Những kệ hàng trống hoác, những phi trường vắng tanh, những nhà hàng không bóng người, những giáo đường không giáo dân, những sân trường lặng ngắt, những khu phố vắng hoe… Thế giới chưa bao giờ như thế này. Tưởng chỉ có trong phim hoặc truyện giả tưởng. Thế mà trực nghiệm ngay trước mặt. Chiến tranh có lẽ cũng không tạo ra hình ảnh kỳ lạ và đáng sợ như vậy. Không tiếng súng nhưng chết như ngã rạ. Kinh hoàng thật sự. Chỉ một con virus, thế giới đã được san phẳng. Chỉ một con virus, nhiều thứ đã lộ ra.
Sự phơi bày kinh khủng nhất mà coronavirus mang đến không phải là những khiếm khuyết của sự vận hành chính quyền, từ chính quyền cộng sản đến chính quyền tư bản; cũng không phải những lỗ hổng của kỹ thuật y học; cũng không phải sự mơ hồ về ý chí chống dịch bệnh. Trên tất cả, nó làm lộ ra những khoảng trống giữa con người với con người mà sự giao tiếp bình thường vốn mang lại “cảm giác” rằng quan hệ con người thời văn minh đã đạt đến tầm ngưỡng xứng đáng là những giá trị văn minh căn bản. Hóa ra “cảm giác” đó chỉ là ảo tưởng, như những gì chứng kiến từ khi trận dịch bắt đầu.
Kỳ thị, mỉa mai, xúc xiểm, mạ lỵ, thù ghét, giận dữ, trách móc…, tất cả đều trỗi dậy và lan nhanh hơn cả dịch bệnh. Giữ khoảng cách trong giao tiếp xã hội để tránh lây lan là một trong những lời khuyên được nghe nhiều nhất trong trận đại dịch. Nhưng không ai khuyên ai, chẳng tổ chức y tế nào đề nghị, người ta cũng đã tạo ra những “khoảng cách” giữa con người với con người, với những che chắn định biên bằng những bức tường kỳ thị, bằng những rào chắn thù nghịch, bằng những đánh giá và nhận xét được mặc định đúng-sai theo những “cách hiểu” mà bản thân nó ít nhiều đã hàm chứa tỷ lệ sai nhiều hơn đúng.
Những khoảng cách này đáng sợ hơn nhiều so với những khoảng cách vật lý mà giới y tế khuyên nên thực hiện. Những khoảng trống trong tình người trong thời đại dịch đáng sợ hơn những khoảng trống trên các kệ hàng được vét sạch bởi tâm lý hoảng sợ giữa mùa đại dịch. Những kệ hàng rồi sẽ được lắp đầy. Khoảng trống trong tình người thì lấy gì lắp vào? Những phi trường vắng ngắt trông thật ghê rợn nhưng có lẽ chẳng ghê rợn hơn so với sự thiếu vắng tình đồng loại. Những tiếng ồn ào quát tháo chen nhau vét hàng cũng kinh khủng tương đương tiếng chửi rủa và xỉa xói trên mạng xã hội thời khủng hoảng đại dịch.
Coronavirus cho thấy thế giới dường như vẫn chưa văn minh như được tưởng. Con người vẫn chưa văn minh như tự nhận. Khoa học vẫn đang miệt mài nghiên cứu và thử nghiệm vaccine trị coronavirus nhưng bản thân con virus đã mang đến một cuộc xét nghiệm toàn cầu để giúp thấy được “sức khỏe” của văn minh toàn cầu lẫn “khả năng đề kháng” trước sự lây nhiễm và lan rộng ác tâm trong nền văn minh toàn cầu. “Thiện, ác, tà” chưa bao giờ biến mất và vẫn tồn tại với nhân loại cùng lịch sử của nó nhưng coronavirus đã một lần nữa cho thấy thế giới được mặc định văn minh vẫn không dứt khỏi được câu hỏi tại sao cuộc chiến lương tri con người sau hàng ngàn năm qua vẫn tiếp diễn mất cân bằng giữa một “thiện” và hai “ác, tà”.
Thế giới có thể không bao giờ trở lại như một thế giới thời “tiền coronavirus” nhưng liệu thế giới có nghiệm ra được rằng họ đã mất gì nhiều nhất, không chỉ các tổn thất kinh tế, nếu không phải là những giá trị tình người?