Theo số liệu trên wikipedia thì tiềm năng thủy điện của sông Mekong được chia làm 2 khu vực, phía thượng lưu thuộc Trung Quốc là 28.930 MW và phía hạ lưu thuộc 5 nước lại là 30.000 MW, nói chung là tương đương. Trong đó, phía Trung Quốc đã xây dựng 5 dự án thủy điện có tổng công suất là 11.250 MW chiếm 39% tiềm năng của khu vực này. Tất cả 5 dự án này đều nằm trên dòng sông chính. Trong khi đó Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia có 27 dự án thủy điện đã đi vào hoạt động với tổng công suất 6.451 MW chiếm 21% tiềm năng của vùng hạ lưu. Đáng chú ý là các dự án thủy điện ở các nước vùng hạ lưu sông Mekong chỉ là những nhà máy nhỏ và đặt trên các con sông nhánh thuộc lưu vực sông Mekong mà thôi.
Không biết những người đã tính toán tiềm năng thủy điện của sông Mekong thế nào, nhưng qua số liệu thực tế cho thấy, hiện nay hệ thống thủy điện trên vùng lưu vực con sông này chỉ mới chiếm 30% tổng công suất tiềm năng, ấy vậy mà tại vùng cửa biến của sông Mekong là khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã bị nước mặn xâm nhập rất nghiêm trọng. Cụ thể là vào năm 2016 do hiện tượng El nino, cùng với lượng nước con sông này bị chặn dòng quá nhiều đã làm đồng bằng Sông Cửu Long gặp đợt nước mặn xâm nhập sâu kỷ lục. Và khi đó, 13 tỉnh Miền Tây Nam Bộ bị thiệt hại nặng nề. Điều đó cho thấy những đánh giá của các ông chuyên gia ngành điện đã không tính hết những thiệt hại kinh tế do những dự án thủy điện gây ra.
Cũng theo thống kê của Wikipedia, trong 27 dự án thủy điện đang hoạt động trên các con sông phụ lưu của sông Mekong thì Việt Nam có đến 10 dự án với tổng công suất là 1969 MW, chiếm 30% công suất thuỷ điện của 5 nước vùng hạ lưu. Như ta biết, các nhánh sông thuộc hạ lưu sông Mekong vẫn là những đường cung cấp nước cho sông chính để cuối cùng lượng nước này được dòng sông chính đổ ra biển tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. Và chắc chắn với 10 dự án thủy điện ấy, nó cũng đã góp phần không nhỏ làm cho lượng nước đổ ra biển giảm đi rõ rệt. Hay nói cách khác, chính hệ thống thủy điện dày đặc của Việt nam cũng góp một phần vào nguyên nhân gây ra hiện tượng nước biển xâm nhập sâu vào vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Có thể nói, vùng Tây Nguyên của Việt Nam điểm khởi nguồn của nhiều con sông. Có những con sông là phụ lưu sông Mekong, có những con sông đổ ra biển qua các cửa sông nằm rải rác dọc các tỉnh duyên hải. Như ta biết, hầu như mùa lũ năm nào Miền Trung cũng xảy ra hiện tượng đập thủy điện xả lũ làm cho nhân dân gánh chịu thiệt hại cả nhân mạng và tiền của. Những thiệt hại đó, không được chính quyền thống kê và so sánh, liệu tiền bán điện của các nhà máy thủy điện ấy có nhiều hơn những thiệt hại của nhân dân do thủy điện xả lũ gây ra hay không? Ấy là chưa nói đến việc ngăn sông xây thủy điện đã chặn đứng đường di cư của rất nhiều loài cá làm phá hủy hệ sinh thái nguyên thủy của hệ thống sông ngòi.
Ngày 18/02/2020 trên báo Vnexpress có bài viết “Miền Tây trong ‘cơn bão’ hạn mặn”, bài này đã cho biết rằng, hiện nay vựa lúa lớn nhất Việt Nam – vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đang bị nước mặn xâm nhập rất nghiêm trọng. Vào giữa tháng 2 này, người ta ghi nhận nước biển đã xâm nhập vào sâu trong các con sông lớn ở miền Tây đến từ 50 đến 90 km. Rất nhiều nơi nước mặn xâm nhập sâu hơn đợt xâm nhập của năm 2016 từ ít nhất là 2 km, có nơi đến 11 km. Điều này làm cho vựa lúa lớn nhất Việt Nam có nguy cơ không còn có thể canh tác được nữa.
Nguyên nhân lớn nhất gây ra vấn đề này tất nhiên là bởi 5 dự án thủy điện rải rác trên thượng nguồn sông Mekong của Trung Cộng. Nhưng nói cho cùng, sông Mekong đâu chỉ có phần thượng nguồn mà có cả phần hạ nguồn nữa. Được biết, ở hạ nguồn, chính Việt Nam cũng đã chặn dòng các phụ lưu sông Mekong xây thủy điện để góp phần gây ra thảm họa hôm nay kia mà?
Ở khu vực đô thị Việt Nam, chúng ta hay thấy, ngành giao thông công chánh làm đường rải nhựa đường phố phẳng lì thì không lâu sau đó ngành nước đào lên vá lại, rồi sau nữa là đến ngành nước cũng lại đào lên rồi vá lại mảnh khác. Và cứ như thế, ông này vừa làm xong thì ông kia lại phá. Có thể nói đây là tính đặc trưng của cách quản lý kiểu “XHCN”. Chuyện thằng này làm thằng kia phá là vấn đề muôn thuở của bộ máy quản lí của ĐCS. Vậy nên, hôm nay chúng ta thấy nông nghiệp Việt điêu đứng vì thủy điện âu cũng là lẽ thường tình. Xã Hội Chủ Nghĩa mà? Nó chỉ có khả năng đến thế.
Năm 2016, vì hiện tượng El Nino mà nước mặn xâm nhập sâu vào các nhánh sông, nhưng hôm nay thì sao? Đâu có El Nino nhưng sao hiện tượng nước mặn xâm nhập vẫn vượt xa năm 2016? Năm nay chúng ta không thể đổ lỗi do thiên nhiên được mà phải nói rằng, đấy là do sự quản lý yếu kém của chính quyền CS Việt Nam. Vì sao ư? Như ta biết, ngày 23/12/2019 trên tờ Người Đô Thị có bài viết “Chuyên gia Mỹ khuyên Việt Nam xem lại bài toán kinh tế với thủy điện Luang Prabang” cho biết, công ty nhà nước PV Tower thuộc Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam – PVN đã bỏ ra 38% trong 2,3 tỷ đô la để xây công trình thủy điện Luang Prabang của Lào. Dự án này là dự án đầu tiên chặn ngay dòng sông chính của vùng hạ lưu sông Mekong để xây dựng thủy điện. Rõ ràng là, PV Tower đã bất chấp tất cả những thiệt hại của vựa lúa lớn nhất Việt Nam cũng chỉ để kiếm được những món lợi cho riêng mình.
Tiên trách kỷ hậu trách nhân. Hãy tự hỏi, chính quyền CS đã hành động như thế nào trong khả năng để bảo vệ Đồng Bằng Sông Cửu Long? Như ta thấy, biết rằng thủy điện chằng chịt trên vùng lưu vực sông Mekong là nguyên nhân chính, ấy vậy mà chính quyền CS có hành động trong khả năng để cứu dân Miền Tây Nam Bộ đâu? Không hề! Bởi đơn giản, thủy điện đem lại cho nhóm lợi ích món lợi lớn còn những thiệt hại của ngành nông nghiệp dù lớn cũng bao nhiêu thì chính người dân gánh lấy chứ đảng có chịu đâu mà bảo đảng lo nhỉ? Và đến đây, chúng ta đã hiểu là nguyên nhân tại sao Miền Tây kêu cứu thảm thiết nhưng đảng vẫn cứ cho những đứa con cưng của mình chặn dòng Mekong kiếm tiền. ĐCS là vậy, không thể nào thay đổi được bản chất được./.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
https://vnexpress.net/…/mien-tay-trong-con-bao-han-man-4055…
https://nguoidothi.net.vn/chuyen-gia-my-khuyen-viet-nam-xem…