Theo Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, trong thời gian qua, đã có những đảng bộ tổ chức Đại hội điểm bầu trực tiếp Bí thư.
Theo các nhà lý luận của đảng CSVN thì đây là bước tiến lớn về dân chủ trong đảng.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho biết: “Cách làm này hay hơn rất nhiều so với việc Đại hội chỉ bầu được Ban Chấp hành, rồi Ban Chấp hành mới bầu Thường vụ, Thường vụ bầu Bí thư, phải qua nhiều tầng nấc. Bí thư là người đứng đầu cấp ủy đó thì phải do chính đảng viên cấp ủy đó trực tiếp lựa chọn, bầu ra như vậy mới là dân chủ. Tôi cho đó là một dấu hiệu rất tốt về sự dân chủ trong Đảng”.
Theo cách làm mới như Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Thái Tân (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) vừa tiến hành, Đại hội bầu một lần đủ thành viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã theo đúng cơ cấu. Sau đó, Đại hội thảo luận và tiến hành lấy phiếu giới thiệu nhân sự Bí thư Đảng ủy xã. Đại hội chia tổ thảo luận, thực hiện ứng cử, đề cử nhân sự Bí thư Đảng ủy xã. Ban Chấp hành Đảng bộ xã lấy phiếu giới thiệu nhân sự Bí thư Đảng ủy; nghe báo cáo tổng hợp kết quả ứng cử, đề cử nhân sự Bí thư Đảng ủy xã tại các tổ, sau đó đưa ra Đại hội bầu.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương khẳng định, nếu coi cách làm trước đây là dân chủ đại diện, thì việc bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội chính là dân chủ trực tiếp, phát huy được vai trò trực tiếp của đảng viên. “Đại hội trực tiếp bầu Bí thư, có nghĩa là từng đảng viên bỏ phiếu bầu, như thế chính là thực hiện cơ chế dân chủ trực tiếp mà dân chủ trực tiếp bao giờ cũng dân chủ hơn dân chủ đại diện”, ông Hà lý giải.
Qua việc thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ chính trị về việc bầu bí thư trực tiếp tại Đại hội thì nó phản ánh điều gì? Có phải thực sự đảng CSVN bắt đầu tiến hành dân chủ trong nội bộ đảng?
Thứ nhất, chứng minh một điều hiển nhiên là trong nội bộ đảng CSVN chưa bao giờ có dân chủ. Mặc dù ông Nguyễn Đức Hà có giải thích “rằng trước đây là bầu theo kiểu dân chủ đại diện và nay là bầu dân chủ trực tiếp. Mà dân chủ trực tiếp bao giờ cũng dân chủ hơn dân chủ đại diện”.
Dân chủ đại diện theo cách mà đảng CSVN tiến hành trong nội bộ của họ cũng như bầu cử các chức danh trong hệ thống chính trị cộng sản đều là ngụy dân chủ. Tức là dân chủ giả tạo, mọi công tác nhân sự đã được Ban tổ chức đảng và chính quyền các cấp dàn xếp, lựa chọn xong rồi. Việc đưa ra bầu cử chỉ hình thức, hợp pháp hóa một việc làm phi dân chủ của đảng CSVN.
Thứ hai, chứng minh một điều là khi trong nội bộ của đảng CSVN chưa có dân chủ thì trong hệ thống chính trị của nó cũng không bao giờ có dân chủ. Tức là các cuộc bầu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp chỉ là ngụy dân chủ.
Cách bầu bí thư trực tiếp tại Đại hội theo Chỉ thị 35 cũng vẫn là hình thức ngụy dân chủ! Và do vậy đảng CSVN vẫn chưa thực sự muốn tiến hành dân chủ trong nội bộ của họ.
Tại sao như vậy?
Bầu cử dân chủ có những nguyên tắc bắt buộc của nó, thiếu những nguyên tắc này thì đó chỉ là ngụy dân chủ.
Nguyên tắc thứ nhất của bầu cử dân chủ là phải có tự do ứng cử.
Tức là bất kỳ đảng viên nào tại cơ sở đảng muốn ra ứng cử vào Ban chấp hành hay ứng cử chức bí thư thì đều có quyền tự do ra ứng cử. Trong trường hợp có quá nhiều ứng cử viên thì có thể qui định mỗi ứng cử viên cần có bao nhiêu chữ ký của các đảng viên hay thâm chí là cho phép lấy chữ ký của quần chúng.
Nguyên tắc thứ hai là phải có tối thiểu 2 ứng cử viên tranh cử chức bí thư khi tiến hành bỏ phiếu bầu cử.
Nguyên tắc thứ ba là các ứng cử viên phải có cương lĩnh tranh cử và trình bầy cương lĩnh của mình trước các cử tri.
Nguyên tắc thứ tư là phải có Ban kiểm phiếu độc lập.
Còn đối với chế độ chính trị dân chủ cũng phải có nguyên tắc cấu thành lên nền dân chủ. Thiếu một trong các yếu tố cấu thành thì đó không phải là chế độ dân chủ.
Nguyên tắc thứ nhất là phải có đa đảng. Nguyên tắc này đảm bảo quyền tự do hoạt động chính trị của công dân. Đảm bảo quyền bình đẳng giữa các công dân khi tham gia hoạt động chính trị. Đảm bảo quyền cạnh tranh giữa các đảng chính trị. Đảm bảo quyền tự do lựa chọn và quyết định đảng cầm quyền của Nhân dân;
Nguyên tắc thứ hai là phải có tự do báo chí. Nguyên tắc này đảm bảo bất kỳ công dân hay tổ chức nào cũng có quyền tự do làm báo chí. Bởi tự do báo chí là quyền lực thứ tư sau các quyền lập pháp, hành pháp, và tư pháp; Tự do báo chí là công cụ hữu hiệu của Nhân dân để giám sát chính quyền và đảng cầm quyền.
Nguyên tắc thứ ba của chế độ dân chủ là phải có bầu cử tự do và công bằng có sự tham gia và cạnh tranh của các đảng phái chính trị và các ứng cử viên độc lập.
Qua các phân tích trên, chúng ta có thể kết luận rằng chế độ độc đảng cộng sản tại Việt Nam là một chế độ ngụy dân chủ và là chế độ cực kỳ phản động./.