Đàm Ngọc Tuyên lược ghi
Tàn cuộc chiến với “giặc thù”, thằng Năm, anh Bảy, cũng vội nhảy tót lên xe công vụ, rồ ga mất hút. Chỉ có chất thải từ động cơ xe còn ở lại.
***
Sa Huỳnh Cửa, biển mặn màu huyết lệ
Đồng bào tôi, gục ngã trước tà quyền
Hai câu thơ này, tôi viết cho người dân ở Đức Phổ, xứ Quảng, quê hương của tôi, khi họ bị tà quyền chém giết không nương tay. Thời điểm nào, tôi đã không còn nhớ, bởi làm gì có, cái gọi là tà quyền, ở thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ này, mà là chính quyền vì dân.
Tháng 3 Dương lịch năm nay, thay vì ra khơi kiếm con chuồn, con hố (2 loài cá, có nhiều nhất ở biển miền Trung, từ tháng 3 đến tháng 6 DL), như mọi khi, thì người dân Đức Phổ lại phải tập trung biểu tình, ngăn cản Nhà máy xử lý rác thải (xã Phổ Thạnh) hoạt động: Làm ơn xin đừng hủy hoại môi sinh, gây ô nhiễm thêm vùng quê này nữa.
“Người nách thước kẻ tay đao. Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi”. Đây là hai câu thơ, trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du tả về loài sai nha, chuyện xưa lắm rồi. Còn ở Đức Phổ, vừa qua, khi người dân phản đối, thì chính quyền vì dân, chứ đâu phải bọn “đầu trâu mặt ngựa”, nên chăng sẽ có hành xử, không rừng rú nữa. Tôi tin như thế, nên liên hệ với một Cụ ông (lão làng xã Phổ Thạnh), để xin lắng nghe, đồng thời lược chép lại cảm xúc của Cụ, khi công an tràn về làng. Nếu một ai đó, có xem những dòng lược ghép này, là đại diện cho hầu hết tâm tình của đồng bào Đức Phổ, tôi không có phản đối.
Bây giờ thì, cùng lắng nghe: Đầu tiên, Cụ hỏi tôi rằng:”- Tôi nói anh có nghe rõ không?”. Có một chi tiết, thật Cụ không biết diễn tả thế nào, bởi nó rất chi là Người. Trong khi, lực lượng C.A sắc, thường phục chính quy của toàn thể tỉnh Quảng Ngãi, có xuất thân ở huyện Đức Phổ – quê hương của cô Trâm Y tá -, là rất nhiều. Mà đó cũng chính là lực lượng tràn về làng, mới đây.
Có lẽ, cuộc đàn áp này, nên giao cho K20 của Bộ Công an thì hay hơn. Bởi được thế, sẽ không làm tổn thương, hỏng luôn phần tâm hồn Người còn lại, của các anh C.A có quê Đức Phổ. Cụ ông bao đời sinh sống ở đây, hỏi mà như lời than oán: Như thế này, sao mà không tổn thương được chứ, với bất kì ai còn là Người, khi mà…
Khi mà, Cụ ông tin rằng, trong đám đông “nhằm thẳng nhân dân mà đánh” kia, ắt có người sinh ra và lớn lên từ Đức Phổ, là thằng Năm, hay anh Bảy, ở quê vẫn hay gọi thế, tùy cụ thể. Bấy lâu nay, các anh trở lại quê hương, đồng bào vẫn nở nụ cười mặn mà như muối cửa Sa Huỳnh, đón thằng Năm, hay anh Bảy,. Cái điều vốn dĩ người quê, tình quê vẫn thường dành cho đứa con xa xứ.
Ấy vậy mà, nụ cười chất phác thật thà đượm nghĩa tình kia, vội tắt ngấm, trời đất tối sầm cả lại, như những ngày bão biển. Bởi thằng Năm, hay anh Bảy, lần này nó đến Sa Huỳnh, để “diệt thù”, chứ không phải nó về quê, thăm mộ phần gia tiên nó, như mọi khi trước đó. Quả thật, nó đang “diệt thù” làng nước, đồng bào ơi!
Hãy nhìn kìa, nó và những đồng chí của nó, được vũ trang tận răng. Còn có cả chó, cơ man nào là chó với chó. (Có lần nó kể cho dân làng nghe rồi truyền tai nhau:”- Nhìn chó thế đấy, chứ được tập luyện có bài bản hẳn hoi, nghe lời người “chủ” dữ lắm, nên luôn xung phong cắn xé “giặc thù””. Tất nhiên, chi phí cho đám chó này, cũng lấy từ tiền thuế của nhân dân, có cả đồng bào miệt biển này. Người dân biển nơi đây, cứ mỏi mòn mong nó về, để hỏi, bởi lần đó chưa kịp hỏi (chưa nghĩ ra để hỏi cũng nên), hỏi rằng: Chó của nó, có cắn chủ của nó không?!)
Tiếc quá, giờ thì làm sao mà hỏi, khi nó đang tả xung hữu đột “diệt quân thù”. Trông nó mới anh hùng, mới đáng tự hào làm sao. Thật phước đức biết bao cho những ai đã sinh thành, nuôi nó lớn, để có được ngày hôm nay. Ngày hôm nay, thành quả ấy là, buộc phải giẫm đạp lên mặt, lên đầu, đánh cùi chỏ lật, hay thúc gối hết lực, những động tác, chỉ dành cho kẻ thù (như giặc Trung Quốc chẳng hạn).
Kẻ thù mà nó đang đánh đập không chút nương tay, cho dù là bà già, hay ông lão, tuổi tác đẻ ra được song thân nó đấy chứ. Kẻ thù của nó, chỉ là bọn tạp nham, không quy cũ, lại đói ăn, nên trông cứ như vất va vất vưởng ấy chứ. Quả thật, đường vinh quang là con đường ra làm sao, người dân quê nó không một ai tỏ tường. Nhưng những con đường miền quê hương đẻ ra ông Chủ tịch nước Trần Đức Lương, tròn 44 năm, vẫn “xây xác quân thù”, thì đồng bào bán mặt cho biển, bán xác cho nhà máy xử lý rác thải trái quy định, đã thấy rõ. Rất rõ là đằng khác! Thế có lạ lùng, dị hợm không?
Tàn cuộc chiến với “giặc thù”, thằng Năm, anh Bảy, cũng vội nhảy tót lên xe công vụ, rồ ga mất hút. Chỉ có chất thải từ động cơ xe còn ở lại. Chới với trong làm mờ đục ấy, người Đức Phổ còn kịp nhìn thấy, những bàn chân, những cánh tay của giặc thù, chưa lọt hẳn vào trong những thùng xe công vụ kia, khi thân thể gắn kết bị vứt chỏng chơ, như số phận thằng trộm chó. Cũng nhờ sự kịp nhìn thấy ấy, mà đồng bào nơi đây, òa tức tưởi, uất nghẹn, vì “giặc thù” ngỡ là bọn giặc Trung Quốc vẫn ngày đêm cướp đảo, chiếm biển, thâu tóm đất liền Việt Nam ta.
Có ngờ đâu, đời không như ước mơ, chưa hẳn. Nhưng, đảng không như ước mơ, thì tuyệt đối cấm có sai. Hóa ra, “giặc thù” vừa bị thằng Năm, anh Bảy hạ gục kia, chính là người dân quê vùng diêm muối này. Thì ra, nó hận thù cả quê hương chôn nhau cắt rốn của nó, nên lần đến này, nó đánh đồng bào của nó, đá đồng hương của nó, hăng say và cật lực nhất.
Dẫu sao thì, cũng cảm ơn những điều mà nó và đồng chí nó ban tặng cho người nhà quê Đức Phổ. Ít ra, nó cũng gián tiếp giúp trả lời được câu hỏi còn chưa kịp hỏi nó: Chó có cắn chủ của nó hay không mà thôi. Câu trả lời thật chó đến vô cùng, vô cực, cho loài chó hôm nay.
Đ.N.T.
VNTB gửi BVN