Trân Văn – VOA
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam, vừa hô: Xung phong! – tại Lễ phát động Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 do Ủy ban Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức.
Giữa lúc trận chiến chống dịch viêm phổi Vũ Hán càng lúc càng căng thẳng, ông Phúc kêu gọi toàn bộ dân chúng Việt Nam đóng góp theo khả năng của từng người, có tiền góp tiền, có vật góp vật, có sức góp sức, có ý tưởng góp ý tưởng và vào lúc này, với tình thế như hiện nay, đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta sẽ không phân biệt tuổi tác, địa vị, giai tầng và hy vọng mọi người cùng nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc (1).
***
Giống như Việt Nam, nhiều quốc gia trên toàn thế giới không hạn chế thì cũng kêu gọi dân chúng tự cách ly với các sinh hoạt thường nhật. Kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng vì từ sản xuất, kinh doanh đến giao thương ngưng trệ trên diện rộng. Có lẽ chưa bao giờ cả người nghèo lẫn người giàu trên phạm vi toàn cầu cùng khóc như hiện nay. Cũng có lẽ chưa bao giờ các hệ thống chính trị, hệ thống công quyền trên toàn thế giới bối rối như hiện nay vì không dự liệu được loại tình huống này nên chưa hề đặt định đối sách!
Tuy nhiên, nếu theo dõi các diễn biến liên quan đến phòng, chống dịch viêm phổi Vũ Hán, có thể nhận ra ngay, dù hết sức bị động nhưng ở nhiều nơi trên thế giới, bên cạnh việc đề ra những giải pháp vĩ mô nhằm nâng đỡ sản xuất, kinh doanh, chống chọi để kinh tế không suy sụp, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền còn tìm đủ mọi cách để giảm mức độ tổn thương của những thành phần vốn vẫn bị xem là yếu thế trong xã hội: Trẻ con, người già, người nghèo, người tàn tật, người không may bị nhiễm virus…
Chẳng hạn tại Mỹ, khi ra lệnh đóng cửa các trường học để ngăn ngừa lây nhiễm, các viên chức hữu trách, các tổ chức xã hội lập tức nghĩ ngay tới những đứa trẻ mà gia cảnh vốn dĩ khó khăn, trước nay vẫn trông chờ vào những bữa sáng, bữa trưa miễn phí tại trường để không suy dinh dưỡng (2). Sử dụng google với các từ khóa “coronavirus+schools+shut down+ meals” có thể tìm thấy hàng trăm triệu kết quả mô tả các địa phương tại Mỹ bù đắp những thiệt thòi này thế nào?
Có nơi, các học khu (vai trò na ná như các Phòng Giáo dục tại Việt Nam) tổ chức phát hai bữa ăn/lần cho trẻ con và người tàn tật tại đoạn lề đường phía trước cổng trường cho trẻ con và người tàn tật, những người có nhu cầu chỉ cần cho xe tạt vào lề đường, hạ cửa kiếng xuống để nhận các phần ăn đã được đóng gói sẵn (3). Có nơi thì những chiếc xe buýt trước vẫn đưa đón học sinh, giờ trở thành phương tiện phân phối thực phẩm tại những điểm trẻ con lên xuống xe mỗi ngày (4)…
Dẫu mỗi nơi một kiểu, song nhìn một cách tổng quát, ở nhiều quốc gia, song hành với các biện pháp phòng – chống dịch viêm phổi Vũ Hán là đủ cách hỗ trợ nhằm giảm tổn thương cho những thành phần yếu thế. Ngay cả những xứ chưa được cộng đồng quốc tế thừa nhận có tư cách như một quốc gia cũng vậy. Cuối tháng giêng, Quốc hội Đài Loan đã ngồi xuống để thảo luận xem sẽ dùng tiền trong công quỹ hỗ trợ cho những ai, ở mức nào, phương thức thực hiện ra sao…
Nhờ vậy, tuần trước, Đài Loan bắt đầu triển khai kế hoạch hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Chẳng hạn, tất cả những người nghi ngờ bị nhiễm, phải cách ly, không thể làm việc hay phải xin nghỉ làm việc vì bị kiểm dịch hoặc phải chăm sóc người bị kiểm dịch, bị cách ly đều có quyền yêu cầu hỗ trợ, mức trợ giúp là 1.000 Đài tệ (khoảng 33USD)/ngày. Qui định vừa kể được áp dụng từ 15 tháng 1 và có quyền yêu cầu trợ giúp trong vòng hai năm tính từ ngày bị kiểm dịch hay chấm dứt cách ly (5)…
Còn tại Việt Nam, từ khi dịch viêm phổi Vũ Hán trở thành một trong những vấn nạn chính của quốc gia, Quốc hội chưa họp lần nào. Tuần trước, Tổng Thư ký Quốc hội Việt Nam thông báo, Phiên họp lần thứ 43 của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội Việt Nam sẽ không diễn ra vào ngày 10 tháng 3 như dự kiến vì có vấn đề về công tác chuẩn bị. Nếu phiên họp ấy không bị hoãn thì UBTV Quốc hội Việt Nam cũng chỉ thảo luận về các nghị quyết, nghị định, dự luật chẳng dính dáng gì đến dịch bệnh và hỗ trợ ai (6)!
***
Tuy chưa có bất kỳ thống kê chính thức nào về những thiệt hại mà virus Vũ Hán gây ra cho kinh tế – xã hội Việt Nam nhưng ai cũng có thể cảm thấy mức độ nghiêm trọng từ tác động của dịch viêm phổi Vũ Hán đến tất cả các lĩnh vực tại Việt Nam. Khác với thiên hạ, khi cả quốc gia phải đối diện với dịch bệnh, trong hai tháng đầu tiên (tháng giêng và tháng hai), điều duy nhất mà chính phủ ta bận tâm, liên tục lặp đi, lặp lại là phải giữ vững và phải đạt “chỉ tiêu tăng trưởng” (7).
Cũng vì chỉ bận tâm đến “chỉ tiêu tăng trưởng”, hồi hạ tuần tháng 2, Tổng cục Du lịch thay mặt chính phủ, từng hoan nghênh và cam kết hỗ trợ ý tưởng sử dụng nhiều biện pháp để biểu đạt sự “thân thiện” nhằm lôi kéo du khách châu Âu đến Việt Nam giữa mùa dịch, trong đó có cả “tuyên truyền, giáo dục để nhân dân không vì sợ lây nhiễm mà ngần ngại, thậm chí phản đối đón tiếp du khách châu Âu” (8). Giờ, ai sẽ gánh trách nhiệm trong tương quan giữa “thân thiện” để đạt “chỉ tiêu tăng trưởng” với đợt lây nhiễm mới?
Mãi đến đầu tháng này Thủ tướng Việt Nam mới ban hành một chỉ thị, đặt định “những giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện nhiệm vụ ‘kép’ vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội” (Chỉ thị 11). Theo đó, chính phủ sẽ dùng một gói tín dụng 250.000 tỉ để hệ thống ngân hàng rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn – giảm lãi,… và một gói tài khóa 30.000 tỉ để miễn, giảm thuế, lệ phí… (9).
Đã tròn nửa tháng nhưng chủ các doanh nghiệp vẫn chưa nhận được bất kỳ hình thức hỗ trợ nào từ Chỉ thị 11. Tất cả các ngân hàng cũng như các bộ hữu trách thuộc chính phủ vẫn còn đang… xem xét việc sử dụng các gói hỗ trợ (10). Tác dụng lớn nhất của Chỉ thị 11 hiện chỉ là… gieo hi vọng! Từ khi virus gây dịch viêm phổi Vũ Hán xâm nhập Việt Nam, khoảng 30.000 doanh nghiệp đủ loại, đủ qui mô đã phải ngừng hoạt động, người ta dự đoán con số này sẽ tăng rất nhanh trong vài tháng tới!
Song chuyện chưa ngừng ở đó, Việt Nam không chỉ có doanh nhân, Việt Nam còn nhiều triệu công nhân đã cũng như sắp mất việc, nhiều triệu nông dân vừa chịu đựng hậu quả của dịch bệnh, vừa gánh hậu quả của thiên tai và nhiều triệu người khác kiếm sống bằng đủ loại dịch vụ cả có tên lẫn không tên lao đao. Chưa thấy đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta đề cập đến việc hỗ trợ họ. Chẳng lẽ đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta quên là đang “của”, đang “do”, đang “vì” những đối tượng này?
Trong bối cảnh như hiện nay, ai hỗ trợ họ, ngoài sự quan tâm và tiếp tục trút mọi nguồn lực quốc gia cho việc bảo đảm đạt “chỉ tiêu tăng trưởng”, kể cả cho cái gọi là “Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu” (11), cho việc tổ chức đại hội đảng các cấp nhằm bảo đảm “Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 13” thành công tốt đẹp, đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta chưa có thời gian, không đủ tâm lực, trí lực nghĩ tới những người cùng khổ.
Tin mới nhất cho biết, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội “đang” tổng hợp số liệu lao động chịu ảnh hưởng, mất việc làm tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước để báo cáo cho Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19. Những công nhân đã mất việc, thu nhập đang giảm vì doanh nghiệp phải giảm giờ làm việc,… có quyền hi vọng như các doanh nhân đang nuôi hi vọng. Còn những đứa trẻ đánh giày, những người tàn tật, người già bán vé số, những phụ nữ buôn gánh, bán bưng,… thì sao?
***
Thủ tướng vừa hô: Xung phong! Một lần nữa, toàn dân lại được kêu gọi đóng góp tất cả những thứ họ có. Trên thực tế, qua đủ loại thuế, phí mọi người, từ giàu đến nghèo đã góp từ lâu. Bây giờ là dịp để xem đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta sẽ góp gì? Khoan nói chuyện góp, lần này, các đồng chí lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương ở ta có dám từ bỏ những đặc quyền, đặc lợi trong ăn ở, đi lại, làm việc, khám bệnh, chữa bệnh,… chăng? Đồng chí nào sẽ tiên phong trong việc nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc?
Chú thích
(4) https://knsiradio.com/news/local-news/school-district-provides-food-delivery-students
(5) https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=462&post=173152
(6) http://quochoi.vn/UBTVQH/tintuc/Pages/tin-hoat-dong.aspx?ItemID=1130
(7) https://www.ssi.com.vn/khach-hang-ca-nhan/tin-kinh-te/tin-tuc/1880081
(8) https://tuoitre.vn/du-lich-viet-nam-dam-bao-an-toan-nhung-cung-can-than-thien-20200220174210322.htm
(10) https://www.thesaigontimes.vn/301268/trong-cho-phuong-an-b-voi-chinh-sach-tien-te.html
(11) https://ndh.vn/thoi-su/xay-dung-de-an-phat-trien-doanh-nghiep-nha-nuoc-quy-mo-lon-1263963.html
(12) https://tuoitre.vn/covid-19-mat-viec-duoc-ho-tro-ra-sao-20200318080858529.htm