Câu chuyện cây lúa và tầm nhìn của lãnh đạo

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà|

Ngày 4 tháng 9 năm 2019, trên tờ The Bangkok Post có đăng bài “Campuchia nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu gạo hữu cơ lớn nhất sang EU” (Cambodia among top 5 exporters of organic rice to EU). Khi đọc vào bài viết thì được biết 5 nước được xếp thứ tự là Mỹ, Pakistan, Ấn Độ, Thái Lan và Campuchia. Tìm mỏi mắt cũng không thấy tên Việt Nam ở đâu cả. Thật đáng buồn.

Được biết năm 2019 hết 90% gạo hữu cơ của Campuchia xuất sang EU là sản phẩm của công ty Amru Rice. Và năm 2019, công ty này dự tính sản xuất 20.000 tấn, trong đó từ 80% đến 90% là xuất sang EU. Như vậy tính ra năm 2019, Campuchia dự tính xuất sang EU khoảng từ 18.000 đến 20.000 tấn gạo hữu cơ. Được biết vào ngày 20 tháng 12 năm 2019, trên tờ Cambodianess có bài viết “Campuchia đăng ký xuất khẩu gạo Jasmine ổn định sang Liên Minh Châu Âu” (Cambodia Registers Steady Jasmine Rice Exports to the European Union), bài này cho biết là đến hết 11 tháng đầu năm 2019, campuchia đã xuất sang EU được 18.000 tấn gạo hữu cơ. Vậy là nếu tính đến hết năm 2019, thì Campuchia xuất 20.000 tấn sang EU là trong tầm tay. Bài báo này cũng cho biết, trong số gạo xuất sang EU thì có đến 90% là gạo Jasmine. Mà như tờ The Bangk Post cho biết là gạo Jasmine có giá 1.500 USD/tấn và gạo trắng hạt dài là 950 USD/tấn. Vậy ước tính ra tiền mà Campuchia bán được từ việc xuất khẩu gạo sang EU là khoảng 28,9  triệu USD. Trong khi đó năm 2018, Việt Nam cũng xuất khẩu sang EU 20.000 tấn nhưng giá trị chỉ có 12 triệu USD. Tính ra giá gạo mà Việt Nam xuất sang EU cũng chỉ có 600 USD/tấn. Giá chưa bằng 50% giá gạo trung bình của Campuchia xuất sang EU (Số liệu lấy trên bài viết “Xuất khẩu gạo vào EU có thể tăng gấp 4 lần” đăng trên bảo Tuổi Trẻ ngày 21 tháng 8 năm 2019).

Được biết EU thu mua gạo của Việt Nam với giá 600 USD/tấn là cái giá rất cao, cao hơn xuất sang những thị trường khác. Như ta biết, hiện nay phía Bộ Công Thương đang thúc đẩy Chính Phủ cho mở cửa xuất khẩu gạo sang Trung Quốc vì cho rằng, đây là lúc gạo rất “được giá” với khoảng 450 USD/tấn (số liệu lấy trên bài viết “Nông dân hưởng lợi bao nhiêu từ giá xuất khẩu gạo?” đăng trên báo Thanh Niên ngày 28 tháng 3 năm 2019). Trời ơi! Chỉ có 450 USD/ tấn mà gọi là được giá, thật thảm hại.

- Quảng Cáo -

Như vậy qua đây chúng ta thấy hướng đi của ngành nông nghiệp trồng lúa của Việt Nam và Campuchia có gì khác? Ở Việt Nam, chính quyền CS đang chạy theo số lượng và thả nổi chất lượng, trong khi ở Campuchia thì họ lại phát triển cây lúa dựa trên chất lượng sản phẩm chứ không phải chạy theo số lượng mà buông lỏng chất lượng như Việt Nam. Vậy câu hỏi đặt ra là, hướng đi cho cây lúa của Việt Nam đúng hay Campuchia đúng? Để rộng đường phán xét, tôi xin dẫn ra ví dụ về nước Úc và New Zealand. Được biết, những quốc gia này giàu có nhờ phần rất lớn là ngành nông nghiệp chứ không phải họ phát triển công nghiệp điện tử hay công nghiệp ô tô hoành tráng như Hàn hay Nhật. Đấy! Hướng đi đúng cho ngành nông nghiệp đã tạo nên sự phồn vinh như thế đấy. Dù nông nghiệp hay công nghiệp, thì điều cốt lõi là anh phải định hướng đi vào chất lượng để tạo nên nền kinh tế phát triển bền vững chứ không phải cứ chạy theo công nghiệp ô tô mà bỏ quên nông nghiệp?! Đất nước Việt Nam đi lên bằng nông nghiệp, tại sao không?

Chính ĐCS đã lãnh đạo đất nước dựa trên một học thuyết hoang tưởng, và cho đến hôm nay họ quyết trung thành với học thuyết đó trong lãnh đạo nên họ không thể nào gọt rửa được chất hoang tưởng trong đầu họ cho sạch được. Từ thời dân ăn bo bo thay cơm họ đã đẩy mạnh phát triển “công nghiệp nặng” với những đại dự án thời đó như khu công nghiệp như Hải Phòng, Quảng Ninh, Việt Trì, Thái Nguyên, Nam Định… theo kiểu mô hình Xô viết. Rồi thì sao? Ăn bo bo, ăn khoai mì độn cơm nói lên tất cả. Và ngày nay cũng vậy, dù đã chơi chung với thế giới, nhưng những cái đầu chứa đầy búa liềm đó cũng chẳng xây dựng được cho Việt Nam một thương hiệu nào cả, trong khi đó Hun Sen của Campuchia, một con người đã từng là Cộng Sản nhưng nay không còn búa liềm trong đầu thì ông ấy đã có những bước đi đúng đắn hơn cả ĐCS Việt Nam rất nhiều.

Như vậy rõ ràng, tuy ông Hun Sen là nhà độc tài, nhưng rõ ràng cái độc tài không Cộng Sản vẫn có nét sáng sủa hơn độc tài CS kiểu Việt Nam. Và mới đây, ông thủ tướng này lại đi một bước ngược với Bộ Công Thương ĐCS Việt Nan, đó là ông đã thẳng thừng cấm Campuchia xuất khẩu gạo, dù gạo Campuchia có giá rất cao. Mục đích là gì chắc ai cũng rõ, mục đích là để đảm bảo cho dân Campuchia của ông không đói nếu cơn đại dịch COVID-19 kéo dài. Nếu nói Việt Nam có đất có giống thì sợ gì thiếu lúa thì Campuchia cũng có đất và có giống vậy? Thậm chí giống Campuchia còn có giá trị kinh tế cao hơn giống lúa Việt Nam nhiều lần kìa, nhưng sao họ vẫn dừng xuất khẩu? Vì sao có sự khác biệt như vậy? Vì đơn giản một bên muốn dân không đói, và một bên thì lại muốn hái đô la còn toàn dân sống chết thế nào, mặc bay. Thế thôi. Và lần nữa cho thấy, Hun Sen vẫn sáng suốt hơn cả ĐCS Việt Nam. Nói không phải khen ông thủ tướng độc tài kia, nhưng quả thật, những gì ông ta làm cho thấy ông này vẫn ở trên Bộ Chính Trị ĐCS Việt Nam một bậc. Khi con người ta vứt bỏ búa liềm thì tất sẽ nâng tầm. Đó là thực tế./.

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://www.bangkokpost.com/business/1742834/cambodia-among-top-5-exporters-of-organic-rice-to-eu

https://cambodianess.com/article/cambodia-registers-steady-jasmine-rice-exports-to-the-european-union

https://tuoitre.vn/xuat-khau-gao-vao-eu-co-the-tang-gap-4-lan-20190821150049488.htm

https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/nong-dan-huong-loi-bao-nhieu-tu-gia-xuat-khau-gao-1202549.html

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here