Bang Nevada là một bang đất đai khô cằn, hoang mạc chiếm phần lớn diện tích. Ấy vậy mà bang này đã xây dựng được một thành phố hoa lệ nổi tiếng thế giới, thành phố Las Vegas. Một thành phố nằm ngay giữa sa mạc Nevada nắng nóng mà vẫn phồn vinh, bởi lẽ từ chỗ không có gì thuận lợi, họ đã phát triển ngành công nghiệp cờ bạc và giải trí khiến cho cả thế giới phải ngưỡng mộ. Nơi đây chỉ có đất đai khô cằn nhưng họ lại khiến được nhiều kẻ có tiền muốn mang tiền đến đây để tiêu xài, và khiến cho nhiều kẻ muốn thử vận may đến đây để tìm kiếm cơ hội.
Nói thế để chúng ta thấy, bộ óc con người là rất tuyệt vời nếu nó phát huy hết năng lực. Giữa một nơi khó khăn như vậy người ta cũng tạo ra sự phồn vinh, thật đáng ngưỡng mộ. Tất nhiên, để làm được thành quả như vậy thì điều quan trọng là phải có lãnh đạo giỏi, những nhà quản lý địa phương có những chiến lược tốt và hiệu quả. Việc phát triển một thị trấn nhỏ giữa hoang mạc thành một thành phố nổi tiếng thế giới ắt hẳn đó không phải là chủ trương của chính quyền liên bang ở tận Washington D.C mà nó phải là sản phẩm của những nhà hoạch định chính sách địa phương, tức những nhà lãnh đạo bang Nevada từ nhiều thế hệ trước. Mà như ta biết mô hình nhà nước liên bang là một loại mô hình nhà nước mang tính tự trị rất cao, chính quyền bang sẽ ra chính sách cho bang mình mà không phải bị kiểm soát chặt chẽ bởi lãnh đạo Trung ương. Chính vì thế mà mô hình kinh tế của mỗi bang sẽ được tối ưu hóa bằng những ý tưởng hay và đúng đắn dự trên lợi thế của họ.
Một quốc gia có nhiều địa phương mang những tính đặc thù rất khác biệt, thì đòi hỏi mỗi địa phương phải tự phát triển một bài toán cho riêng cho mình là rất cần thiết. Và nhà nước kiểu liên bang là tốt nhất, đấy là lý do tại sao Bắc Mỹ và Úc Châu họ phát triển rất mạnh. Nhà nước liên bang là một mẫu quốc gia nhỏ trong quốc gia lớn, tính phân quyền về địa phương rất cao, điều này sẽ tạo nên khả năng khai thác năng lực lãnh đạo địa phương tốt hơn. Lấy ví dụ như nước Úc. Nước này cũng có kiểu nhà nước liên bang nên họ đã làm những điều không thể thành có thể như người Mỹ vậy. Như ta biết, nước Úc là một quốc gia giàu có hàng đầu nhất thế giới, thế nhưng sự phát triển của họ lại dựa trên nền tảng nông nghiệp mà không nhất thiết phải có nền công nghiệp ô tô hoành tráng như Hàn hay Nhật. Hiện nay mức sống người Úc còn cao hơn cả người Nhật. Cũng như người Mỹ xây dựng Las Vegas phồn hoa giữa sa mạc thì người Úc họ cũng xây dựng được một trang trại lớn nhất thế giới ngay giữa sa mạc khô cằn vậy, trang trại Anna Creek.
Nhìn vào những bài học như thế để chúng ta thấy rằng, mỗi vị trí địa lý dù cho có khó khăn như thế nào thì nó vẫn có những ưu điểm riêng nào đấy, quan trọng là những nhà quản trị địa phương họ có tìm ra hướng đi cho riêng địa phương của họ hay không mà thôi. Người ta thường ví người dân địa phương là “thổ địa” của nơi họ đang sinh sống. Họ thông hiểu từng hơi thở, từng ngóc ngách, từng điểm mạnh, từng điểm yếu của địa phương mình. Như vậy, nếu người “thổ địa” ấy mà có trí tuệ và nhiệt huyết và đồng thời giữ vai trò lãnh đạo địa phương mình thì có thể nói, không một lãnh đạo nào được điều động từ nơi khác tới mà có thể thay thế được họ. Nếu chính những con người như vậy mà được nắm quyền tự quyết cho địa phương mình thì có thể nói, họ sẽ biết cách tối ưu hóa được lợi thế của địa phương và từ đó xây dựng tính đặc thù của địa phương mình như Las Vegas – Mỹ hay trang trại Anna Creek- Úc. Nói thế để chúng ta thấy rằng, kiểu gắp Đinh La Thăng bỏ vào Sài Gòn hay gắp Nguyễn Thị Kim Ngân quẳng ra Hải Dương làm lãnh đạo là kiểu phân bổ nhân lực rất ngu dốt của ĐCS hiện nay. Vậy mà họ vẫn cho đó là “điều tốt”. Họ cho rằng việc làm này chính là cách tạo “thử thách” cán bộ nguồn được cơ cấu về Trung ương lãnh đạo. Tại sao số phận một tỉnh hoặc một thành phố hàng triệu dân mà lại đem ra “thử thách” một cán bộ của đảng? Nền kinh tế nhiều tỷ đô, số phận của hàng triệu người dân mà đem dùng làm thuốc thử cho một người, thật là một quan niệm không thể chấp nhận được. Chính vì thế mà đất nước này mới ngày càng lụn bại.
Như ta biết, mô hình lai căng kiểu “kinh tế thị trường định hướng XHCN” là một dạng lai tạp giữa nền kinh tế thị trường của các nước tự do và bàn tay can thiệp thô bạo của bộ máy chính trị trung ương. Đó chỉ là một khía cạnh, còn khía cạnh khác nữa đó là Trung ương xem địa phương như những đứa con chưa thôi bú, nên cứ hốt hết về Trung Ương rồi lấy của đứa giàu chia cho đứa nghèo tạo nên sự phân phối bất công. Đứa giàu thì nản không muốn làm, đứa nghèo thì ỉ lại không thèm làm. Chính vì thế mà cả nền kinh tế ì ạch kém hiệu quả. Được biết, hiện nay có 16 tỉnh thành phải cống nạp về Trung ương để nuôi 47 tỉnh còn lại, trong đó riêng Sài Gòn là phải cống nặng nhất, phải bỏ ra 82% thu nhập để nộp về Trung Ương. Đây là một kiểu cào bằng vô cùng nguy hiểm, nó tước đoạt mất cơ hội của địa phương giỏi và phung phí tiền cho những địa phương chỉ biết ăn với phá. Lấy ví dụ như năm 2017, tỉnh Thanh Hóa xin gạo cứu đói nhưng lại bỏ ra đến 2.360 tỷ đồng để xây công viên tượng đài. Vì cách quản trị như vậy nên ở Việt Nam dù có được thiên nhiên ưu đãi thì cũng không thể có chuyện mọi địa phương đều có thể đứng vững trên đôi chân của mình.
Ngày 3 tháng 4 trên báo Tuổi Trẻ có bài viết “Nhà máy lọc dầu Dung Quất tính chuyện tạm dừng sản xuất”, được biết trong tình thế giá dầu nhập khẩu giảm như hiện nay thì Nhà Máy Lọc Dầu Dung Quất phải tính đến chuyện tạm ngưng thì không có gì là bất ngờ, bởi lẽ, ngay từ khi xây dựng dự án nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đã khuyên mỏi miệng mà Trung Ương không chịu từ bỏ dự án “bắt cá phải leo cây” như thế này. Lẽ ra dự án phải được đầu tư ở Bà Rịa Vũng Tàu – nơi mà hội đủ điều kiện thuận lợi nhất để xây dựng thì ông Võ Văn Kiệt và Bộ Chính Trị lúc đó không chịu, họ quyết phải xây dựng ở Dung Quất – Quảng Ngãi để “cân bằng” phát triển vùng. Chính vì kiểu tư duy ấy trĩ như vậy mà họ đã tước mất sở trường của địa phương này và phát triển sở đoản ở địa phương khác. Và kết quả không ngoài dự đoán, khi đi vào hoạt động năm 2010 đến 2014 nhà máy lỗ mỗi năm trên 1.000 tỷ. Đến năm 2015, nhà máy kham không nổi khoản lỗ nên buộc nhà nước xuất ngân sách bù lỗ cho nhà máy 1065 tỷ đồng. Tiếp theo giai đoạn từ 2016 đến 2018 thì nhà nước phải bù lỗ mỗi năm trên 3.000 tỷ.
Nhân có bài báo nói về việc tạm ngưng hoạt động của Nhà Máy Lọc Dầu Dung Quất, thì nhân tiện tôi cũng xin nói về cái yếu điểm cố hữu của bộ máy quản lý CS, kiểu quản lý theo lối tập quyền, độc đoán nên đã đưa đến kết quả như vậy. Nếu còn CS thì đất nước chỉ quanh quẩn cách quản lí như vậy mà thôi, họ không bao giờ thay đổi./.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
https://baodatviet.vn/…/xin-gao-cuu-doi-thanh-hoa-xay-cong…/
https://tuoitre.vn/nha-may-loc-dau-dung-quat-tinh-chuyen-ta…