỏa tốc số 2101/BCT-XNK yêu cầu thủ tướng hoãn thi hành Thông Báo 121/TB-VPCP và cho xuất khẩu trở lại. Và từ đó đến nay, báo chí và mạng xã hội tốn không biết bao nhiêu giấy mực chiến nhau về việc xuất hay không xuất.
Như ta biết, nhu cầu đảm bảo an ninh lương thực cho toàn dân là nhu cầu được xếp vào loại ưu tiên hàng đầu. Điều này được mọi người thừa nhận dù cho đó là phe nào. Thế nhưng để ông thủ tướng dỡ bỏ lệnh cấm thì phe ủng hộ xuất khẩu lí luận rằng: “gạo không thiếu, và nhất định đủ để xuất khẩu”. Nhưng đủ sao được khi mà chưa ai tính được khi nào hết dịch?! Để dụ ông thủ tướng xé bỏ lệnh cấm đã ban hành thì những nhà xuất khẩu và phe ủng hộ họ đã vẽ ra một viễn cảnh “xuất khẩu gạo có kiểm soát”. Nghĩa là phải tính toán “tích trữ đủ gạo rồi mới xuất”, và họ cũng đã tính là sau khi tích trữ đủ rồi thì lượng gạo vẫn đủ để Việt Nam xuất mỗi tháng nửa triệu tấn (bằng với lượng xuất của năm không bị hạn và không bị dịch bệnh), ghê chưa?
Như vậy thì câu hỏi đặt ra là, liệu rằng khi thủ tướng dỡ bỏ lệnh cấm thì những tư bản này có giữ lời hứa “tích trữ đủ rồi mới xuất” không? Hay họ lật lọng? Nếu họ giữ lời hứa thì tất nhiên bài toán “tích trữ đủ rồi xuất” là bài toán thật. Còn nếu khi thủ tướng dỡ bỏ lệnh cấm nhưng họ lại từ chối bán gạo cho nhà nước mà chỉ lo vét để xuất thì điều đó cho thấy, bài toán “tích trữ đủ rồi xuất” của họ vẽ ra chỉ là cái bẫy để gài ông thủ tướng phải dỡ bỏ lệnh cấm mà thôi.
Như ta biết, trong tác phẩm Tư Bản Luận của mình, ông tổ Cộng Sản Carl Marx đã tâm đắc dẫn lại lời của nhà kinh tế học Thomas Joseph Dunning để mô tả về chủ nghĩa tư bản hoang dã thế kỷ 19 như sau: “Bọn tư bản sợ tình trạng không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận quá ít, cũng như giới tự nhiên sợ chân không. Với một lợi nhuận thích đáng thì tư bản trở nên can đảm. Được đảm bảo 10% lợi nhuận thì người ta có thể dùng tư bản vào đâu cũng được; được 20% thì nó hoạt bát hẳn lên; được 50% thì nó trở nên thật sự táo bạo, được 100% thì nó chà đạp lên mọi luật lệ của loài người, được 300% thì không còn tội ác nào mà nó không dám phạm, dù có nguy cơ bị treo cổ”.
Vâng! Hiện nay CS đã xây dựng xã hội Việt Nam rất giống với chủ nghĩa tư bản hoang dã của Âu Châu trước đây gần 2 thế kỷ. Và như ta biết, rất nhiều những doanh nghiệp lớn hiện nay là những doanh nghiệp thân hữu của các quan chức cỡ bự. Chính họ và quan chức cũng là một giuột với nhau, cùng bàn tính những âm mưu trục lợi những gì thuôc về nhân dân và thuộc về đất nước để làm giàu. Bọn họ được xã hội gọi là “Tư Bản Đỏ”. Tư bản đỏ ngày nay nó hoang dại bất chấp không khác gì tư bản hoang dã mà ông Karl Marx đã từng công kích kia. Thật sự với miếng mồi lợi nhuận treo lơ lửng trước mũi thì tất “bọn tư bản sẽ hoạt bát hẳn lên” và chính vì thế mà họ đã phải tìm mọi cách tác động vào Bộ Công Thương giật dây ông thủ tướng CS để có được quyết định thuận lợi cho họ.
Được biết hôm nay ngày 11 tháng 4, trên tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn có đăng bài “Thủ tướng đồng ý cho xuất khẩu gạo có kiểm soát”. Như vậy thì đã rõ, sự tác động của giới xuất khẩu đã có tác dụng. Điều này cho thấy ông thủ Phúc không có lập trường vững chắc. Ông ta ký Quyết định cấm xuất khẩu gạo cũng vì nghe thuộc hạ nói về “cái lợi của việc cấm xuất khẩu” sao mùi tai quá, và thế là ông ta ký. Và hôm nay, khi ông ta nghe thuộc hạ nói về “cái lợi của xuất khẩu” sao cũng mùi tai quá, thế là ông ta hủy Quyết định cũ. Một ông thủ tướng mà mù lòa trí tuệ như vậy thì không biết ông ta quản lý đất nước này như thế nào nữa?! Thật là ngán ngẩm.
Nghe cấp dưới nói xuôi cũng thấy phải mà cấp dưới nói ngược cũng thấy phải thì nói thật, ông Nguyễn Xuân Phúc chẳng khác nào ông Hoài Đế – Lưu Thiện, ông vua cuối cùng của nhà Thục Hán bên Tàu. Điều này cho thấy ông Phúc không hề nắm được tình hình đất nước. Và cũng rõ ràng là, chính ông không có khả năng phân tích tin tức nên nghe khi nói xuôi cũng thấy phải mà nghe nói ngược cũng thấy phải. Chính vì thế mà ông ta hoàn toàn không thể quyết đoán trong những lúc đất nước tình thế cấp bách như hôm nay. Người đứng đầu chính phủ mà như thế thì có thể nói, nhân dân bị tư bản đỏ xẻ thịt thì không có gì là bất ngờ. Nếu cấm xuất khẩu gạo thì lợi cho dân bất lợi cho tư bản, còn nếu cho xuất khẩu thì bất lợi cho toàn dân nhưng có lợi cho tư bản. Mà như ta biết, giữa tư bản và người dân thấp cổ bé họng thì tiếng nói của ai vọng đến tai ông thủ tướng mạnh hơn? Tất nhiên là tư bản. Chính tư bản mới đủ lực tác động ông bộ trưởng bộ công quay ngoắt 180 độ chứ người dân thấp cổ bé họng nào với tới được ông này? Đó là lí do tại sao ông Thủ tướng hủy bỏ lệnh cấm.
Cũng hôm nay trên tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn có bài viết “DN trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia muốn ‘xù’ hợp đồng”. Như vậy thì đã rõ, khi vừa có quyết định hủy lệnh cấm thì lập tức những ông tư bản này đã muốn vét hết để xuất khẩu mà không hề muốn bán một hạt gạo nào cho nhà nước để thực hiện việc tích trữ cả. Rõ ràng là, khi đoạt được mục đích bọn họ đã lật lọng. Và từ đó chúng ta hiểu rõ được mục đích của của những kẻ ủng hộ xuất khẩu là gì?
Được biết, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đang có biện pháp chế tài là “nếu doanh nghiệp nào xù hợp đồng với nhà nước thì sẽ bị cấm xuất khẩu”. Mới nghe tưởng như cách chữa cháy khá hay của ông thủ, nhưng nếu nghĩ kỹ thì ta lại thấy biện pháp chế tài này có lỗ hỏng. Để thấy rõ lỗ hỏng thì xin mọi người hãy tháo gỡ dùm 2 vấn đề sau:
Vấn đề thứ nhất, đó là liệu rằng có phải doanh nghiệp nào trúng thầu cấp gạo cho nhà nước cũng đều có chức năng xuất khẩu gạo hay không? Vậy thì khi những doanh nghiệp không tham gia đấu thầu cấp gạo cho nhà nước nhưng lại có chức năng xuất khẩu mà họ lại gom hết gạo để xuất đi thì sao? Làm sao ngăn họ, vì họ đâu hề “xù” hợp đồng với nhà nước kia mà?
Vấn đề thứ nhì, nếu công ty A vừa trúng thầu cung cấp gạo cho nhà nước nhưng họ xù. Vậy là họ bị nhà nước cấm xuất khẩu, tất nhiên rồi. Ừ khi nhà nước cấm thì họ không xuất nhưng họ hoàn toàn có quyền bán số gạo đó cho công ty B để B xuất đi thì sao? Vì như ta biết, khi cơn khát gạo lên đỉnh điểm thì tất giá xuất sẽ rất cao, khi đó công ty B vẫn có thể mua lại gạo của công A với giá cao hơn giá nhà nước để xuất khẩu thì sao? Vậy là lúc đó nhà nước bất lực đứng nhìn những con buôn tung hứng với nhau vét hết gạo để xuất à?
Nói thật, với một ông thủ tướng như Nguyễn Xuân Phúc thì có thể nói, ông ta không đủ khả năng để hóa giải nhưng chiêu trò của tư bản ranh ma. Và với chế độ CS bao giờ cũng vậy, ông thủ tướng vô năng thì hậu quả đổ hết lên đầu dân, còn ông ta thì vẫn ung dung đấu đá với đồng chí để tìm ghế cao hơn, hoặc chí ít ngồi lại nghế này một nhiệm kỳ nữa./.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
https://www.sggp.org.vn/thu-tuong-dong-y-cho-xuat-khau-gao-…
https://www.thesaigontimes.vn/…/dn-trung-thau-cung-cap-gao-…