Phạm Minh Hoàng – Web Việt Tân
Vào lúc tôi đặt bút xuống viết bài nhận định này (3 tháng Tư, 2020), con số nhiễm vi-rút Corona trên toàn thế giới đã lên đến 962 ngàn, số tử vong gần 50 ngàn. Nước có nhiều người nhiễm nhất là Mỹ (235.000), nơi có nhiều tử vong nhất là Ý (13.155). Hầu như dịch đã lan ra trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn 4 tỷ người bị “cấm túc” tại nhà − ít nhất là cho đến giữa tháng Tư. Dịch bệnh không những làm chết nhiều người, nhưng “hậu dịch” cũng là chuyện đáng lo, vì kinh tế của cả thế giới đang lao dốc không phanh.
Vào những thời điểm u ám như vầy, đâu đó đã có nhiều tiếng nói nhắm vào chính quyền nơi mà phát ra bệnh dịch: Trung Quốc. Câu hỏi mà cả thế giới đặt ra là: Phải chăng Trung Quốc đã giấu nhẹm sự thật về số bệnh nhân nhiễm cũng như con số tử vong? Điều này khiến nhiều nước đã không có phản ứng đúng lúc.
Foxnews cho biết Tổng Thống Trump, hôm 26 tháng Ba, nói ông không thể xác nhận tính chính xác của số ca mắc coronavirus và số chết do China báo cáo, khi ông cảnh báo người Mỹ nên chuẩn bị cho những ngày đáng sợ hơn trong việc đối phó với virus.
Ngày 1 tháng Tư, dẫn lời ba quan chức Mỹ, hãng Bloomberg đưa tin cộng đồng tình báo Mỹ (IC) đã kết luận Trung Quốc che giấu mức độ bùng phát dịch bệnh do virus corona gây ra tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Tài liệu này do IC gửi Nhà Trắng, nói rằng Trung Quốc cố ý hạ thấp số liệu tiêu cực về virus.
Sáng 31 tháng Ba, Thủ Tướng Đức Merkel đã đưa ra 10 vấn đề phải làm ngay. Điều thứ 8 là: “Bảo vệ quốc gia (Đức) trước sự sự thôn tính bằng mua bán từ Bắc Kinh. Lừa dối thế giới bởi dịch bệnh và mua Châu Âu với giá hời. Phát minh và sáng tạo của Đức cũng như kinh tế và cơ sở hạ tầng không được rơi vào tay lãnh đạo Trung Quốc”. Trung Quốc đã được nêu đích danh, không còn vòng vo ngoại giao như trước,
Ngày 2 tháng Tư, tờ Telegraph của Anh vửa tiết lộ, các bộ xét nghiệm được nước này đặt của công ty Eurofins, trụ sở tại Luxembourg, cũng có dính virus corona chủng mới. Mặc dù nguồn tin không nói rõ từ đâu nhưng nhiều phần là từ Trung Quốc, vì chỉ có ở đây mới đủ khả năng sản xuất hơn 3,5 triệu bộ xét nghiệm do Bộ Y Tế Anh đặt hàng.
Nói tóm lại, trong những ngày sắp tới, Trung Quốc sẽ phải đối phó với rất nhiều chỉ trích về trách nhiệm của mình trước cơn đại dịch.
Rất nhiều chứng cứ và nghi vấn vào con số Trung Quốc công bố (81.300 người nhiễm và 3.313 tử vong). Trước tiên phải kể đến trường hợp của Bác Sĩ Lý Văn Lượng, người đầu tiên đã báo động bệnh dịch vào ngày 30 tháng Mười Hai, 2019. Sau đó bị chính quyền khóa miệng, và ông đã tử vong vào ngày 7 tháng Hai. Bác sĩ Ai Fen của Vũ Hán, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh Viện Trung Ương Vũ Hán, người đầu tiên chia sẻ nghi ngờ về loại virus mới với nhóm đồng nghiệp (trong đó có Bác Sĩ Lý Văn Lượng) “biến mất” sau khi công khai sự việc trên báo chí. Rõ ràng là chính quyền Trung Quốc đang tìm cách trấn áp những ai muốn minh bạch hóa sự việc.
Việc vệ tinh quan sát thấy một số lượng khí thải từ các lò thiêu trong vùng dịch Vũ Hán cộng với việc Đại Học Southampton (Anh Quốc) dùng dữ liệu lớn (Big Data), một công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 truy tìm đường đi của 60 ngàn dân Vũ Hán tỏa đi khắp nơi trốn lệnh phong tỏa đã lại đấy lên những ngờ vực về tính trung thực của Bắc Kinh.
Đã đến lúc chấm dứt toàn cầu hóa?
Trong lúc này, các nước Âu Mỹ đang oằn mình thoát khỏi Corona, nhưng đây đó đã có những tiếng nói lên án và đòi xét lại việc toàn cầu hóa đưa đến việc dịch chuyển các xí nghiệp và nhà máy về Trung Quốc để biến nơi đây thành “công xưởng của thế giới” và ngày nay − đứng trước đại dịch − cả thế giới đều phụ thuộc hoàn toàn vào “công xưởng” Trung Quốc.
Dịch cúm Corona như một cái tát nẩy lửa vào các nước Tây phương. Đến lúc này họ mới phát hiện ra rằng Trung Quốc là kẻ thù toàn cầu và toàn cầu hóa tự do là một căn bệnh ung thư ăn mòn chúng ta. Về vấn đề này, Dân Biểu Pháp Éric Ciotti ngày 26 tháng Hai đã chua chát nhìn nhận: “Chúng tôi ngạc nhiên rằng Trung Quốc, giờ đã trở thành nhà máy của thế giới, điều này đẩy Châu Âu trở thành những người tiêu dùng với hậu quả là ngày nay chúng tôi đã trở nên phụ thuộc vào Bắc Kinh.”
Hình ảnh chua chát mà mọi người đang thấy trên truyền thông là các nước Âu Mỹ đang giành nhau từng cái khẩu trang, từng cái máy trợ thở của Trung Quốc vì số nạn nhân đang tăng theo cấp số nhân và Trung Quốc đang nắm trong tay 30% sản lượng hàng tiêu dùng toàn cầu trong đó có hai ngành là xe hơi và thuốc men. Phải có con Corona để mọi người mới ngã ngửa ra khi thấy trong hai thứ thuốc quan trọng và phổ thông là paracetamol và penicillin đều có 85% lượng hoạt chất đến từ Trung Quốc!
Trung Quốc đã được hưởng lợi rất nhiều từ toàn cầu hóa: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã tăng từ 917 tỷ Euro năm 1997 lên 12.131 tỷ vào năm 2018. tăng tốc 1222% trong 20 năm trong khi tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người tăng từ 713 lên 8.443 Euro sau 20 năm. Với nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ (khoảng 4.000 tỷ USD), Trung Quốc từng bước đi thâu tóm các công ty, xí nghiệp Âu Châu. Trong số các lá cờ đầu của nền kinh tế Châu Âu đã lọt vào rổ của người Trung Quốc gồm: Volvo Thụy Điển (ô tô), Pirelli Ý (lốp xe), Câu lạc bộ Pháp Med (du lịch), St Hubert (bơ thực vật) và Lanvin (thời trang ); về phía Đức có Kuka và Krauss Maffei (máy công cụ). Hiện nay Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát 36 cảng trên thế giới.
Tuy nhiên thời vàng son này đã đạt mức đỉnh và từ hai năm nay đang trên đà đi xuống. Trung Quốc đang trở thành nạn nhân của chính họ. Ngày hôm nay, sau 20 năm tăng tốc phi mã, đời sống người dân cải thiện đưa đến tình trạng tăng thu nhập và hậu quả trước tiên là giá thành sản phẩm tăng theo. Một lý do khác là gần đây giá bất động sản tại Trung Quốc cũng tăng khiến các nhà đầu tư không còn thấy tha thiết với môi trường kinh doanh và đang dần đi tìm các vùng đất “mầu mỡ” hơn. Việc này đã bắt đầu từ 2 năm nay và ngày càng tăng. Cuối năm 2019, 23% doanh nghiệp Đức đang tìm đường dịch chuyển các công ty của họ.
Và ngày hôm nay, dịch cúm Corona sẽ thúc đẩy tiến trình “toàn cầu hóa” ngược. Ngày 1 tháng Tư, sau khi đi thăm một nhà máy sản máy trợ thở (ventilator), Tổng Thống Pháp Macron đã rõ ràng: “Mục tiêu hàng đầu của Pháp ngày hôm nay là cho ra những sản phẩm tại Pháp, từ giờ cho đến cuối năm, chúng ta sẽ sản xuất ra những sản phẩm 100% chất lượng Pháp, trên đất Pháp. Chúng ta phải hoàn toàn tự chủ toàn phần, trọn vẹn. Ngày mai sẽ không còn là ngày hôm qua.”
Con đường tơ lụa
Dĩ nhiên, với bản chất và tham vọng của mình, Trung Quốc không ngây thơ đến độ không tiên đoán được những gì sẽ xảy đến cho họ. Thế nên ngay sau khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã đề cập đến “giấc mơ Trung Quốc” và đã công bố một kế hoạch khổng lồ mang tên “Một vành đai − một con đường” (tiếng Anh viết tắt là BRI, Belt & Road Initiative). Đây là một dự án xây dựng song song nhiều mạng lưới đường bộ và đường thủy (chủ yếu gồm đường bộ, sân bay, đường sắt và cảng biển) nhằm nối liền hai lục địa Á-Âu. BRI được Bắc Kinh công bố năm 2013 và dự kiến hoàn thiện vào năm 2049, nhân 100 năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Tổng mức đầu tư được đưa ra mồi chài các nước nằm trên tuyến BRI là 1.000 tỷ USD!
Cho tới nay, Trung Quốc thuyết phục được chủ yếu các nước ở Trung Á, Đông Nam Á và Châu Phi. Liên quan đến Liên Hiệp Châu Âu (EU), hai nước thành viên đã bị khuất phục trước những lời đường mật của Bắc Kinh là Hy Lạp và Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, đến ngày 23 tháng Chín, 2019, Ý là quốc gia đầu tiên thuộc khối G7 tham gia dự án của Trung Quốc và sự kiện này sẽ ảnh hưởng đến sự thống nhất của EU trước những tham vọng của Bắc Kinh.
“Giấc mơ Trung Quốc” khác với “Giấc mơ Mỹ” ở điểm “Giấc mơ Mỹ” chỉ xây dựng một cuộc sống phồn vinh trong lòng nước Mỹ. “Giấc mơ Trung Quốc” tóm tắt là xây dựng một đời sống phồn vinh − ở đâu cũng được − nhưng trong sự kiểm soát của người Tàu. Nói một cách khác, đây là một hình thức đế quốc mới.
Trong những ngày tới, kiên trì và đoàn kết là hai thử thách lớn cho các nước EU. Trước tiên, người dân sẽ phải trả tiền đắt hơn để mua hàng hóa sản xuất trong nước hoặc trong không gian EU, thậm chí có thể người dân phải chấp nhận thắt lưng buộc bụng một thời gian. Tuy nhiên, dịch Corona đã cho mọi người thấy một điều tưởng chừng như quá hiển nhiên: Sức khỏe ưu tiên hơn kinh tế. Hai tháng bị “cấm túc” hy vọng mọi người sẽ ngẫm nghĩ lại và chấp nhận thay đổi thói quen trong nếp sống. Song song, các chính phủ EU cần có những biện pháp hỗ trợ thích ứng.
Sau nữa, sự đoàn kết đóng một vai trò rất quan trọng cho một tập thể 27 nước của EU. “Củ cà rốt” 1.000 tỷ USD có một sức hấp dẫn quá lớn cho các nước trong khối đang gặp khó khăn về kinh tế. Trung Quốc đang sử dụng rất hiệu quả phương pháp “bẻ đũa” nhằm chia rẽ khối EU. Theo ý kiến cá nhân, trong những ngày tới, EU cần thiết cải tổ để đảm bảo sự thống nhất trong khối.
Trong nhiều thế kỷ, các xã hội của chúng ta đã sống theo nguyên tắc cao quý của Aristotle cho rằng, nền kinh tế phục vụ xã hội và đồng tiền kiếm được phải thích ứng với nhu cầu xã hội. Toàn cầu hóa đã đảo ngược mô hình này bằng cách áp đặt mục tiêu duy nhất là đạt được lợi nhuận. Phải đặt sự an toàn trong cuộc sống người dân lên hàng đầu mới có thể chấm dứt sự sai lầm chết người này.
Phạm Minh Hoàng