Hợp tác xã – nỗi ám ảnh của thế kỷ 20

Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư đảng CSVN. Ảnh: Bnews.vn
- Quảng Cáo -

Ngô Đồng – Web Việt Tân

Hôm 27 Tháng Ba, 2020, ông Trần Quốc Vượng thay mặt Bộ Chính Trị CSVN ban hành Kết luận về việc đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Theo nội dung bản Kết luận, dù thừa nhận tốc độ tăng trưởng chậm, thiếu ổn định, năng lực cạnh tranh thấp, người dân không mặn mà, nhưng chủ trương của các lãnh đạo cộng sản là tiếp tục duy trì vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Phản ứng của dư luận sau tuyên bố của ông Trần Quốc Vượng về mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhìn chung là tiêu cực. Ký ức về một thời đói ăn giữa một đất nước nông nghiệp vẫn còn là nỗi ám ảnh đè nặng trong tâm trí nhiều người dân.

Mô hình hợp tác xã từng kéo lùi sự phát triển …

Hợp tác xã thời bao cấp tập thể hoá tư liệu sản xuất và sức lao động, quản lý theo cơ chế tập trung. Mô hình này từng áp dụng trong nhiều lĩnh vực kinh tế, thế nhưng được nhắc đến nhiều nhất trong nông nghiệp, bởi nó khiến Việt Nam từ một nước chủ yếu làm nông lại trở nên thiếu đói triền miên.

- Quảng Cáo -

Mô hình hợp tác xã tại Việt Nam nặng tính tự cấp, tự túc và chịu sự chi phối của các mệnh lệnh hành chính, trong khi không quy trách nhiệm cho ai. Người nông dân không thấy quyền lợi của họ trên cánh đồng, họ làm việc hời hợt theo tiếng kẻng cốt để tính công điểm mà không quan tâm đến chất lượng công việc.

Nhà cầm quyền ồ ạt xây dựng hợp tác xã bằng tư duy phải làm ăn tập thể, mới là xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, nhiều tiêu cực phát sinh, quản lý mất dân chủ, tham ô, lãng phí. Hậu quả là chỉ sau thời gian ngắn, đất nước hình thành cơ chế quản lý lạc hậu không khuyến khích được sản xuất, khiến hầu hết các hợp tác xã lâm vào tình trạng kiệt quệ về lương thực, toàn bộ nền nông nghiệp Việt Nam khủng hoảng nghiêm trọng.

Sau đó, các lãnh đạo CSVN đã từng bước điều chỉnh để đưa ra hình thức khoán đến từng hộ trong nông nghiệp. Khoán đã phá vỡ cơ chế tập trung quan liêu trong sản xuất nông nghiệp, làm sống động nền kinh tế nông thôn. Và chỉ sau vài năm thay đổi, Việt Nam đã dần dần vực dậy nền nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực và vươn lên thành cường quốc xuất khẩu gạo của thế giới.

… Và kinh tế tư nhân trở thành động lực của đất nước

Từ năm 1986 khi áp dụng đổi mới, CSVN thừa nhận mô hình kinh tế nhiều thành phần. Theo đó, ngoài kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể, còn có thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế đầu tư nước ngoài,… Cũng từ đây, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài càng ngày phát triển mạnh, trong khi đó kinh tế tập thể và quốc doanh bị teo lại.

Trải qua hơn 30 năm, kinh tế tư nhân không ngừng lớn mạnh, phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những nhân tố chính tạo nên sự tăng trưởng kinh tế đất nước. Trong khi đó, dù được ưu tiên hết mức nhưng nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả với những dự án lớn đang bị thua lỗ, gây ra những hậu quả kinh tế lớn là các khoản nợ nghìn tỷ, vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được đánh giá tích cực hơn, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế.

Hiện nay, Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập kinh tế thị trường, việc phát triển kinh tế tư nhân không chỉ đảm bảo tăng trưởng GDP với nhiều giá trị gia tăng, mà còn là nhân tố tạo ra sự ổn định xã hội, góp phần tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật,…

Đảng Cộng Sản bám víu kinh tế tập thể bằng mọi giá

Có thể thấy, sự chuyển mình của Việt Nam đã phải trải qua không ít những khó khăn, sai lầm. Thời hợp tác xã, hạt lúa là thành quả lao động gắn với công sức và quyền lợi của người nông dân. Một chân lý đơn giản như vậy nhưng phải mất bao nhiêu thời gian lãnh đạo cộng sản mới áp dụng.

Từ thuở ban đầu, tư duy phải làm ăn tập thể, mới là xã hội chủ nghĩa đã ăn sâu vào não trạng của các lãnh đạo CSVN. Quan trọng hơn, việc áp đặt kinh tế tập thể sẽ đi kèm với sở hữu tập thể, nghĩa là không chấp nhận sở hữu tư nhân. Từ mô hình kinh tế tập thể sẽ giúp các lãnh đạo cộng sản kiểm soát nông dân ở nông thôn, một lực lượng lao động rất lớn.

Nói tóm lại, giữa thời đại kinh tế thị trường, dù kinh tế tập thể, hợp tác xã đã lạc hậu, lỗi thời, nhưng Bộ Chính Trị cộng sản phải tiếp tục níu giữ mô hình này là vì không muốn hệ thống đảng ủy bị phá vỡ ngay từ hạ tầng mà đảng dựa vào để tồn tại từ 90 năm qua.

Không cần xây dựng mô hình hợp tác xã bằng ý chí chính trị

Thật ra có nhiều quốc gia tổ chức mô hình hợp tác xã, nhưng đó là các quốc gia dựa trên nền tảng tôn trọng tư hữu và tư nhân. Sở dĩ ở những quốc gia này thiết lập hợp tác xã là vì họ muốn khuyến khích sự tự trị trong từng vùng để cho mọi người giúp nhau sống trong tình láng giềng nhiều hơn là lợi ích kinh tế. Trong khi đó, hợp tác xã – kinh tế tập thể tại Việt Nam bị “chính trị hoá”, trở thành nơi đảng kiểm soát và theo dõi các hoạt động kinh doanh của người dân.

Không phủ nhận rằng nông nghiệp Việt Nam manh mún, cá thể, chậm phát triển và dễ bị tổn thương trước những cú sốc của thị trường. Chính vì vậy, nông nghiệp cần được quan tâm nhiều hơn để hướng đến nền sản xuất hàng hoá công nghệ cao. Tuy nhiên, nhà nước chỉ nên ban hành các chính sách thúc đẩy nông nghiệp, như hỗ trợ vốn, hỗ trợ kỹ thuật, dạy nghề, thuế khóa, tìm kiếm thị trường,… Còn việc hợp tác và liên kết là những nhu cầu tự nhiên của sản xuất, hãy để người dân tự lựa chọn.

Ngô Đồng

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here