Nhân chuyện đảng, chính quyền Hải Phòng thống nhất chi ngân sách 269 tỷ đồng mua gần 60 vạn bộ ấm chén và cờ để tặng các hộ dân nhân 65 năm ngày giải phóng Hải Phòng, tôi kể chuyện công đoàn của tôi để thấy đảng, chính quyền Hải Phòng cũng tư duy công đoàn.
Biết khơi lại chuyện cũ của cơ quan sẽ làm cho nhiều đồng nghiệp khó chịu, nhưng chuyện nhỏ này có ý nghĩa lớn cho cuộc tranh đấu vì lẽ phải.
Đó là năm vừa xử xong Hiệu trưởng độc tài cũ và Hiệu trưởng mới lên ngôi. Tôi được tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành công đoàn, kiêm Trưởng ban thanh tra nhân dân nhiệm kỳ mới. Năm đó, vẫn như thường lệ, Hiệu trưởng giao công đoàn mua quà Tết (gồm dầu ăn, bia, bột ngọt, bánh kẹo…). Vì là lệ thường nên tôi không phản đối.
Đến khi mua xong thì dư luận ồn ào về khoản hoa hồng, khoản chừng vài mươi triệu. Tại cuộc họp liên tịch, tôi hỏi, số tiền hoa hồng ấy đã làm gì. Tôi hỏi vì nhiệm kỳ trước từng lộ ra cán bộ thư viện, y tế bỏ túi số tiền hoa hồng mua sách, mua bảo hiểm y tế đến hàng trăm triệu, thậm chí tiền tỷ mà cơ quan điều tra đang điều tra. So với các loại hoa hồng đó, hoa hồng mua quà sắm Tết cho người lao động nhỏ như con muỗi, nhưng phải chặn từ chuyện nhỏ. Vừa hỏi xong, lập tức tôi bị chặn họng, rằng đó là chuyện nhạy cảm, đồng chí không nên hỏi. Đã thế tôi càng hỏi cho ra nhẽ. Thì ra số tiền hoa hồng vài mươi triệu đó mua quà Tết tặng lãnh đạo. Tôi bảo chi như vậy là tùy tiện, sai luật rồi. Lễ tết thì phúc lợi của lãnh đạo phải bình đẳng với người lao động. Thế là đại diện công đoàn cãi lý rằng không sai, vì BCH công đoàn đi mua thì BCH trọn quyền hưởng hoa hồng, muốn biếu quà ai thì biếu. Tôi nói, tiền phúc lợi là của người lao động, BCH chỉ thực thi trách nhiệm mua quà, hoa hồng phải là của người lao động chứ không thể nói là của BCH, Không có cái lý lấy tiền chung mua hàng thì hoa hồng là của riêng. Cũng như bên thư viện, y tế có trách nhiệm mua thiết bị và mua bảo hiểm cho sinh viên, cá nhân người mua không bỏ tiền túi mà hưởng hoa hồng đến tiền tỷ là phạm luật.
Không cãi lý được với tôi, nhiều người nhao nhao lên, rằng tôi hỏi như vậy là “gây tổn thương lãnh đạo”. Tôi ghét cái thói nịnh hót đó nên chất vấn tiếp: “Lãnh đạo nào đã nhận quà từ tiền hoa hồng?” Hiệu trưởng thú nhận ngay: “Tôi có nhận một chai rượu ngoại, nhưng lúc đó do không biết nguồn gốc từ tiền hoa hồng nên mới nhận”. Tôi mắng ngay: “Nhận quà mà không biết nguồn gốc là phạm luật! Nhỡ tiền trộm cắp thì sao?” Hiệu trưởng gãi đầu: “Tôi sẽ trả lại!”. Tôi cười: “Không nên dỗi như trẻ con! Lần sau rút kinh nghiệm, cái gì không phải của mình thì phải biết từ chối!”. Tôi nói thêm: “Đặt ra cái lệ Hiệu trưởng giao Ban chấp hành công đoàn mua sắm quà cho lễ tết rồi lấy tiền hoa hồng lại quả cho lãnh đạo thì mới có chuyện Đảng ủy và Chính quyền can thiệp thô bạo vào chuyện bầu bán, rằng cứ phải là người này người kia làm chủ tịch… để làm lợi cho lãnh đạo! Kết quả là công đoàn sinh ra chỉ để nịnh hót”.
Kết thúc cuộc cãi nhau đó, tôi chính thức đề nghị: “Bãi bỏ chuyện mua quà Tết. Phúc lợi thì nên chi bằng tiền cho người lao động!” Hiệu trưởng đồng ý và hơn mười năm nay đã bỏ hẳn lệ cũ.
Tôi biết chuyện đấu tranh của tôi trong cuộc họp đó ít người ủng hộ, thậm chí còn gây dư luận xấu, nhưng thấy sai thì phải nói. Hậu quả là, nhiệm kỳ tiếp theo, tại Đại hội công đoàn, phiếu bầu cho tôi rất thấp. Những kẻ hèn hạ thì sẽ la toáng lên là do đấu tranh mà bị trù dập. Riêng tôi thấy rất vui. Vui vì thoát khỏi trách nhiệm. Khi đa số người lao động cảm thấy làm nô lệ là hạnh phúc thì cơn cớ gì mình phải tiếp tục gánh chuyện bao đồng? Đó là chuyện bình thường trong ý thức bầu bán của công dân chứ chẳng ai trù dập tôi cả. Dẫu sao sau cuộc đấu tranh ấy, mọi sự đã khác… Ít nhất lòng tham vặt của lãnh đạo đã hạn chế và những kẻ nịnh hót không còn trơ trẽn như trước!